Những "con thuyền lớn" cần làm gì để tránh bị rò rỉ doanh thu?
Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia...
Theo kết quả khảo sát do Vietnam Report công bố cuối năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn lạc quan vào triển vọng phát triển của nền kinh tế cũng như kết quả hoạt động kinh doanh trong 2019. Phần lớn ý kiến đánh giá tích cực về hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát, điều chỉnh tỷ giá và tiếp cận thông tin, văn bản luật pháp.
Đồng thời Report cũng dự báo, ngành Tài chính- Ngân hàng, công nghệ thông tin, Phân phối bán lẻ, Dầu khí, Bất động sản, Dịch vụ tiện ích (bao gồm điện, nước) là những ngành có triển vọng tốt nhất trong 2019.
Hàng loạt lĩnh vực có triển vọng tốt
Lý giải về nhận định trên, ông Phan Quốc Bửu, Công ty cổ phần Chứng khoán ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam cho biết, về cơ bản, các ngành trên có được kết quả kinh doanh thuận lợi nhờ tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định, yếu tố vĩ mô – chính trị ổn định, môi trường đầu tư được cải thiện cùng với sự tăng lên nhanh chóng của nhóm tầng lớp trung lưu, thói quen tiêu dùng thay đổi và xu hướng đô thị hóa. Bên cạnh đó, sự nỗ lực trong tiết kiệm chi phí hoạt động, quản trị doanh nghiệp cũng giúp cải thiện nào hiệu suất sinh lợi của doanh nghiệp.
Cụ thể, ngành ngân hàng đã có những điểm sáng tích cực sau giai đoạn dài đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản, hiện hoạt động của các ngân hàng lành mạnh hơn và tuân theo các chuẩn mực quy định khắt khe hơn của thế giới. Nhiều ngân hàng được kỳ vọng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn nhờ vào: hoạt động cốt lõi tăng trưởng tốt; tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu giảm so với năm trước; ghi nhận hoàn nhập dự phòng và thu nhập khác từ việc xử lý nợ xấu, đặc biệt ở mảng bất động sản...
Trong khi đó, ngành bất động sản tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, nhu cầu thực về mua nhà hiện tại vẫn đang được đánh giá duy trì ở mức cao đặc biệt ở phân khúc nhà ở bình dân và trung cấp. Tuy nhiên, tăng trưởng ngành này trong giai đoạn tới sẽ có những phân hóa rõ nét khi người mua nhà sẽ tập trung nhiều hơn ở các dự án của chủ đầu tư uy tín, đảm bảo về mặt chất lượng thi công và tiến độ bàn giao nhà.
Với lĩnh vực dầu khí, căng thẳng địa chính trị Iran gây ra thiếu hụt nguồn cung, đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp củng cố đà tăng của giá dầu. Sự phục hồi mạnh của giá dầu giúp cho triển vọng các doanh nghiệp dầu khí sẽ khả quan hơn do đặc thù ngành có độ trễ nhất định từ 6 tháng đến 1 năm, ngoài ra giá dầu duy trì mức cao cũng sẽ giúp các dự án được tái triển khai. Dự kiến trong năm 2019, các dự án dầu khí lớn như Lô B-Ô Môn, Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2, Sao Vàng Đại Nguyệt sẽ giúp các công ty thượng nguồn bắt đầu được hưởng lợi. Bên cạnh đó, tình hình cơ cấu bộ máy tổ chức của PVN cũng đã gần hoàn tất, là động lực để các dự án dầu khí được triển khai đúng kế hoạch.
Còn với ngành điện thì vẫn duy trì kết quả kinh doanh khả quan nhờ vào thời tiết. Giá bán điện hợp đồng của các công ty nhiệt điện có xu hướng tăng cùng chiều với giá nguyên vật liệu (khí, than). Tổng mức doanh thu trung bình nhóm doanh nghiệp ngành điện trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 33,8%, sản lượng điện thương phẩm lũy kế 8 tháng đạt 145,15 tỷ kWh (+11,2% yoy). Tính đến tháng 8/2018, EVN đã đưa vào vận hành 106 dự án 110- 500kv nhằm bổ sung cho nguồn cung thiếu hụt trong khu vực phía Nam khi nhu cầu tăng mạnh. Kết quả kinh doanh nhóm ngành điện cũng cho thấy tình hình kinh doanh khả quan với tổng doanh thu và lợi nhuận ngành lần lượt đạt 29.103 tỷ đồng, tăng 15,5% và 3.547 tỷ đồng, tăng 24,4% theo năm.
Về lĩnh vực bán lẻ, phương thức bán lẻ hiện đại tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng do thay đổi về hành vi tiêu dùng.
Theo báo cáo của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 24%, đạt khoảng 6,2 tỷ USD, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ cả nước và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Dự kiến năm 2020, cả nước sẽ có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng) sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Vẫn đối mặt với nhiều khó khăn
Cho đến nay, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Trong năm qua và cả 2019, xu hướng giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép... tăng cùng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ đang đặt ra nhiều rào cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Theo Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 2018 tăng 3,5% so với 2017 nhưng số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng tới 49,7% với 90.651 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đang chịu nhiều trước sức ép về biến động tỷ giá và gánh nặng về thuế, bao gồm cả thuế nhập khẩu của các đối tác thương mại lớn. 51,4% doanh nghiệp đã đánh giá "biến động tỷ giá hối đoái" là khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay, kế đến là thuế với 42,9% lựa chọn của doanh nghiệp.
Mặt khác, hiện nay, trong khi thế giới đang tiến đến kỷ nguyên công nghiệp 4.0, thì trình độ áp dụng công nghệ trong doanh nghiệp Việt nói riêng và trong nhiều ngành của Việt Nam nói chung mới đang ở giai đoạn đầu do thiếu hụt nguồn vốn, thông tin, kỹ năng, cơ sở hạ tầng, nhân lực...
Đánh giá về thực trạng này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường và năng lực cạnh tranh quốc gia (CIEM) lấy ví dụ: hiện chỉ có gần 29% doanh nghiệp nhà nước đang áp dụng công nghệ điện toán đám mây, trên 22% doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch áp dụng và có tới 49% doanh nghiệp nhà nước không có kế hoạch hoặc cho rằng không liên quan đến công nghệ này trong quá trình sản xuất kinh doanh. Có tới gần 50% doanh nghiệp nhà nước chưa sẵn sàng với các ứng dụng cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu...
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu lớn nhưng chưa có đủ tiềm lực và định hướng chiến lược trong quá trình đầu tư công nghệ thông tin. Thống kê của Vietnam Report chỉ rõ, trong giai đoạn 2018-2019, khoảng 57% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đang đẩy mạnh quá trình đầu tư cho công nghệ, 37,1% doanh nghiệp đang đầu tư từ từ, thay đổi từng bước và 8,6% vẫn trong quá trình chuẩn bị. Trong đó, hầu hết nhóm doanh nghiệp được hỏi đều ưu tiên ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0.
Cụ thể, 65,7% doanh nghiệp đang chi cho đổi mới công nghệ; 48,6% lựa chọn số hóa hoạt động quản trị; 45,7% phát triển kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng qua công nghệ số... "Mục tiêu lớn nhất doanh nghiệp mong đợi khi đưa Cách mạng công nghiệp 4.0 vào quy trình sản xuất kinh doanh hiện tại tập trung chủ yếu vào tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa hiệu suất làm việc (chiếm 80%) và tăng cường thị phần (77,1%). Những chiến lược tiết kiệm chi phí tối ưu mà các doanh nghiệp lựa chọn bao gồm: giảm chi phí gián tiếp (như chi phí khấu hao, bảo hiểm, chi phí văn phòng, tiền lương giám sát sản xuất...) (71,4%), giảm lượng hàng tồn kho (51,4%), giảm chi phí trực tiếp như chi phí lao động trực tiếp, nguyên liệu, nguồn cung cấp sản xuất... (37,1%)...", các chuyên gia Vietnam Report cho biết.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh đầu tư, đặt trọng tâm chiến lược vào xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thời đại. "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" nằm trong top 3 chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp nhằm tăng trưởng lợi nhuận trong năm tới. Mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp là tăng năng suất lao động của nhân viên, gián tiếp tăng doanh thu của doanh nghiệp. Gần 65% doanh nghiệp cho biết đã phân bổ nguồn lực cho nhân sự và đây cũng là kênh đem lại hiệu quả cao trong thời gian qua.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Cũng theo đơn vị này, mặc dù đánh giá bức tranh kinh tế giai đoạn tới sẽ tăng trưởng khá, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thể hiện sự dè dặt khi 50% doanh nghiệp dự báo kết quả sản xuất kinh doanh đầu năm 2019 sẽ chỉ ở mức cơ bản ổn định, trong đó 37% cho rằng chi phí sẽ tăng lên và 18,5% dự đoán lợi nhuận sẽ giảm.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, bên cạnh việc tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực về công nghệ, các doanh nghiệp cần tập trung vào các sản phẩm mang lại lợi nhuận cao thông qua các chiến lược đổi mới sáng tạo, bởi đây chính là "nguồn tiền" cho các doanh nghiệp. Đồng thời phải biết kiểm soát chi phí.
"Nếu ví doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh thu cao như con thuyền lớn, thì các khoản chi không hiệu quả chính là những rò rỉ trên thuyền cần phải phát hiện và loại bỏ càng sớm càng tốt".
Vneconomy