Những cuộc giải cứu nông sản… bất tận
Nhiều sản phẩm nông nghiệp đang trải qua thời kỳ “bong bóng”.
- 22-05-2017Các cuộc ‘giải cứu’ nông sản Việt đã diễn ra như thế nào?
- 15-05-2017Giải cứu thịt heo là nỗi đau
- 13-05-2017Ông Nguyễn Thiện Nhân: “Giải cứu” heo là không đúng quy luật thị trường
Hội thảo “Triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam 2017” diễn ra ngày 24-5 ở Hà Nội trong bối cảnh liên tiếp diễn ra những cuộc giải cứu nông sản, hết dưa hấu lại đến chuối, heo, gà...
Điệp khúc nông sản được mùa mất giá, ế thừa và phải giải cứu liên tục như bất tận. Thậm chí ngành chăn nuôi đang trải qua các chu kỳ “bong bóng - đổ vỡ” do cung vượt cầu.
Tăng trưởng nóng, dư thừa
Dẫn lại một số cuộc giải cứu gần đây, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), nhận định nông nghiệp Việt Nam có năng lực về cung khá tốt. Bằng chứng là mỗi khi có thay đổi nhu cầu thị trường, nhất là khi thị trường xuất khẩu có dấu hiệu hút hàng thì cung trong nước bật lên rất nhanh.
Tuy nhiên, ngành này có nhiều lúc thăng, lúc trầm. Riêng năm nay nhiều mặt hàng nông sản lâm vào khủng hoảng thừa sau một thời gian tăng trưởng nóng. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất về phía cầu, xuất khẩu nông sản đang phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe. Đặc biệt là phải cạnh tranh gay gắt với các nước đang đẩy mạnh xuất khẩu; giá cả nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi, trong khi các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng cường bảo hộ.
Thứ hai về phía cung, tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, năng lực sản xuất dư thừa của một số ngành hàng như chăn nuôi khiến ngành này gặp nhiều rủi ro từ thị trường xuất khẩu.
“Từ thực tế này đặt ra nhiệm vụ cho các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách để đưa ra những thông tin chuẩn xác để khơi thông và đáp ứng nhu cầu của thị trường” - ông Tuấn nói.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu thực trạng: Vừa qua chúng ta phải giải cứu thịt heo, nay có thể tiếp tục phải giải cứu gà. “Sở dĩ phải giải cứu là do lâu nay ta hay chạy theo sản lượng mà không chú trọng nhiều đến chất lượng. Cần phải thoát khỏi tư duy này, đồng thời xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn” - ông Thiên nói.
Ở khía cạnh khác, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Văn phòng Quốc hội, đánh giá hiện nay rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu. Ngay cả ngành tôm, cá tra xuất khẩu nhiều cũng chưa xây dựng được thương hiệu, tên tuổi tại các thị trường xuất khẩu.
Mời tỉ phú đầu tư nông nghiệp
Bàn về giải pháp phát triển nông nghiệp thời gian tới, TS Trần Đình Thiên cho rằng thời gian qua đã có “cơn lốc” đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Đây là điều rất tốt cho ngành này.
“Lâu nay chỉ có nông dân và Nhà nước lọ mọ với nông nghiệp nên tình trạng giải cứu liên tục xảy ra. Nay nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đầu tư vào nông nghiệp và đây chính là lực lượng giải cứu nông sản. Cho nên để chấm dứt điệp khúc giải cứu thì phải có chính sách hợp lý cho doanh nghiệp, từ đó ngành nông nghiệp mới tốt lên được” - ông Thiên nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Ipsard Nguyễn Đỗ Anh Tuấn thì cho rằng Việt Nam cần xác định lại động lực chính thúc đẩy ngành nông nghiệp đi lên là tăng năng suất, chất lượng và xác định vị thế của từng ngành hàng trên thị trường toàn cầu để ưu tiên nguồn lực phát triển. Trong vài năm gần đây cho thấy rau quả là các sản phẩm có nhiều tiềm năng khi thành tích xuất khẩu liên tục tăng mạnh qua từng năm. Đặc biệt là các nhà xuất khẩu Việt Nam đã mở cửa thành công một số thị trường phát triển, giá cao, qua đó tăng cơ hội đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro.
“Quan trọng nhất là phát triển mối quan hệ giữa nông dân - doanh nghiệp. Đặc biệt là làm sao để mời gọi, lôi kéo các tỉ phú, triệu phú đến Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp. Từ đó thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Trung Quốc là thị trường lớn nhưng cũng khá rủi ro khi xuất khẩu các mặt hàng sang nước này. Cuối năm ngoái, khi Trung Quốc phát một bản tin trên đài truyền hình về việc dừng nhập thịt heo, ngay lúc đó chúng tôi đã hình dung ra xuất khẩu tiểu ngạch thịt heo qua Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ở thời điểm đó, nếu chúng ta có biện pháp, cảnh báo quyết liệt thì sẽ giảm được nhiều rủi ro.
Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Văn phòng Quốc hội
Pháp luật TPHCM