MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cổ phiếu nào có cơ hội từ mùa mưa bão?

Dựa trên sự kiện TP HCM đang trong những cơn mưa lớn nhất 40 năm qua nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu của Công ty Taxi Vinasun (VNS) và Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC) trong mùa mưa bão này.

VNS – Nhu cầu sử dụng gia tăng rõ nét

Quan sát thấy nhu cầu sử dụng phương tiện taxi đi lại trong mùa mưa này là rất cao. Tại các điểm đón khách của các hãng taxi, khách hàng thường xuyên phải chờ đợi trong khi Uber/Grab đều rất tích cực tăng giá gấp đôi, gấp ba lần vào giờ cao điểm hoặc thời tiết xấu đã khiến người tiêu dùng quay trở lại với Taxi truyền thống là Vinasun và Mai Linh.

Dù gặp hai đối thủ lớn Uber/Grab gia nhập thị trường chuyên chở hành khách từ năm 2013 nhưng VNS vẫn duy trì lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử công ty trong năm 2015 nhờ nhiều thay đổi tích cực. Điều này tiếp tục giúp VNS đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 347 tỷ, tăng trưởng 5,7% cùng kỳ năm 2015 nhưng với yếu tố thời tiết và hành vi của người tiêu dùng, ước tính VNS sẽ đạt vượt kế hoạch lợi nhuận 10% đạt 360 tỷ, tương đương EPS là 5.315đ/cp. Tại mức giá đóng cửa ngày 27/9 36.800đ, VNS đang giao dịch tại P/E 2016 6,9 lần.

Một thông tin thú vị khác hôm nay khi Bộ Tài chính sẽ tiên phong giảm đội ngũ xe công và chuyển sang sử dụng taxi sẽ là gia tăng doanh thu cho các hãng taxi.

SVC – Dịch vụ sau bán hàng lên ngôi

Hiện tượng “thuỷ kích” khi xe hơi ngập nước rất phổ biến tại các khu vực ngập nước đã làm cho hàng trăm xe hơi phải nhờ xe kéo và đến garage để sửa chữa. Mức phí trung bình sửa chữa từ 1/4 hay 1/3 giá trị xe mới vì nước làm hư hỏng các hệ thống điện, động cơ. Dù đây không phải là thời điểm vui vẻ gì cho các chủ xe ôtô, nhưng lại là thời điểm đầu tư vào SVC do công ty này có hệ thống hơn 35 showroom đạt chuẩn 2S và 3S cung cấp dịch vụ sau bán hàng: bảo dưỡng, sửa chữa và bán & thay phụ tùng.

SVC được xem là công ty duy nhất tại Việt Nam cung cấp chuỗi bán xe – bảo dưỡng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các hãng sản xuất xe đang thu hút người tiêu dùng nhờ thương hiệu, chất lượng dịch vụ, độ phủ rộng của các cửa hàng thay cho các chuỗi garage nhỏ lẻ. Cần ghi nhớ rằng trong 3 năm gần nhất, số lượng xe hơi tăng đột biến nhờ sự phát triển đô thị hoá, hạ tầng, sự kiện uber/grab (Kia Morning) và gia tăng chi tiêu của tầng lớp trung lưu,

Ban quản trị SVC đặt kế hoạch doanh số tăng trưởng 11% đạt 11.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ -2% đạt 160 tỷ tương đương thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt 6.400đ riêng cho mảng phân phối xe và các dịch vụ bảo trì, sửa chữa thông qua các đại lý khắp cả nước. Dựa trên định giá theo phương pháp P/E riêng mảng kinh doanh xe hơi, SVC xứng đáng giao dịch tại P/E 8.x tương đương 54.000đ/cp dù chưa tính khoản giá trị chuyển nhượng bất động sản Megamall và định giá các tài sản đất khác tại các khu vực trung tâm.

VNS – Mua – Giá mục tiêu 45.000 ( +23%)

SVC – Mua – Giá mục tiêu 62.000 ( + 21,5%)

Ngành bảo hiểm xe ôtô căng thẳng?

Ở góc độ ngược lại, các công ty bảo hiểm có tỷ trọng bảo hiểm xe cơ giới lớn như BVH, BMI, PVI… sẽ gặp căng thẳng do giá trị đền bù (nếu chủ xe mua gói Thuỷ kích) sẽ rất lớn so với mức phí thu được. Tuy nhiên, ước tính số lượng xe hư hỏng này rất nhỏ so với tổng lượng xe lưu hành và đây chỉ là ý tưởng đầu tư (bán) mà thôi.

Theo Nguyễn Ngọc Thạch

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên