MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điều cần biết đằng sau con số 2,6 triệu tỷ đồng nợ công

Trong 5 năm vừa qua, nợ công tăng bình quân 16,7%/năm.

Thông tin được Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV đưa ra trong báo cáo đánh giá thực trạng nợ công Việt Nam giao đoạn 2011 – 2015 và đề xuất giai đoạn 2016 – 2020.

Giai đoạn 2011- 2015, nợ công tăng bình quân 16,7%/năm. Đến cuối năm 2015, dư nợ công lên đến 2,6 triệutỷ đồng (gần 120 tỷ USD), gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1,4 triệu tỷ đồng). Như vậy, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng cho phép 65% của Quốc hội.

Nợ nước ngoài giảm, nợ trong nước tăng lên

BIDV cho rằng mức ngưỡng nợ công/GDP được Quốc hội đề ra là 65% là phù hợp với thông lệ quốc tế; và việc vượt ngưỡng tối ưu có thể tiềm ẩn rủi ro.

Trước đây, nợ công hầu hết là nợ nước ngoài hay vốn vay ODA với lãi suất từ 1% đến dưới 3%. Từ năm 2010, Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình nên nợ nước ngoài có mức độ ưu đãi giảm dần. Vì vậy, nợ công dịch chuyển sang nguồn vay trong nước, tăng từ 40% năm 2011 lên 57,1% năm 2015.

Cụ thể, nợ nước ngoài đạt bình quân 3 tỷ USD/năm, tương đương 11% tổng vốn đầu tư toàn xã hội hay 17% tổng vốn đầu tư từ NSNN.

Nợ trong nước chủ yếu do phát hành trái phiếu Chính phủ, với lượng phát hành giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2,5 lần giai đoạn 2006-2010; kỳ hạn ngắn (1-3 năm) chiếm khoảng 77% khối lượng.

Hệ quả là, từ năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ (TPCP) đến hạn thanh toán và Chính phủ đang phải liên tục phát hành TPCP mới do NSNN không thể đáp ứng. Vì vậy, nhằm tránh rủi ro trên, Quốc hội đưa ra quy định về kỳ hạn TPCP là trên 5 năm vào năm 2015, theo đó, tỷ trọng TPCP kỳ hạn dài đã tăng lên 46%.

Một phần nợ công được dùng trả nợ

Trong khi nợ công ngày càng tăng cao, thì hiệu quả sử dụng nguồn vốn này lại không cao do đầu tư dàn trải, nhất là đầu tư công và DNNN. Theo WB, ICOR của Việt Nam trong giai đoạn 2001 - 2005 là 4,88; giai đoạn 2006 - 2010 lên đến 6,96 và sau 5 năm, vẫn ở mức 6,92 vào giai đoạn 2011 - 2014, chỉ đứng sau Ấn Độ là 7,31 tại Châu Á.

Một phần đáng kể của nợ công được sử dụng để trả nợ thay cho đầu tư phát triển, ở mức khoảng 14,2% năm 2014 (số liệu mới nhất được Bộ Tài chính công bố) và lên đến 16% năm 2015 theo ước tính của WB.

"Việc dành đến 14%-16% dư nợ công trong kỳ để trả nợ gây hạn chế đến đầu tư phát triển và chi để tăng NSLĐ, giáo dục, y tế và các lĩnh vực thiết yếu khác" - BIDV đánh giá.

Cơ cấu chi ngân sách không bền vững, chủ yếu là chi thường xuyên với mức tăng trưởng là 18,44%/năm cũng ảnh hưởng hiệu quả nợ công. Ngược lại, chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm, nhất là từ năm 2013 đến nay, chỉ ở mức 4,8%/năm.

Khả năng vỡ nợ thấp, nợ công vẫn là mối lo

Mặc dù khả năng vỡ nợ của Việt Nam là khá thấp, nhưng BIDV cho rằng nợ công vẫn đang là vấn đề cập bách.

Thứ nhất, chỉ tiêu nợ phải trả (nợ gốc và lãi) có nguy cơ tiến sát vượt ngưỡng cảnh báo, mức lên 22,3% trong khi ngưỡng an toàn 25%.

Thứ hai, nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh trong khi nguồn trả nợ công không bền vững. Hệ quả dẫn tới tình trạng vay để trả nợ gốc ngày càng tăng, lên đến 80.000 tỷ năm 2014 và 150.000 tỷ năm 2015.

Thứ ba, tác động tiêu cực của nợ công với nền kinh tế: Các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng NSNN.

Do đó, Chính phủ đang phải liên tục phát hành TPCP để bù đắp thâm hụt NSNN. Hệ quả là, quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành TPCP. Ngoài ra, lãi suất bị đẩy đi lên cao, gây ra khó khăn cho DN, từ đó làm giảm nguồn thu của NSNN để thanh toán các khoản vay.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên