Những biểu đồ tổng quan về đại biểu Quốc hội khóa XV
Ảnh: Quốc hội
Sáng 20/7, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Bản báo cáo đã cho thấy những số liệu tổng quan nhất về các ĐBQH khóa XV.
- 20-07-2021Chân dung Thượng tướng quân đội được giới thiệu để bầu Phó Chủ tịch Quốc hội
- 20-07-2021Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quốc hội khóa XV tiến hành kỳ họp đầu tiên, mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp
- 20-07-2021Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng
- 20-07-2021Khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XV
Được trình bày trước Quốc hội trong kỳ họp đầu tiên, báo cáo nêu rõ: "Thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, cử tri cả nước đã tham gia rất tích cực và có trách nhiệm vào công tác bầu cử. Trong bối cảnh khó khăn, tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cử tri ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phương tiện đi lại khó khăn hoặc đang phải điều trị hoặc thực hiện cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn tự nguyện, hăng hái, tích cực tham gia bỏ phiếu. Vì vậy, tỷ lệ cử tri đi bầu cử lần này rất cao, đạt 99,60% tổng số cử tri cả nước".
Lượng cử tri đi bầu năm nay cao hơn 0,25% so với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (nhiệm kỳ khóa XIV tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,35%). Lần đầu tiên, cử tri tại thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn), tỉnh Khánh Hòa đã bỏ phiếu bầu cử cùng thời điểm với cuộc bầu cử trên đất liền vào ngày 23/5/2021, thể hiện quyết tâm rất lớn và là bước tiến quan trọng trong công tác tổ chức bầu cử, tăng cường sự gắn kết giữa lãnh thổ Việt Nam trên đất liền và các đảo xa bờ.
Trong khi đó, một số tỉnh có tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao Hậu Giang, 99,99%; Lạng Sơn 99,99%; Lào Cai 99,98%; Trà Vinh 99,97%; Bình Phước 99,97%; Vĩnh Long 99,96%; Bến Tre 99,96%; Hà Giang 99,96%; Yên Bái 99,96%; Quảng Ninh 99,95%.
Về cơ cấu đại biểu, trong tổng số 499 vị đại biểu quốc hội trúng cử, có 194 người do các cơ quan, tổ chức ở trung ương giới thiệu; 301 người do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu và 4 người tự ứng cử.
Số đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương trúng cử là 126 người; số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương trúng cử là 67 người.
Với kết quả nêu trên cho thấy, cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội.
Lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% - cao nhất từ trước đến nay và đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu.
Tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là phụ nữ đạt 30,26% - cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây. Với kết quả này, Việt Nam được nâng lên đứng thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở Châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.)
Ngoài ra, Quốc hội khóa XV còn những con số ấn tượng khác. Số đại biểu trẻ dưới 40 tuổi gồm 47 người (tỷ lệ 9,42%); đại biểu là người ngoài Đảng: 14 người /499 người (2,8%); Đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là ĐBQH các khóa trước: 203 người (tỷ lệ 40,68%); Đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội: 296 người (tỷ lệ 59,32% trong tổng số người trúng cử.
Báo cáo cũng cho thấy trình độ chuyên môn của những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cũng cao hơn so với nhiệm kỳ trước (tỷ lệ trên đại học đạt 78,56%, cao hơn 16% so với khóa XIV).