Những bẫy lừa đảo dễ mắc trên mạng xã hội
Tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội, qua tin nhắn ngày càng biến tướng với nhiều hình thức và thủ đoạn khác nhau.
Một người đàn ông mới đây đã bỏ ra 1.000 USD sau khi tin vào lời chào mời của một người không quen biết. Trước đó, với ý định có thêm bạn và học thêm ngoại ngữ, người đàn ông này đã đồng ý kết bạn với một đối tượng có tài khoản Facebook tên Ham Castro. Chỉ hơn 1 tháng trò chuyện qua tin nhắn, đối tượng đã tha thiết đề nghị ông nhận giúp số tiền 2,5 triệu USD để đầu tư vào Việt Nam. Lấy lý do là lính tham chiến tại Syria, không được phép chuyển tiền quốc tế, đối tượng chỉ có thể chuyển về Việt Nam qua đường hàng không. Mức thù lao cho việc giúp đỡ này lên đến 300.000 USD.
Tin tưởng vào đối tượng, người đàn ông này đã bỏ ra 1.000 USD phí vận chuyển, nộp vào tài khoản ngân hàng do một người từ hàng không cung cấp để được nhận hàng.
Sự việc chưa dừng lại ở đó khi đối tượng có tài khoản Facebook tên Ham Castro tiếp tục đề nghị chi thêm 3.000 USD nộp phạt do phía Hải quan phát hiện có tiền bên trong hộp. Tuy nhiên, do nghi ngờ, người đàn ông này đã kịp dừng lại.
Một số hình thức lừa đảo khác cũng khá quen thuộc với nhiều người như: tin nhắn trúng thưởng, bán hàng qua mạng hay giả danh cán bộ điều tra của Bộ Công an yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản để phục vụ công tác điều tra... Tất cả những thủ đoạn này là đánh vào sự cả tin, lòng tham của người dân.
Cũng theo cơ quan chức năng, đối phó với đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao hiện nay rất khó, do tình trạng sim rác và tài khoản ảo. Ngoài đấu tranh, ngăn chặn với loại tội phạm này, cơ quan công an yêu cầu người dân đề cao cảnh giác, đặc biệt với tất cả các giao dịch trên mạng. Việc cung cấp thông tin cá nhân, nhất là với các đối tượng qua mạng Internet cũng cần hết sức thận trọng, khi các thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng phương thức nhằm lừa luôn được các đối tượng liên tục biến hóa.
VTV8