MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những bức thư gửi tới cổ đông trong vòng 4 thập kỷ tiết lộ gì về triết lý đầu tư của Warren Buffett?

10-03-2019 - 17:18 PM | Tài chính quốc tế

Huyền thoại đầu tư Warren Buffett rất kiên định, ông vẫn luôn ưu tiên việc đầu tư vào các công ty có cổ phiếu giá rẻ.

Khi các thế hệ tương lai muốn nghiên cứu về các nhà tư bản ngày nay, thì điểm xuất phát tuyệt vời nhất chính là những bức thư thường niên của Warren Buffett gửi tới các cổ đông của Berkshire Hathaway. Tuy nhiên, điều không may ở đây là, bất kỳ quan điểm về kinh tế của huyền thoại đầu tư này đều được đan xen với rất nhiều câu đùa về golf và đồ ăn nhanh. Có lẽ sẽ không dễ để có thể hiểu tường tận về tính hài hước của "Nhà hiền triết xứ Omaha", bởi vậy The Economist đã đưa ra một số phân tích về giá trị của những bức thư thường niên được tỷ phú Buffett viết trong 40 năm, để hiểu ngôn ngữ đã tiết lộ về tư tưởng của ông như thế nào.

Cho đến nay, Berkshire đã thay đổi rất nhiều. Điều có thể rõ ràng nhận thấy đó là sự tăng trưởng đáng kể về quy mô, Buffett hiện đã nói về "các hoạt động kinh doanh", chứ không chỉ là "hoạt động kinh doanh." Ngoài ra, ông cũng sử dụng tính từ "rất lớn" để miêu tả về công ty của mình. Những bức thư bao gồm cả nội dung về Berkshire từng tập trung vào việc mua lượng cổ phần nhỏ trong các công ty niêm yết, còn bây giờ họ mua cổ phiếu của rất nhiều công ty lớn.

Những bức thư gửi tới cổ đông trong vòng 4 thập kỷ tiết lộ gì về triết lý đầu tư của Warren Buffett? - Ảnh 1.

Buffett cũng sử dụng những từ ngữ khác khi miêu tả về Berkshire sau sự thay đổi về quy mô của công ty.

Sự thay đổi trong chiến lược này khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc định giá chính xác về Berkshire. Nếu xét về "bề nổi", thì 2018 là một năm khá ảm đạm đối với tập đoàn của tỷ phú Buffett, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu của Berkshire chỉ tăng 0,4%, đánh dấu mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Lợi nhuận cũng chỉ ở mức 4 tỷ USD, tương đương với 1,2% lợi nhuận trên vốn cổ phần.

Theo đó, "nhà hiền triết xứ Omaha" cho rằng những con số này phần nào phản ánh những chuẩn mực kế toán phức tạp - không phù hợp với các khoản đầu tư khác nhau của ông. Sự thay đổi trong nguyên tắc kế toán làm cho ông phải thay đổi phương thức hạch toán theo giá thị trường trên giá trị danh mục đầu tư 173 tỷ USD thông qua lợi nhuận của mình, khiến ông mất tới 20,6 tỷ USD vào năm 2018. Ngược lại, giá trị sổ sách của các công ty mà Buffett nắm giữ cổ phiếu hiện cũng đang thấp hơn nhiều so với giá trị hiện tại của họ, khiến cho việc đánh giá hiệu suất của Berkshire bằng sự thay đổi hàng năm về giá trị sổ sách trở nên khó khăn. Bởi vậy, vị tỷ phú cũng phàn nàn về điều này rất nhiều lần.

Dẫu vậy, nhà đầu tư huyền thoại vẫn cực kỳ kiên định, triết lý của ông luôn là đi tìm những công ty có cổ phiếu giá rẻ. Ông cho rằng cổ phiếu của các công ty có tiềm năng về dài hại lại đang có mức giá rất cao ở thời điểm này. Thay vào đó, ông sẽ tập trung vào việc mua cổ phiếu quỹ, cũng như đầu tư vào các cổ phiếu có thanh khoản vào năm 2019. Dù nói về việc "mua cổ phiếu quỹ" sẽ được đẩy mạnh, nhưng thực tế thương vụ như thế này chỉ được ông nhắc đến 3 lần trong năm nay.

Những bức thư gửi tới cổ đông trong vòng 4 thập kỷ tiết lộ gì về triết lý đầu tư của Warren Buffett? - Ảnh 2.

Các cổ đông của Berkshire Hathaway rất băn khoăn về việc liệu ai có đủ khả năng để thay thế Warren Buffett và Charlie Munger.

Trước đây, Buffett đã miễn cưỡng phải đi vay một số tiền khổng lồ, ông giải thích rằng "những người lý trí không mạo hiểm với những gì họ có và cần cho những gì họ không cần và không có". Tuy nhiên, ông đã tạo ra một trường hợp ngoại lệ vào năm 2013, khi đầu tư vào công ty thực phẩm Heinz Kraft. Và khi cổ phiếu của công ty này giảm mạnh thì nó cũng là nguyên nhân khiến cho gần 3 tỷ USD bị "thổi bay" khỏi bảng cân đối kế toán của Berkshire. Bởi vậy, số lần nhắc đến từ "nợ" đã tăng lên trong bức thư của năm nay.

Hiện tại, câu hỏi lớn nhất mà các nhà đầu tư ở Berkshire phải đối mặt là liệu ai có thể thay thế được nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Ông đã 88 tuổi, còn cánh tay phải đắc lực là Charlie Munger đã bước sang tuổi 95. Ở bức thư gửi tới các cổ đông năm nay, Buffett đã nhắc tới hai ứng cử viên cho vị trí này đó là Ajit Jain - 67 tuổi, và Greg Abel - 56 tuổi, cả hai đều được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của Berkshire hồi năm ngoái.

Hương Giang

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên