Những chuyện cười ra nước mắt khi đi ăn buffet: Đừng để giá miếng ăn cao lên, giá trị nhân cách hạ xuống
Đi ăn buffet nghĩa là bạn chỉ cần chi ra một số tiền nhất định để có thể ăn no, ăn chán các món theo sở thích. Nhưng với nhiều người, ăn đến no vẫn là chưa đủ...
- 28-09-2019Con người đang sống với bầu không khí có chất lượng tệ chưa từng có trong vòng 2,5 triệu năm qua
- 28-09-2019Dân mạng đòi "tẩy chay" vợ chồng Hoàng tử Harry và Meghan Markle vì liên tục bắt chước Công nương Diana để đánh bóng tên tuổi
- 28-09-2019WHO cảnh báo: Việt Nam có gần 1 triệu ca nhiễm virus viêm gan C, cần chủ động phòng ngừa ngay các con đường dễ lây nhiễm
Buffet là kiểu ăn trả tiền trọn gói. Theo đó mỗi thực khách sẽ chỉ cần bỏ ra một khoản tiền như nhau là được phép ăn đến thỏa thích các món theo sở thích cá nhân trong thực đơn chuẩn bị sẵn (thường là hàng chục đến cả trăm món), trong một khung thời gian cụ thể.
Đi ăn buffet - những chuyện cười ra nước mắt
Những năm gần đây, ăn buffet trở thành lựa chọn được không ít người ưa thích, nhất là trong những dịp tiệc tùng, đi nhóm đông bởi với số lượng món đa dạng, đủ cả Á lẫn Âu, từ trẻ con đến người lớn, ai cũng có thể chọn được những món phù hợp với khẩu vị của mình.
Giá buffet, vì thế cũng có thể coi là cao so với những bữa ăn thông thường. Dù vậy với ưu điểm là được ăn đã đời món mình thích, giá tiền biết trước, loại hình vẫn rất được ưa chuộng khi ai đó lâu lâu muốn “đổi gió”.
Những tưởng rằng hình thức ăn uống văn minh, rõ ràng này sẽ chẳng nảy sinh lùm xùm gì, nhưng hóa ra không phải. Cả ở bên cung cấp dịch vụ lẫn khách hàng đều có nhiều chuyện đáng bàn. Nếu ở phía nhà hàng là thái độ nhân viên, chất lượng thực phẩm thì thực khách đi ăn buffet cũng có nhiều ứng xử khiến người ta phải bất ngờ về sự kém ý thức, thậm chí nói nặng là kém văn hóa.
Đi ăn buffet lấy phần mang về - Ảnh: internet
Dân mạng mới đây được phen bàn tán xung quanh bài viết được đăng trên một số hội nhóm chuyên review ẩm thực “Có những chị em xinh đẹp có, các cô các chị em trung tuổi cũng có lấy đồ trút vào túi bóng mang sẵn từ nhà đi. Có lần các bạn quản lý còn bắt gặp một bàn 5 - 6 cô mang hẳn 4 cái túi bóng đi để lấy đồ mang về bao gồm hơn chục con ghẹ, 1,5kg bề bề, cả nửa ký tôm đã cho vào nồi lẩu đun chín để đổ vào túi bóng mang về. Rồi có chị đi cùng chồng cùng con vẫn trút đồ vào túi bóng mang về trước mặt những đứa con của mình”.
Câu chuyện đi ăn buffet lấy phần mang về này hiện đang khiến không ít người ngỡ ngàng, nếu không có camera ghi lại, những nhân viên nhà hàng có lẽ cũng sốc y như chúng ta. Việc “chơi ăn gian” cho một nội quy có sẵn đã là một vấn đề, nhưng nó liên quan đến miếng ăn thì còn đáng nói hơn. Đi ăn buffet vốn không phải là ăn cỗ lấy phần, có miếng ngon để dành mang về cho con cháu ở nhà hưởng sái; cũng không phải bạn đã “bao” cả bàn tiệc mà bảo rằng lỡ lấy rồi, ăn không hết thì thôi cầm về.
Có thể trút đồ ở tiệc buffet mang về là một hành động hy hữu không mấy khi gặp. Nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều nữa những nét xấu xí đã được bộc lộ trong bữa buffet. Rất nhiều người đến ăn buffet với tâm thế "mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng" nên đã lấy đồ ăn bừa phứa vượt quá sức ăn của mình. Để rồi họ đứng dậy ra về với chiếc bàn còn ê hề thức ăn, có miếng cắn dở, nhiều miếng thậm chí còn chưa đụng tới bừa bãi trên đĩa, vô cùng phía phạm.
Chưa kể theo như bài chia sẻ về việc đi ăn lấy phần mang về thì nhà hàng thi thoảng còn có những khách đến ăn và "quên" không thanh toán.
Nhiều thực khách khi đi ăn tiệm luôn yêu cầu nhà hàng đối xử với mình như thượng đế mà quên rằng mình trả tiền cho dịch vụ với những quy định kèm theo, chứ không phải là dịch vụ vô điều kiện. Câu chuyện là, quy định có rồi, nhưng bạn có tôn trọng nó hay không?
Rồi có những người khi đi ăn buffet chỉ chăm chăm nhòm ngó quầy thức ăn đắt đỏ (đặc biệt là hải sản), chen lấn, xô đẩy nhau mỗi khi có đợt tiếp thức ăn mới, lấy nhiều và liên tục đến mức tranh cả phần người khác. Có người lại sinh tâm lý phải ăn được hết số tiền đã bỏ cho đỡ uổng, ăn hơn được số tiền bỏ ra càng tốt sinh ra ăn bất chấp, ăn lấy được. Đáng nói vì ăn quá nhiều, quá no nên có những người đứng phải bàn buffet lập tức phải vào nhà vệ sinh… nôn ra cho nhẹ bụng. Thậm chí có người đã nôn ngay trên bàn buffet.
Những câu chuyện cười ra nước mắt này, những biểu hiện xấu xí ấy cũng đặt ra câu hỏi, vì một miếng ăn, người ta có đáng hạ thấp hình ảnh của mình thế không? Ăn là để ngon miệng, để biết cách thưởng thức món ngon, tận hưởng sự giàu có của thiên nhiên ban tặng và bàn tay khéo của đầu bếp, hay chỉ cần thỏa miệng nhai, nhồi cho chật bụng?
Đồ ăn có thể ngon, nhưng có đáng không?
Ngay trong bài đăng nói trên, người viết đã hỏi nhẹ một câu mà khiến không ít người giật mình: “Hải sản có thể hơi đắt một chút với các thức ăn khác nhưng có đáng để mọi người phải làm vậy hay không?”.
Trong nhiều điều cần học, ông cha ta đặt việc “học ăn” lên hàng đầu, phải chăng vì tất cả văn hóa, nhân cách, sự giáo dục của gia đình đều bộc lộ qua một miếng ăn. Và những câu quen thuộc bạn đã từng nghe: " Miếng ăn là miếng tồi tàn ", “Đói cho sạch, rách cho thơm”… ông bà truyền lại rồi người ta vẫn nói với nhau hàng ngày chẳng phải chỉ để hướng đến mục đích lớn nhất là nhắc nhở nhau, nhắc nhở chính mình rằng đừng miếng ăn mà quên mất tư cách hay sao?
Chẳng ai biết cả một “hội đồng” thanh lịch hôm ấy họ đã nghĩ gì với những bịch nilon giấu giếm mang về. Có thể nhiều người vẫn nghĩ đây cũng chỉ là một trò chơi ăn gian một chút, mình vẫn trả tiền và không hề đáng xấu hổ. Nhưng nếu đúng ra, hành động có thể gọi là ăn cắp khi chẳng có quy định nào cho phép thực khách đi ăn buffet mang đồ về, thậm chí lượng đồ đó còn rất lớn.
Chưa kể có những bà mẹ để con mình chứng kiến màn ăn gian kia. Bạn có thể trót lọt mang được đống tôm, cua cá kia về nhà rồi hỉ hả với chiến lợi phẩm của mình và cho con ăn để thêm canxi, thêm đạm để cao lớn, nhưng bài học về nhân cách, về đạo đức, về sự thật bạn dày công dạy con đã bị phá vỡ mà chính bạn không nhận ra. Bởi có một sự thật ai cũng nên biết đó là khi muốn dạy con điều gì hãy làm gương trước nhất.
Chúng ta chọn đi ăn nhà hàng thay cho việc ăn nhà thực chất là bỏ tiền ra mua lấy sự vui vẻ, mua lấy không khí được phục vụ, là thưởng thức miếng ngon được chế biến theo kiểu lạ miệng mà ở nhà chẳng làm ngon bằng. Nhưng nếu để miếng ăn biến tướng thành khôn vặt, vì miếng ăn mà quên mất cả sĩ diện và thể diện cũng như quên đi mục đích tốt đẹp ban đầu như câu chuyện phía trên thì thực sự cần xem xét lại.
Có nhiều người nói rằng ăn uống với họ là một thứ “tín ngưỡng”. Dù biết là nói chơi, nhưng cũng cho thấy tầm quan trọng của miếng ăn không hề nhỏ. Dù vậy, không phải cứ vì miếng ăn ngon mà ta quên hết cả sự thanh lịch hay thậm chí là lòng tự trọng, đạo đức cơ bản.
Người Nhật có một nguyên tắc trong ăn uống rất khoa học mọi người hay truyền nhau đó là “ăn ít, nhai kỹ”. Không phải cứ ăn thật nhiều đã là tốt, càng không phải cứ ních cố vào bụng là bạn đã được mua rẻ. Trong cuộc sống hiện đại, làm gì cũng cần nhớ 2 từ ý thức. Miếng ăn tuy quan trọng thật nhưng không phải là tất cả. Đừng để vì thỏa mãn cái miệng mà giá trị nhân cách hạ xuống.
Trí thức trẻ