MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cửa hàng, dịch vụ nào được mở cửa sau 0 giờ ngày 28-3?

28-03-2020 - 08:00 AM | Thị trường

UBND TP Hà Nội chiều 27-3 đã công bố danh mục các ngành hàng thiết yếu được hoạt động từ nay đến hết ngày 15-4.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) của TP Hà Nội chiều 27-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết người dân phản ánh nhiều quán ăn sáng, siêu thị điện máy, quán trà tranh, cà phê… vẫn mở cửa. "Phải dừng lại! Cửa hàng xe đạp, cửa hàng điện máy, đặc biệt là các quán nước chè ở các vỉa hè là phải dừng toàn bộ" - ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu.

Những cửa hàng, dịch vụ nào được mở cửa sau 0 giờ ngày 28-3? - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội giao Công an TP, Sở Giao thông Vận tải, các quận huyện phải chịu trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, cả đêm lẫn ngày, yêu cầu các loại hình kinh doanh không thiết yếu phải dừng hoạt động một cách nghiêm túc.

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm: kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó dịch bệnh trên địa bàn, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng nhân dân Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã có những chỉ đạo.

Theo đó, áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người kể từ 0 giờ ngày 28-3 đến hết ngày 15-4-2020. Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu đeo khẩu trang, thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Khi tập trung dưới 20 người phải tiến hành khử khuẩn vệ sinh y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người.

Đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh trừ các trường hợp: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện); chợ dân sinh (gồm các gian hàng: Lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ ngân hàng; cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết tất cả các ngành hàng kinh doanh không có trong danh mục trên phải tạm dừng đến 15-4.

TP khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà. Khi giao dịch mua bán trong các loại hình trên, cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, từ ngày 25-3, sau chỉ đạo tạm dừng các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu của lãnh đạo TP, các quận, huyện đồng loạt triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do cách hiểu của các quận, huyện và cách làm chưa thống nhất. Một số phường còn ra văn bản chỉ đạo đóng cửa các cửa hàng kinh doanh nên dẫn tới việc một số người dân hoang mang lo sợ các hệ thống phân phối đóng cửa. Sáng 27-3, hiện tượng người dân đi mua đồ tích trữ lại diễn ra, số hàng hóa bán ra ở các hệ thống siêu thị lớn tăng gấp đôi bình thường. Sở Công Thương đã đề nghị các quận, huyện tuyên truyền cho người dân biết các cửa hàng kinh doanh hàng thiết yếu vẫn hoạt động bình thường và không tăng giá.

Bà Lan cũng cho biết TP Hà Nội có 26 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 674 cửa hàng gas, 455 chợ dân sinh.

Theo B.H.Thanh

Người lao động

Trở lên trên