Những con số cho thấy Trung Quốc đang thống trị ngành thép thế giới như thế nào
Vào năm 2017, sản lượng thép của Trung Quốc gấp 10 lần của Mỹ.
- 07-06-2018Quan hệ Mỹ - Canada căng thẳng vì thuế thép và nhôm, ông Trump lấy chuyện Nhà Trắng bị đốt ra tranh luận
- 20-04-2018Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung : Vì sao không chỉ các doanh nghiệp thép hay thịt lợn bị tác động?
- 10-03-2018Ông Trump đánh thuế nhôm thép, Elon Musk là người mừng nhất!
Thuế quan thép hiện đã được áp dụng. Toàn thế giới đang càu nhàu và doạ dẫm trả đũa nước Mỹ. Những đối tác gần gũi nhất của Mỹ, ví dụ như Canada, đang nỗ lực tìm cách thay đối tình hình hiện tại. Một bộ phận các doanh nghiệp Mỹ đang vận động yêu cầu bãi bỏ thuế quan. Ngược lại, những doanh nghiệp còn lại từng ủng hộ thuế quan đang vô cùng thoả mãn. Và truyền thông thì chìm đắm trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, ai đang sản xuất thép, và ai chiếm lĩnh ngành kinh doanh này?
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, vào tháng tư, sản xuất thép thô của Trung Quốc từ năm ngoái đã tăng thêm 4,8%, đạt mức kỷ lục 76,7 triệu tấn. Con số này gấp gần 11 lần sản lượng 6,9 triệu tấn thép thô do Mỹ sản xuất.
Ngành sản xuất thép của Trung Quốc lớn gấp chín lần so với hai quốc gia sản xuất đứng thứ hai và thứ ba, Nhật Bản và Ấn Độ, với sản lượng 8,7 triệu tấn mỗi quốc gia. Sản lượng thép thô của thế giới vào tháng tư đạt 148,3 triệu tấn, trong đó, Trung Quốc chiếm tỉ trọng 51,7%.
Thành viên của Hiệp hội Thép Thế giới sản xuất gần 85% sản lượng thép thế giới. Mới đây, Hiệp hội đã công bố Số liệu Thép Thế giới 2018 thống kê dữ liệu trong năm 2017.
Sản xuất thép đã tăng mạnh trong những năm vừa qua. Kể từ năm 1996, sản xuất thép chỉ suy giảm trong ba năm, đó là năm 1998 do Khủng hoảng Tài chính châu Á, năm 2009 do Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu, và năm 2015 khi Trung Quốc nỗ lực giải quyết tình trạng sản xuất tràn lan của mình.
Vậy vai trò của Trung Quốc hiện nay ra sao?
Phần đóng góp của Trung Quốc trong tổng sản lượng thép của thế giới đã tăng vọt trong những năm vừa qua lên mức 51,7% vào tháng tư. Thị phần của Trung Quốc đạt mức 50% lần đầu tiên vào năm 2013 và luôn giữ mức này tới nay (trừ năm 2017, thị phần của Trung Quốc giảm xuống 49,2%). Đứng thứ hai là thị phần của khu vực Bắc Mỹ, bao gồm Mỹ, Canada và Mexico. Thị phần của khu vực đã giảm từ mức gần 17% vào năm 1996 xuống mức 6,9% vào năm 2017.
Sản lượng thép phân theo khu vực.
Xét thị phần quốc gia, thị phần của Mỹ đứng thứ tư, sau cả Ấn Độ. Vào năm 2017, Mỹ sản xuất 81,6 triệu tấn. Sản lượng của Trung Quốc gấp 10 lần, đạt mức 831,7 triệu tấn.
Trong 12 nhà sản xuất thép lớn nhất vào năm 2017, có tới 4 doanh nghiệp do các cơ quan chính phủ Trung Quốc sở hữu. Nhà sản xuất thép lớn nhất nước Mỹ đứng ở vị trí thứ 11. Danh sách 12 doanh nghiệp bao gồm:
1. ArcelorMittal (97 triệu tấn) được thành lập vào năm 2006 khi doanh nghiệp Ấn Độ Mittal Steel mua lại doanh nghiệp thép Arcelor của Pháp.
2. Tập đoàn Thép Baowu của Trung Quốc (65 triệu tấn) do chính phủ Trung Quốc sở hữu.
3. Tập đoàn Nippon Steel & Sumitomo Metal (47 triệu tấn) của Nhật Bản.
4. Tập đoàn Hesteel (45,6 triệu tấn), trước đây là Tập đoàn HBIS, do chính quyền Tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc sở hữu.
5. POSCO (42 triệu tấn) của Hàn Quốc.
6. Tập đoàn Shagang Trung Quốc (38 triệu tấn) thuộc sở hữu tư nhân
7. Tập đoàn Anshan Iron and Steel Group, hoặc Ansteel Group (36 triệu tấn), do chính phủ Trung Quốc sở hữu.
8. JFE Holdings (30 triệu tấn) của Nhật Bản.
9. Tập đoàn Shougang (27 triệu tấn) do chính quyền Bắc Kinh, Trung Quốc sở hữu.
10. Tập đoàn Tata Steel (25 triệu tấn) của Ấn Độ.
11. Nucor (24 triệu tấn) của North Carolina, Mỹ.
12. Shandong Steel (22 triệu tấn) do chính quyền tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc sở hữu.
Các cơ quan chính phủ tham gia vào ngành sản xuất thép không chỉ thông qua các doanh nghiệp sản xuất lớn. Những nhà sản xuất này cũng dễ dàng được cấp vốn vay từ 4 siêu ngân hàng quốc doanh và các khách hàng lớn nhất của họ cũng là những doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Ngân hàng trung ương của Trung Quốc, PBOC, là một phần của nhóm và có nhiệm vụ bảo đảm các ngân hàng quốc doanh không sụp đổ do cho các nhà sản xuất thép (nay đã trở thành các công ty "zombie" thua lỗ) vay.
Chính các cơ quan chính phủ Trung Quốc đã cùng nhau chiếm lĩnh hoàn toàn ngành thương mại thép toàn cầu.
Dữ liệu do Hiệp hội Thép Thế giới cung cấp là những gì chúng ta cần ghi nhớ khi có ai đó nói rằng Mỹ không nhập khẩu nhiều thép từ Trung Quốc. Điều này hoàn toàn chính xác! Các nhà sản xuất thép, hầu hết thuộc sở hữu công hoặc do nhà nước hỗ trợ, vận chuyển thép tới các quốc gia khác, và từ đó thép được vận chuyển đến Mỹ, hoặc được dùng để sản xuất các sản phẩm khác rồi vận chuyển tới Mỹ.