MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những câu hỏi đơn giản quyết định thành công của bạn khi muốn làm ông chủ

27-11-2018 - 19:00 PM | Tài chính quốc tế

Các doanh nghiệp mới phải làm thế nào để có thể thử nghiệm ý tưởng của mình trước khi đầu tư đáng kể thời gian và tiền bạc vào nó? Làm thế nào để chúng ta phát hiện ra những ý tưởng kinh doanh chắc chắn sẽ thành công?

Chop House Burger, một nhà hàng nhỏ ở Dallas, phục vụ các loại milkshake, khoai tây chiên giòn parmesan và sáu loại bánh mì burger kiểu mới. Nhà hàng đã hoạt động được 8 năm, trong một ngành kinh doanh dịch vụ nhà hàng mà 80% những doanh nghiệp mới tham gia thường thất bại trong 5 năm đầu tiên. Chú ý vào câu chuyện bắt đầu của Chop House Burger sẽ cho chúng ta phần nào thấy được tại sao số ít các sản phẩm (hoặc doanh nghiệp) thành công trên thị trường trong khi hầu hết dần dần thất bại.

Chop House Burger được tách ra từ Nhà hàng Dallas Chop House, một nhà hàng bít tết cao cấp. Nhà hàng Dallas Chop House nổi tiếng với các món bít tết ribeye, filet mignon và flat iron được làm khô bằng muối biển Himalaya. Quán đa dạng hoá thực đơn bằng cách cho thêm món bánh mì burger.

Mặc dù các món bít tết rất ngon, nhưng bánh mì burger sớm trở thành món ăn được gọi nhiều nhất trong thực đơn. Vì điều này, chủ nhà hàng quyết định mở một nhà hàng riêng chuyên phục vụ burger. Khi mới khởi nghiệp, chúng ta thường không có một doanh nghiệp sẵn có để thử nghiệm một sản phẩm mới trên thị trường. Vì vậy, trong trường hợp của Dallas Chop House, chủ nhà hàng có lợi thế là đã biết được nhu cầu sẵn có cho món burger trước khi ông quyết định mở một nhà hàng mới.

Tháng 2 vừa qua, công ty CB Insights (chuyên tập hợp dữ liệu về đầu tư mạo hiểm) đã tiến hành một đánh giá mở rộng về những yếu tố gây nên sự thất bại của các doanh nghiệp mới mở. Sau khi phân tích 101 startup sau khi thất bại, các chuyên gia nhận thấy rằng 42% thất bại vì "không có thị trường", thiếu nhu cầu cho sản phẩm hoặc dịch vụ kinh doanh. Yếu tố này khiến nhiều công ty thất bại nhất, hơn hẳn những thách thức thường được nhắc tới khác, ví dụ như dòng tiền (29%), cạnh tranh (19%) hay sai thời điểm (13%).

Dưới đây là ba chiến lược các doanh nghiệp mới có thể thành công:

Tìm kiếm các đối thủ đã thành công trên thị trường

Để nhận biết sản phẩm/dịch vụ có nhu cầu trên thị trường hay không, hãy tìm kiếm các đối thủ cạnh tranh đang phát triển tốt - đây là một dấu hiệu tốt để tham gia vào thị trường, chứ không hẳn là một cản trở như các doanh nghiệp thường nghĩ. Làm người tiên phong trong thị trường là một lợi thế lớn, nhưng lợi ích của người đến sau là bạn có thể học hỏi tầm nhìn và kinh nghiệm của những người đi trước.

Ngành kinh doanh dịch vụ giao đồ ăn có các ví dụ điển hình về những doanh nghiệp mới học theo các doanh nghiệp sẵn có, ví dụ như Seamless hay Grubhub. Hay như việc Yelp mua lại Eat24 để tận dụng cơ sở khách hàng sẵn có. Uber vận dụng mô hình kinh doanh sẵn có để tạo nên UberEats. Nền tảng thanh toán online Square mua lại Caviar, cung cấp dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng và giao đồ ăn một cách nhanh chóng và tiện dụng cho người tiêu dùng.

Kiểm tra lưu lượng truy cập các từ khoá tìm kiếm

Ngày nay, khi muốn tìm kiếm một sản phẩm hay một giải pháp cho vấn đề nào đó, chúng ta thường đánh máy lên thanh tìm kiếm Google. Bằng việc nghiên cứu các từ khoá, các doanh nghiệp có thể biết được người dùng đang cần thứ gì và qua đó xác định được thị trường cho sản phẩm của mình.

Theo Ahrefs, một công cụ nghiên cứu từ khoá tìm kiếm, có 27,000 người dùng tìm kiếm cụ thử "lựa chọn thay thế cho Photoshop" hàng tháng. 4,000 tìm kiếm cụm từ "máy cắt cỏ tự động". 100 người tìm kiếm "sổ sách kế toán cho tài xế xe tải". Các doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu những cụm từ tìm kiếm chung chung hơn. Ví dụ, "cách chỉnh sửa ảnh", "tiết kiệm thời gian cắt cỏ", hay "hướng dẫn ghi sổ kế toán cho tài xế xe tải" để mở rộng phạm vi nghiên cứu thị trường.

Không có một khối lượng tìm kiếm cụ thể mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để dự đoán nhu cầu thị trường. Vì thế, mỗi doanh nghiệp phải tự phân tích dữ liệu trong bối cảnh các mục tiêu kinh doanh và ngành phù hợp với doanh nghiệp của mình.

Kiểm tra "lời hứa" khi tiếp thị của bạn với khách hàng

Người dùng không mua sản phẩm. Họ mua lời hứa của bạn về sản phẩm. Nói cách khác, người dùng không thực sự biết sản phẩm của bạn như thế nào cho đến khi họ mua nó về và sử dụng. Họ không trả tiền vì những lợi ích nó đem lại ngay lập tức, mà họ trả tiền cho những lợi ích mà bạn hứa là sản phẩm của mình sẽ mang lại cho họ.

Đây là một điều rất đáng lưu ý cho bất cứ ai muốn thử nghiệm xem một sản phẩm hay dịch vụ mới trên thị trường, vì thực ra, bạn không cần nhất thiết phải có một sản phẩm hoàn thiện để xác định thị trường cho ý tưởng kinh doanh của mình. Thay vào đó, bạn có thể chỉ cần dùng một bản sao mẫu để tiếp thị và thử nghiệm nó qua các cuộc khảo sát, phỏng vấn với nhóm khách hàng mục tiêu. Tất nhiên, thử nghiệm về nhu cầu chỉ có thể chính xác nhất khi khách hàng phải bỏ tiền túi của họ ra mua nó. Vì vậy, mô hình bán trước như trang web Kickstarter là một ví dụ điển hình để thực hiện điều này.

Không có hệ thống hoàn hảo để xác thực nhu cầu cho một sản phẩm hoặc dịch vụ, nhưng điều này không có nghĩa là bạn không nên thực hiện thẩm định (due diligence). Thất bại trong kinh doanh rất tốn kém, có thể dẫn đến mất vốn, thời gian và mất tự tin. Theo nghiên cứu của CB Insights, có một số thách thức khác sẽ khó dự đoán đối với doanh nghiệp ví dụ như thời điểm ra mắt, tuyển dụng nhân viên phù hợp với công việc hay không. Nhưng nhu cầu thị trường là một yếu tố quan trọng mà bạn có thể dự đoán trước được phần nào.

Nếu 42% các doanh nghiệp thất bại vì "không có thị trường" như theo nghiên cứu của CB insights thực hiện tốt hơn việc kiểm tra nhu cầu thị trường, có thể họ đã chọn theo đuổi những ý tưởng thực tế hơn và tránh được thất bại đáng tiếc.

Xét cho cùng, càng tránh được nhiều những lối đi chệch hướng, các doanh nghiệp sẽ tới đích nhanh hơn.

Lan Chi

Tổng hợp

Trở lên trên