MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những daytrader "tay mơ" có thực sự là nguồn gốc của sự bất ổn trên TTCK?

18-06-2020 - 09:20 AM | Tài chính quốc tế

Nếu bạn không có đủ sự am hiểu về thị trường tài chính thì việc mua bất cứ cổ phiếu nào cũng giống như đang chơi với lửa.

Câu chuyện về những thanh niên trẻ thế hệ Y – những người trong độ tuổi 20 đến 30 – tận dụng đại dịch Covid-19 như một cơ hội để bước chân vào thị trường chứng khoán và liều lĩnh "săn lùng" cổ phiếu giá rẻ trên phố Wall với một tốc độ nhanh và mạnh chưa từng thấy khiến nhiều chuyên gia lâu năm trong ngành tài chính cảm thấy lo ngại. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa đằng sau "cơn sốt" đầu tư này có lẽ lại đơn giản hơn mục đích của nó rất nhiều.

Một bài báo trên New York Post mới đây đã đăng tải nhận định của Parag Thatte - chuyên gia phân tích đến từ Deutsche Bank – cho rằng chính những nhà đầu tư "tay mơ" không kiến thức, không kinh nghiệm này đã đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng gần 40% của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ cuối tháng 3 đến nay. Không những thế, ông Thatte còn khẳng định ngay cả các chuyên gia tài chính "sừng sỏ" ở phố Wall cũng đang chạy theo những "tay mơ" mới nổi nhờ việc mua đi bán lại cổ phiếu này.

Trong khi đó, một phân tích mới của Citigroup đặt câu hỏi rằng liệu có phải thị trường đang bị thổi phồng như một quả bong bóng khổng lồ có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Nhận định này ám chỉ việc các nhà đầu tư đang chạy theo thành tích mà quên đi tính hiệu quả của cổ phiếu.

"Ở đây rõ ràng ai cũng sợ bị bỏ lỡ, đó là lý do tất cả mọi người đều cố chạy theo thị trường", Nick Maroutsos - Giám đốc mảng trái phiếu toàn cầu tại Janus Henderson Investors trả lời phỏng vấn trên MarketWatch. Trước đó, chia sẻ trên Bloomberg hồi cuối tháng 5, Levkovich từng cho rằng phản ứng của thị trường không phải nỗi lo sợ bị bỏ lỡ, mà là sợ cổ phiếu hoạt động kém hiệu quả.

Những "tay mơ" trên thị trường có thực sự là nguồn gốc của vấn đề?

Một số chuyên gia nhận định rằng loại hình môi giới chứng khoán với chiết khấu hoa hồng 0% và các nền tảng giao dịch miễn phí như Robinhood sinh ra để phục vụ nhóm nhà đầu tư trẻ tuổi, kết hợp với việc phong tỏa nền kinh tế do Covid-19 và thất nghiệp, đã tạo ra môi trường hoàn hảo cho các daytraders kiếm tiền.

Trong một chương trình của đài CNBC, người dẫn chương trình kiêm nhà đầu tư Jim Cramer từng cho rằng đó là một loại hành động "phá hoại" thị trường.

"Những người đó (chỉ các daytraders) gia nhập thị trường một cách quá dễ dàng và bây giờ tất cả chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả khi đám đông "tay mơ" mong muốn làm giàu nhanh chóng này bị thổi bay", ông nói.

Tuy nhiên, thật khó để đưa ra lập luận rằng nhóm nhà đầu tư "tay mơ" này đang tạo ra một kỷ nguyên mới về đầu tư trên phố Wall, như cách mà nhà sáng lập Barstool Sports Dave Portnoy từng khẳng định rằng daytrading là việc dễ dàng để kiếm bộn tiền và thế hệ nhà đầu tư trẻ như Portnoy sẽ phù hợp với môi trường đầu tư hiện tại hơn những chuyên gia lâu năm như Warren Buffett!

Trong lịch sử, những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ và các daytrader chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng khối lượng giao dịch trên phố Wall, thậm chí ngay cả khi có rất nhiều tài khoản mới được tạo lập. Một nghiên cứu mới đây của chuyên gia phân tích Ryan Preclaw đến từ Barclays cho rằng nhóm nhà đầu tư cá nhân này không đứng sau những biến động của thị trường; đồng thời ông cũng lưu ý việc giao dịch trên các nền tảng trực tuyến như Robinhood thực sự kém hiệu quả.

"Khi hai thứ xảy ra cùng một lúc không đồng nghĩa với việc điều này là nguyên nhân của điều kia. Đúng là rất nhiều cổ phiếu đạt mức tăng trưởng cao nhờ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhưng ngay cả những cổ phiếu lợi nhuận thấp cũng được mua vào nhiều hơn", chiến lược gia của Barclays cho biết.

Chơi với lửa sẽ có ngày bị thiêu rụi?

Khối lượng giao dịch khổng lồ của các nhà đầu tư cá nhân cũng không đủ khả năng "cứu" cuộc bán tháo luẩn quẩn trên thị trường vào hôm thứ Năm tuần trước. Và ngay cả khi các cổ phiếu lớn hồi phục vào ngày thứ Sáu sau đó, Dow Jones vẫn chứng kiến một tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 20/3.

Trong khi đó, Cramer lại suy đoán rằng chính các chuyên gia tài chính lâu năm trên phố Wall – những người tưởng như đang đứng bên lề cuộc chiến này – cũng đang tận dụng lợi thế từ đám đông daytrader để thực hiện chiến lược riêng.

Tuy nhiên, ngay cả khi những "tay mơ" tài chính này nhảy vào thị trường chứng khoán, thật khó để đổ lỗi cho họ. Sau khi thực hiện hàng loạt biện pháp giải cứu nền kinh tế, bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ đã bị "phình to" lên 7,2 nghìn tỷ USD từ con số 4 nghìn tỷ USD hồi đầu tháng Ba.

Trong bối cảnh đó, một số nhà đầu tư kỳ vọng rằng vốn hoá thị trường có thể tăng thêm 10 nghìn tỷ USD trước khi cuộc khủng hoảng y tế này kết thúc, bởi Chủ tịch FED Jerome Powell từng đặt mục tiêu đảm bảo các thị trường tài chính vẫn duy trì được tính thanh khoản và khoẻ mạnh ngay từ đầu cuộc khủng hoảng.

Đại diện FED cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với khó khăn trong một khoảng thời gian nhưng lãi suất thấp và chính sách tiền tệ linh hoạt sẽ được duy trì, ít nhất tới năm 2022. Tuy nhiên, hệ quả của những nỗ lực giải cứu nền kinh tế có thể sẽ khiến bong bóng tài sản bị thổi phồng to hơn; trong khi mục tiêu trước mắt của Ngân hàng Trung ương là đưa thị trường lao động trở lại bình thường.

Rõ ràng, theo nhiều cách khác nhau, việc ồ ạt mua cổ phiếu phố Wall được thúc đẩy bởi niềm tin về những biện pháp hỗ trợ và giải cứu nền kinh tế từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đặc biệt với chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất được duy trì ở mức thấp từ 0% đến 0,25%.

Trên tất cả, đó chính là cảm giác lo sợ bị bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền sau khi thị trường phục hồi giống như những gì chúng ta đã chứng kiến từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 dẫn tới kết quả là thị trường bò tót tăng trưởng suốt 11 năm qua.

Một trong những nghịch lý khó hiểu nhất trên thị trường thời gian qua chính là việc nhà đầu tư ồ ạt mua lại cổ phiếu của các công ty phá sản, trong đó có công ty cho thuê xe Hertz Global Holdings Inc. Thậm chí, dù đã tuyên bố phá sản, Hertz vẫn được chấp thuận phát hành thêm cổ phiếu cho các nhà đầu tư, bất chấp rủi ro rằng giá trị của những cổ phiếu này có thể về con số 0.

Trong khi đó, JJ Kinahan - chiến lược gia trưởng của TD Ameritrade chia sẻ trên MarketWatch rằng sự gia nhập của nhóm nhà đầu tư "tay mơ" đã đóng góp nhiều vào thị trường, đồng thời nhấn mạnh những người này đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong vài năm trở lại đây.

"Hãy quay trở lại thời điểm của 2 năm trước, khi đó hầu hết mọi người đều cố gắng để có một công việc ổn định và không muốn nhúng tay vào thị trường chứng khoán", ông nói.

Bên cạnh đó, chiến lược gia trưởng của TD Ameritrade cũng lưu ý rằng "Nếu bạn không có đủ sự am hiểu về thị trường tài chính thì việc mua bất cứ cổ phiếu nào cũng giống như đang chơi với lửa. Nếu bạn vẫn tiếp tục bước chân vào đám lửa, bạn phải chuẩn bị tinh thần có thể bị thiêu rụi bất cứ lúc nào. Chúng tôi chỉ có thể cảnh báo rủi ro, còn lựa chọn nằm ở chính bạn".

Hà My

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên