Những câu chuyện mới về bất bình đẳng giàu nghèo thời toàn cầu hóa
Tăng trưởng kinh tế ngày càng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các cá nhân và các vùng khác nhau. Nền kinh tế phát triển của một quốc gia vẫn bỏ lại phía sau nhiều công dân và các vùng kém phát triển.
- 07-10-2017Tăng thuế sẽ gia tăng khoảng cách giàu nghèo
- 19-08-2017Tăng thuế GTGT sẽ nới rộng khoảng cách giàu nghèo
- 17-04-2016Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng
Chủ nghĩa dân túy là một hệ tư tưởng đơn thuần xây dựng lên một khuôn khổ: một dân tộc trong sạch chống lại một tầng lớp tinh hoa mục nát. Chủ nghĩa này nhấn mạnh sự phân biệt giữa “nhân dân” và tầng lớp “tinh hoa”, các chính sách đưa ra được cho là đứng về phía “dân thường”.
Làn sóng của chủ nghĩa dân túy vẫn chưa chạm tới đỉnh. Đó là bài học nghiêm túc rút ra từ các cuộc bầu cử gần đây ở Đức và Áo. Sự thành công của các đảng phản đối nhập cư và toàn cầu hóa ở các nước này cho thấy thông điệp về sự thù địch đối với giới tinh hoa và người ngoại quốc đang cộng hưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự thù địch này xuất phát từ những công dân đang chán ngán với thực trạng của họ.
Đó cũng là bài học từ Mỹ, khi Donald Trump có thêm nhiều hành động tức giận. Gần đây nhất là đàm phán hiệp định NAFTA, những yêu sách của Mỹ có vẻ khiến NAFTA thất bại thay vì tái đàm phán hiệp định thương mại này.
Những phương thức trên sẽ không hiệu quả. Thất bại của NAFTA sẽ gây tổn hại lớn cho công nhân Mỹ - những người ủng hộ Trump. Việc siết chặt quy định đối với người nhập cư không giúp cải thiện kinh tế ở đông Đức, nơi có tới 20% phiếu bầu ủng hộ Đảng cực hữu của nước này.
Tuy nhiên, những thất sách của chủ nghĩa dân túy không làm giảm đi sức hấp dẫn nó. Các đảng chủ lưu (các đảng chính trị dòng chính) phải cung cấp cho cử tri, những người bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển kinh tế, một viễn cảnh tương lai tốt hơn, chú ý đến thực trạng của những khu vực kém phát triển là nguyên nhân đằng sau sự tức giận của người dân.
Địa lý và việc làm
Lý thuyết kinh tế cho rằng bất bình đằng vùng miền ắt sẽ giảm bớt khi những vùng nghèo hơn (và rẻ hơn) thu hút đầu tư và phát triển với tốc độ nhanh hơn các vùng giàu có. Thế kỷ 20 đã chứng minh cho lý thuyết này. Khoảng cách thu nhập giữa các bang của Mỹ và các vùng khác nhau của châu Âu được thu hẹp.
Nhưng hiện tại không còn diễn ra như vậy nữa. Những nơi trù phú ngày càng bị kéo ra xa khỏi những vùng đói nghèo. Sự phân chia về mặt địa lý như vậy gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Một đứa trẻ sinh ra trong gia đình thuộc 20% những người nghèo nhất ở San Francisco có nhiều cơ hội gấp đôi để lọt vào top 20% những người trưởng thành giàu nhất so với một đứa trẻ tương tự sống ở Detroit.
Những bé trai sinh ra tại Chelsea, London có thể kì vọng sống lâu hơn khoảng 9 năm so với những đứa trẻ ra đời tại Blackpool. Những người mắc kẹt ở các nơi kém phát triển bị hạn chế về mặt cơ hội, điều này ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
Nếu tất cả công dân của nước Mỹ sống tại những nơi có năng suất lao động cao thì trong vòng 50 năm qua, nền kinh tế Mỹ có thể đã tăng trưởng nhanh gấp đôi so với mức tăng trưởng mà nước này đạt được.
Trong nền kinh tế hiện đại, yếu tố quy mô càng trở nên quan trọng. Những công ty sở hữu kho dữ liệu lớn nhất có thể cải thiện máy móc của họ theo cách hiệu quả nhất. Mạng xã hội nhiều người dùng nhất sẽ hấp dẫn những người dùng mới. Thị trường chứng khoán có số lượng nhà đầu tư đông đảo nhất là nơi tốt nhất để huy động vốn.
Sự tăng lên của quy mô như vậy tạo ra ngày càng ít các hãng nổi tiếng, tập hợp tại một số ít những nơi nổi tiếng. Tất cả những nơi khác đều bị bỏ lại phía sau.
Khi sự chênh lệch về vùng miền bị nới rộng, mọi người càng ít di cư hơn. Số người Mỹ đi ra khỏi biên giới các bang mỗi năm kể từ những năm 1990s đến nay giảm xuống một nửa. Một người Mỹ điển hình tự do di cư hơn người châu Âu, những người vẫn sống xa bố mẹ không quá 30 km.
Sự chuyển đổi về nhân khẩu học giúp giải thích điều này. Mô hình hộ gia đình mà thu nhập đến từ cả hai vợ chồng đang tăng lên và nhu cầu chăm sóc những thành viên lớn tuổi trong gia đình ngày càng lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh nhân khẩu học, chính sách yếu kém là nguyên nhân quan trọng hơn. Giá nhà đất tăng chóng mặt ở các thành phố thịnh vượng khiến nhiều người không thể chuyển đến thành phố. Ở châu Âu, sự khan hiếm nhà ở xã hội khiến mọi người chọn những căn hộ rẻ tiền. Tại Mỹ, giấy phép hành nghề trong một bang cụ thể và những lợi ích của chính quyền hạn chế người dân ra khỏi bang của họ. Cụ thể, lương hưu của giáo viên sống tại một bang có thể gấp đôi lương của một giáo viên khác di cư ra khỏi bang vào giữa sự nghiệp của mình.
Thật kỳ lạ là các chính sách giúp đỡ người nghèo lại vô tình làm trầm trọng thêm hoàn cảnh của họ. Tình trạng thất nghiệp và những lợi ích y tế khiến những người muốn có công ăn việc làm không thể sống tại những vùng khó khăn và họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài di cư.
Phúc lợi xã hội giúp chủ nghĩa tư bản quan tâm hơn đến các cá nhân, nhưng nó cũng vẫn không giải quyết được những vấn đề của các vùng kém phát triển.
Thời đại của di cư?
Chúng ta phải làm gì? Câu trả lời là giúp mọi người di chuyển. Những nơi phát triển có thể xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng để cung cấp cho những người nhập cư. Gia tăng sự công nhận chung giữa các bang hoặc các quốc gia về trình độ lao động sẽ giúp mọi người đến được nơi phù hợp nhất với năng lực của họ.
Nhưng việc di cư đông đảo cũng gây ra những hệ quả không mong muốn. Các vùng kém phát triển bị lấy đi những lao động tài năng thì các vấn đề tại đó càng trở nên trầm trọng. Thuế của địa phương giảm khi người lao động năng suất cao rời đi, thậm chí ngay cả khi phúc lợi xã hội và lương hưu tăng lên.
Để tránh những hậu quả này, các chính trị gia đã cố gắng giúp đỡ những vùng kém phát triển bị bỏ lại bằng trợ cấp. Tuy nhiên, các chính sách có tính vùng miền này mang lại những kết quả rất khác nhau. Bang Nam Carolina thu hút hãng BMW vào năm 1992 và từ đó xây dựng một cụm sản xuất ô tô phát triển ở bang này.
Trong khi đó, các quỹ xây dựng của EU chỉ mang lại kết quả tốt và giảm thất nghiệp khi tiền liên tục được bơm vào. California, một bang nghèo của nước Mỹ, có 42 cụm doanh nghiệp, không có khu nào trong số đó giúp tăng số lượng việc làm. Các chính trị gia nên tập trung vào việc đẩy mạnh mức độ lan tỏa của các mô hình kinh doanh và công nghệ từ các vùng phát triển hơn.
Mức độ tập trung công nghiệp làm suy yếu sự năng động vì nền kinh tế chỉ tập trung vào lợi nhuận thu được từ tăng trưởng của một số ít các công ty và một số các vùng. Do đó, để giải quyết vấn đề này, một chính sách tăng cường cạnh tranh có thể làm giảm mức độ tập trung công nghiệp. Nhà nước nên nuôi dưỡng các cụm doanh nghiệp bằng cách khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư tư nhân hướng đến những vùng cụ thể.
Táo bạo hơn là mở rộng nhiệm vụ của các trường đại học địa phương. Vào thế kỷ 19, nước Mỹ thành lập rất nhiều trường đại học công về kỹ thuật. Các trường này được cho là đã cung cấp những kiến thức tốt nhất cho nông dân và các chủ nhà máy tại các thị trấn nhỏ và các vùng nông thôn.
Trường đại học ngày nay có thể đóng vai trò đó một lần nữa bằng cách giảng dạy công nghệ mới. Điều này là cần thiết đối với bất cứ quốc gia nào kể cả đất nước đã có hệ thống các viện nghiên cứu ứng dụng như nước Đức.
Các chính trị gia có thể học từ Amazon. Để tìm địa điểm cho trụ sở thứ hai của mình, công ty đã khiến các thành phố của Mỹ phải cạnh tranh nhau với hi vọng thu hút được gã khổng lồ về thương mại điện tử này.
Tương tự, chính phủ có thể trao thưởng cho các trung tâm nghiên cứu công, ví dụ như Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ hay Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu, cho đến các thành phố có kế hoạch tốt nhất trong việc cải cách chính sách và đầu tư công. Điều này sẽ lan tỏa những ý tưởng mới và tạo động lực cho các vùng còn khó khăn tự giúp chính mình.
Có lẽ đa số các chính trị gia cần một tư duy khác. Đối với những người theo chủ nghĩa cấp tiến, hạn chế đói nghèo đòi hỏi phúc lợi xã hội. Còn với những người theo chủ nghĩa tự do, giải quyết đói nghèo cần đến tự do kinh tế. Cả hai đều tập trung vào con người.
Tuy nhiên, sự tương tác phức tạp giữa nhân khẩu học, phúc lợi xã hội và toàn cầu hóa cho thấy những giải pháp đó là chưa đủ. Vì vậy, để làm dịu bớt sự tức giận của những người bị bỏ lại, chính phủ phải giải quyết vấn đề chênh lệch kinh tế giữa các vùng.