Nhựa Pha Lê (PLP) lên tiếng giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về khoản đầu tư vào Công ty xây dựng Hạ Long
Nhựa Pha Lê cho rằng không có khả năng xảy ra tổn thất với khoản đầu tư tại CTCP Xây dựng Hạ Long, do đó, ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán trong Báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty không gây ảnh hưởng đến các chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính cũng như hoạt động kinh doanh của Công ty.
CTCP Sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê (PLP) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2020 được kiểm toán bởi AASC. Theo báo cáo kiểm toán, doanh thu hoạt động kinh doanh năm 2020 bị điều chỉnh nhẹ, giảm 24 tỷ đồng, từ 1.811 tỷ đồng xuống còn 1.787 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Nhựa Pha Lê cũng điều chỉnh xuống còn 39,8 tỷ đồng, giảm gần 10 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
Năm 2020 Nhựa Pha Lê vẫn giữ vững đà tăng trưởng, doanh thu tăng trưởng 70% so với năm 2019, từ 1.050 tỷ đồng lên 1.787 tỷ đồng. Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh Covid làm chi phí xuất khẩu tăng cao, giá dầu tăng kéo theo chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh, làm giảm biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của Doanh nghiệp.
Kiểm toán AASC cũng nêu ý kiến ngoại trừ trên BCTC năm của Nhựa Pha Lê. Theo đó, kiểm toán đang ngoại trừ khoản đầu tư của Nhựa Pha Lê vào công ty liên kết là Công ty Cổ phần xây dựng Hạ Long, số tiền 182,4 tỷ đồng, do không thực hiện kiểm toán tại công ty liên kết này.
Trước ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, Nhựa Pha Lê đã có giải trình với cơ quan quản lý. Cụ thể, CTCP Xây dựng Hạ Long là chủ đầu của dự án "Khu chung cư, dịch vụ thương mại đường bao hiển Lán Bè – Cột 8 đường Điện Biên Phủ tại phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long". Tổng diện tích dự án lên đến 11.833 m2, trong đó dự án được thiết kế với 3 tòa nhà hỗn hợp được xây dựng trên diện tích hơn 5.000 m2, với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án có đất sạch, đã được chấp thuận phê duyệt quy hoạch 1/500 từ tháng 8/2020 và chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 4/2021. Tại thời điểm 31/12/2020 các tài sản của CTCP Xây dựng Hạ Long được định giá với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Công ty Hạ Long gần như không có bất cứ nghĩa vụ nợ nào với bên thứ thứ ba, các tài sản đều là tài sản sở hữu trực tiếp, không có cầm cố, thế chấp tại bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Với giá trị đầu tư ban đầu là hơn 180 tỷ đồng để sở hữu 30% cổ phần tại CTCP Xây dựng Hạ Long, Nhựa Pha Lê đang sở hữu khối tài sản có giá trị hợp lý hơn 300 tỷ đồng tại ngày 31/12/2020. Việc CTCP Xây dựng Hạ Long không vay nợ, không thế chấp, cầm cố tài sản cho thấy công ty đang có tình hình tài chính hoàn toàn khỏe mạnh. Vì vậy, Nhựa Pha Lê cho rằng không có khả năng xảy ra tổn thất với khoản đầu tư tại CTCP Xây dựng Hạ Long, do đó, ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán trong Báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty không gây ảnh hưởng đến các chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính cũng như hoạt động kinh doanh của Công ty.
Ban lãnh đạo Nhựa Pha Lê cho biết, khoản đầu tư vào các công ty liên kết là tài sản tài chính của Nhựa Pha Lê, định hướng Công ty vẫn tập trung vào các sản phẩm cốt lõi và chiến lược của Công ty: hạt fillermasterbatch, sàn nhựa hèm khóa SPC và các ứng dụng từ bột đá nguyên liệu. Các nguồn lực có được từ việc đầu tư các dự án bất động sản của PLP sẽ được sử dụng để "nuôi" các nhà máy SPC theo chiến lược dài hạn của Công ty. PLP và đối tác đã tập trung nguồn lực đầu tư, mở rộng các nhà máy SPC trong giai đoạn năm 2020 đến năm 2021, với mục tiêu quy mô công suất 26 triệu m2 ván sàn SPC/năm, lọt vào Top 5 nhà sản xuất ván sàn lớn nhất thế giới.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị