MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điều thú vị về quỹ đầu tư rót tiền vào mảng bán lẻ Vingroup và hàng loạt cái tên như Masan, Vietjet…

Ra đời như một ý tưởng táo bạo, sau gần 40 năm hoạt động, Quỹ Đầu tư quốc gia Singapore (GIC) hiện là quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 8 toàn cầu với tổng giá trị tài sản hơn 400 tỷ USD, theo Sovereign Wealth Fund Institute.

Được thành lập vào năm 1981, Quỹ Đầu tư quốc gia Singapore (GIC) là đứa con tinh thần của ông Goh Keng Swee, người sau này trở thành Phó Thủ Tướng và là Chủ tịch Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore.

Là một đảo quốc nhỏ, nghèo tài nguyên, ông Goh đã trăn trở về việc thành lập một tổ chức kinh doanh vốn nhằm quản lý khối dự trữ ngoại hối của quốc gia. Và GIC đã ra đời dưới mô hình Quỹ đầu tư Quốc gia đầu tiên trên thế giới, với mục tiêu cốt lõi là "Đầu tư dài, sinh lời cao" ("Long term, high yields") nhằm bảo đảm sức mạnh tài chính của Singapore.

Ban đầu, GIC bắt đầu hoạt động với 2 nhóm chuyên gia đầu tư vào cổ phiếu và kinh doanh địa ốc. Chỉ một thời gian sau, nhận thấy tầm quan trọng của nhân tố con người, GIC đã tích cực chiêu mộ những nhà quản lý tài ba trong các lĩnh vực đầu tư trên khắp thế giới, cơ cấu lại hoạt động đầu tư, cũng như trở thành đơn vị tiên phong trong việc đào tạo CFA (Chartered Financial Analysist) ngoài lãnh thổ nước Mỹ cho toàn bộ chuyên viên của GIC.

Ngày nay, cơ cấu danh mục dài hạn của GIC gồm 6 loại tài sản: Cổ phiếu tại các thị trường phát triển (20 - 30%), cổ phiếu tại thị trường mới nổi (15 - 20%), trái phiếu và tiền mặt (25 - 30%), đầu tư tư nhân (11-15%), còn lại là địa ốc và trái phiếu chính phủ ngừa lạm phát. Cơ cấu này thể hiện chiến lược phân bổ tài sản của GIC nhằm đạt được mức sinh lời tốt trong dài hạn trong khi vẫn hạn chế được rủi ro.

Những điều thú vị về quỹ đầu tư rót tiền vào mảng bán lẻ Vingroup và hàng loạt cái tên như Masan, Vietjet… - Ảnh 1.

Phân bổ Danh mục đầu tư của GIC theo khu vực (Nguồn: Báo cáo năm 2018 GIC)

Theo báo cáo của GIC, hiện nay quỹ có văn phòng hoạt động tại khắp các trung tâm tài chính trên thế giới như London, New York, Tokyo, Thượng Hải, Seoul, Mumbai, Bắc Kinh, São Paulo,…, quản lý khối tài sản khổng lồ được phân bổ rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt ở thị trường Mỹ và Châu Á.

Mục tiêu hoạt động của GIC luôn là đạt được một tỷ suất sinh lời trong dài hạn cao hơn mức lạm phát toàn cầu, nhằm bảo vệ và phát triển khối dự trữ của quốc gia cũng như nâng cao sức mua của đồng nội tệ.

GIC thường xuyên duy trì mức sinh lời thực tế chu kì 20 năm trên 3% (đã trừ đi mức lạm phát toàn cầu). Theo Sovereign Wealth Fund Institute, giá trị khối tài sản mà GIC đã đầu tư đạt giá trị gần 440 tỷ USD. Tuy nhiên con số thực tế không được GIC công bố có thể cao hơn nữa.

Những điều thú vị về quỹ đầu tư rót tiền vào mảng bán lẻ Vingroup và hàng loạt cái tên như Masan, Vietjet… - Ảnh 2.

Tại châu Á, thị trường Việt Nam cũng đã nhận được sự quan tâm không nhỏ từ GIC trong những năm gần đây. Vừa qua là thương vụ đầu tư 500 triệu USD vào CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM – công ty sở hữu VinCommerce, đơn vị đang điều hành hệ thống của VinMart và VinMart+.  Tỷ lệ sở hữu và mức giá thương lượng vẫn chưa được tiết lộ cụ thể.

Bên cạnh VCM, GIC hiện đang nắm giữ khối lượng cổ phần khá lớn tại một số công ty như VinHomes (192 triệu cổ phiếu, tương đương 5,74%), Masan Group (50.350 triệu cổ phiếu, tương đương 4,31%), Vietjet (26.935 triệu cổ phiếu, tương đương 5,14%), FPT (23.725 triệu phiếu, tương đương  3,5%), PAN Group (7.179 triệu cổ phiếu, tương đương 3,91%).

GIC cũng từng là cổ đông lớn của Vinasun khi chi khoảng 200 tỷ đồng để sở hữu 4,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 7,96%. Sau khi nhận cổ phiếu thưởng năm 2015, con số này lên tới 5,4 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng lớn tới từ những hãng taxi công nghệ như Grab, Uber đã khiến kết quả kinh doanh của Vinasun không quá khả quan. Đến tháng 5/2018, GIC đã thoái hết phần vốn ở Vinasun với mức giá thỏa thuận 14.400 đồng/CP, tương đương khoản lỗ 120 tỷ đồng.

Trước đó vào tháng 8/2016, GIC và Vietcombank đã đạt được thỏa thuận sơ bộ mua 305,8 triệu cổ phiếu VCB mới, tương ứng 7,7%. Tuy nhiên phương án này chưa được Chính phủ phê duyệt. Đến tháng 1/2019, sau gần hai năm rưỡi kể từ ngày đạt được thỏa thuận, GIC mới chính thức sở hữu 94.442 triệu cổ phiếu VCB, tương ứng chỉ khoảng 2,55% với mức giá 55.800 đồng/CP. GIC cũng tham gia đợt IPO của Techcombank, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu sau thương vụ này vẫn chưa được tiết lộ

Trong lĩnh vực công nghệ, GIC đang nắm giữ một lượng cổ phần tại Công ty cổ phần VNG, "kỳ lân công nghệ" tại Việt Nam, thông qua đơn vị đầu tư trực thuộc Gamvest Pte Ltd, với tỷ lệ 8,14%, được cho là tương đương 100 triệu USD. Mới đây, Quỹ này được cho là đã đầu tư vào nền tảng thanh toán điện tử VNPAY, giá trị khoản đầu tư hiện vẫn được giữ kín.

Có thể thấy, danh mục đầu tư của GIC tại Việt Nam trải dài ở khá nhiều lĩnh vực như Ngân hàng, hàng không, công nghệ, nông nghiệp,… Những khoản đầu tư trên đều thể hiện khẩu vị đầu tư của quỹ ngoại này, đó là đầu tư vào giá trị cốt lõi để nhận được lợi ích lâu dài, chứ không đi theo biến động của giá cả thị trường.

Thu Thảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên