Những doanh nghiệp công nghiệp ICT mang khát vọng vì một Việt Nam hùng cường
Những doanh nghiệp như Viettel, VinGroup, VNPT, Bkav… đã tạo ra nhiều sản phẩm rất ấn tượng, thậm chí không nhiều quốc gia trên thế giới có thể làm được và nuôi khát vọng đưa sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên toàn cầu.
- 31-01-2019Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Kinh tế Việt Nam năm 2019 đang rất khởi sắc
- 15-01-2019Đưa ICT vào mọi ngõ ngách cuộc sống, hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường
Vingroup nuôi giấc mơ 30 triệu sản phẩm thông minh/năm và vươn ra thế giới
Gây sốc nhất trong năm 2018 đó chính là VinGroup - một tập đoàn bất động sản bất ngờ tiến sang lĩnh vực công nghệ. VinGroup tuyên bố sản xuất ô tô, điện thoại thông minh và sắp tới sẽ là tivi, tủ lạnh và các thiết bị thông minh. Có lẽ VinGroup là hiện tượng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới khi một tập đoàn bất động sản lại nhảy vào lĩnh vực công nghệ một cách nhanh chóng và mạnh mẽ đến như vậy.
Với tầm nhìn của mình, VinGroup thấy rằng Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong các sản phẩm công nghệ cao. Chiến tướng VinGroup - ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc VinGroup cho rằng, trong những năm vừa qua, nhờ những chính sách ưu đãi cho hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm điện tử và CNTT của Nhà nước. Việt Nam trở thành điểm đến của các doanh nghiệp công nghệ lớn như LG, Samsung, Nokia, Foxconn… kéo theo đó dần hình thành những chuỗi sản xuất, cung ứng phụ trợ cho các thiết bị điện tử toàn cầu tại Việt Nam.
Theo Brookings Institution có trụ sở tại Mỹ, cứ 10 máy điện thoại thông minh trên thế giới có 1 máy sản xuất tại Việt Nam và nhấn mạnh Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Ông Võ Quang Huệ cho rằng Việt Nam hiện có nhiều cơ hội lớn. Trong năm 2018, khi chiến tranh thương mại ồ ạt nổ ra, các đơn đặt hàng lô sản xuất thiết bị công nghệ lớn đang tìm kiếm nơi sản xuất thay thế. Các hãng công nghệ lớn dịch chuyển mạnh địa điểm đặt trung tâm nghiên cứu, nhà máy sản xuất sang một địa chỉ khác để tránh thiệt hại và Việt Nam là điểm lựa chọn hàng đầu.
Ông Võ Quang Huệ cho biết, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng, nghiên cứu phát triển và sản xuất các thiết bị điện tử tại Việt Nam. Cơ hội hiện tại mở ra cho tất cả doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam, tuy nhiên, để đạt được quy mô lớn, làm chủ được các khâu quan trọng nhất và tham gia vào cuộc chơi toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua nhiều khó khăn. Trước tiên khó khăn trực tiếp là sự cạnh tranh khốc liệt khi các doanh nghiệp đến từ các nước tương đồng tìm mọi cách để tranh thủ cơ hội của chiến tranh thương mại. Thêm vào đó, khó khăn đến từ chính năng lực, quy mô và tốc độ triển khai của bản thân từng doanh nghiệp.
Đề cập đến chiến lược của VinGroup, ông Võ Quang Huệ cho hay, xác định đầu tư vào công nghệ là hướng đi quan trọng trong thời gian tới, VinGroup đã thực hiện những bước đi đầu tiên bằng việc thành lập công ty chuyên nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart. Trong năm 2018, VinSmart đã xây dựng xong nhà máy sản xuất điện thoại thông minh với công suất 5 triệu sản phẩm/năm và đưa ra thị trường 4 sản phẩm điện thoại đầu tiên. Trong năm 2019, VinSmart sẽ khánh thành nhà máy sản xuất điện tử thông minh thứ 2 tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc và tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm điện tử thông minh khác.
Hiện VinSmart đã tập hợp được một đội ngũ chuyên gia giỏi có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo và làm việc nhiều năm tại các Lab và các công ty công nghệ lớn tại nước ngoài. VinGroup đang thu hút nguồn lực người Việt chất lượng cao từ các nơi trên thế giới. Tổng số nhân sự chuyên gia công nghệ cao làm việc tại VinSmart dự kiến lên đến hàng nghìn người trong năm 2019.
Để làm chủ công nghệ lõi, ông Võ Quang Huệ cho biết, VinGroup tiếp tục thành lập các công ty công nghệ, các viện nghiên cứu và đặt trụ sở các Lab nghiên cứu của mình tại các trung tâm công nghệ lớn trên toàn cầu nhằm tập hợp nguồn lực của người Việt cũng như hợp tác nghiên cứu, phát triển trực tiếp với các trường đại học, viện nghiên cứu, công ty công nghệ lớn khác trên thế giới.
"VinGroup sẽ hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Chúng tôi đang nhắm đến mục tiêu mở rộng thị trường ra toàn cầu, hướng tới quy mô lớn, đạt tối thiểu 30 triệu thiết bị/năm và tiến tới làm chủ công nghệ và chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Võ Quang Huệ nói.
Việt Nam đã có tên trong bản đồ sản xuất thiết bị viễn thông thế giới
Sau khi trăm hoa dua nở cùng với sự bùng nổ lĩnh vực viễn thông, các nhà sản xuất thiết bị viễn thông trên thế giới cơ bản chỉ nằm trong tay của Huawei, Ericsson, Nokia, ZTE. Thế nhưng, gần đây thương hiệu Viettel bắt đầu xuất hiện trên bản đồ sản xuất viễn thông thế giới. Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Viettel tin tưởng rằng người Việt Nam có đủ khả năng tự chủ nghiên cứu sản xuất thành công thiết bị hạ tầng viễn thông để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin quốc gia và sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Viettel đặt mục tiêu và tin tưởng sẽ làm chủ nghiên cứu sản xuất thành công toàn bộ thiết bị hạ tầng mạng viễn thông theo xu thế công nghệ mới, trong đó sẽ làm chủ thiết bị BTS 5G trước năm 2021. Sự tin tưởng này của Viettel xuất phát từ năng lực và kinh nghiệm tích lũy của Tập đoàn, năng lực sáng tạo và tính cần cù của con người Việt Nam, bối cảnh trong nước và quốc tế cũng như sự đồng hành của Chính phủ cùng với các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Chiến nói.
Phương pháp xuyên suốt của Viettel trong hoạt động nghiên cứu là làm chủ thiết kế hệ thống, tích hợp hệ thống, nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi và chỉ chuyển giao công nghệ từng phần, tránh phụ thuộc vào đối tác bên ngoài; các thiết bị và linh kiện bán phổ biến trên thị trường được đặt mua.
Ông Nguyễn Đình Chiến cho biết: "Trong 9 năm qua, kể từ khi bắt đầu tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, Viettel với một suy nghĩ đơn giản nhưng hối thúc mãnh liệt, đó là Viettel là một doanh nghiệp Quân đội, Viettel phải đóng góp vào sự phát triển của Quân đội, cái gì Quân đội cần, Quân đội thiếu mà Viettel có thể làm được, thì phải làm. Bằng sự thôi thúc mãnh liệt đó, Viettel đã nghiên cứu, từng bước làm chủ một số sản phẩm cung cấp cho Quân đội, ví dụ như thiết bị thông tin, radar có tính năng và chất lượng tương đương với các sản phẩm cùng loại do Israel và Pháp sản xuất".
Hiện trong lĩnh vực công nghiệp điện tử viễn thông, Viettel đã làm chủ được việc nghiên cứu, sản xuất các thiết bị hạ tầng viễn thông giúp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho mạng lưới của Viettel và của quốc gia. Trong đó, đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất toàn bộ quá trình từ các thiết bị mạng truy nhập cho đến thiết bị mạng lõi của mạng viễn thông 4G và đưa vào triển khai trên mạng lưới của Viettel cả trong và ngoài nước. Đối với hệ thống tính cước OCS, Viettel đã đưa hệ thống này với dung lượng 90 triệu thuê bao di động, cố định tại thị trường Việt Nam và triển khai ở 9 thị trường Viettel đã đầu tư với tổng dung lượng hơn 50 triệu thuê bao, đây là dấu ấn mang tầm quốc tế, khẳng định sản phẩm Viettel có thể may đo cho từng thị trường, từng khách hàng. Những thành công này chứng tỏ người Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được toàn bộ quá trình nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm viễn thông công nghệ cao, không bị phụ thuộc vào bên ngoài.
Bkav: Sản phẩm của người Việt có thể cạnh tranh được với Apple, Samsung
Năm 2018, Bkav đã đưa ra sản phẩm Bphone 3, đây là sản phẩm được đánh giá cao nhất từ trước đến nay và mở ra cơ hội cho công ty này sản xuất các sản phẩm tiếp theo cho thị trường Việt Nam. Bình luận về phương thức sản xuất điện thoại, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng ví dụ Apple, Samsung hiện nay, họ cũng sử dụng linh kiện của các công ty trên thế giới. Phần lớn giá trị gia tăng của chiếc smartphone nằm ở các khâu nghiên cứu, ý tưởng, thiết kế, marketing, bán hàng, hậu mãi… còn phần linh kiện, phần gia công có giá trị gia tăng rất là thấp. Chiến lược của các công ty làm về linh kiện, về nguyên vật liệu là họ sẽ cung cấp cho tất cả nhà sản xuất. Ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng, câu chuyện quan trọng nhất đối với việc sản xuất các sản phẩm công nghệ đó là làm chủ công nghệ. CEO Bkav đưa ra ví dụ chuyện làm chủ công nghệ của các hãng smartphone Trung Quốc tại chính thị trường này. Năm 2012 Samsung đang có thị phần số một tại Trung Quốc, nhưng đến năm 2018 thì Samsung chỉ còn chiếm chưa đến 1% ở thị trường này. Sở dĩ như vậy bởi những công ty nội địa của Trung Quốc đã có thể làm chủ công nghệ, sở hữu công nghệ để làm ra những sản phẩm có thể cạnh tranh. Câu chuyện này cũng có thể lặp lại với nhà sản xuất khác.
"Đối với chúng tôi, Bkav vẫn thực sự mong muốn có thể góp phần xây dựng ngành sản xuất smartphone tại Việt Nam. Chúng tôi có kế hoạch cụ thể là đến năm 2023 Bkav có thể giành 34.7% thị phần smartphone Việt Nam và tương đương với doanh thu là 2 tỷ USD. Từ đó, có thị trường nội địa thì chúng tôi sẽ phát triển ra thị trường thế giới. Giống như Samsung đã đi khắp mọi nơi trên thế giới và tạo ra hình ảnh của đất nước Hàn Quốc, tạo ra thu nhập cho Hàn Quốc, chúng tôi rất là mong muốn làm được như vậy với sản phẩm công nghệ của Việt Nam", ông Nguyễn Tử Quảng nói.
Với góc nhìn của một doanh nhân, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bkav đã nói về đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị điện thoại di động, với nhận định tại Việt Nam, chỉ cần 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn đóng vai trò đầu tàu, từ đó kéo theo hàng ngàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất để có thể thay thế các doanh nghiệp ngoại.
"Gần đây thị trường smartphone của Việt Nam còn có sự tham gia của Tập đoàn VinGroup, doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất sản phẩm giá rẻ cho tới cao cấp. Các nhà sản xuất nội địa có thể chiếm thị phần của các tập đoàn toàn cầu, là bệ phóng để vươn ra thị trường toàn cầu, hoàn toàn có thể trở thành những Samsung, LG như của Hàn Quốc", ông Nguyễn Tử Quảng nói, đồng thời cho rằng sản phẩm của doanh nghiệp nội địa với chất lượng sản phẩm tốt hơn, công nghệ lõi tốt hơn. Nếu như có thêm niềm tin của người tiêu dùng, thị trường nội địa có thể lấy lại thị phần từ Samsung hay Apple.
VNPT đang chuẩn bị để có thể sản xuất các thiết bị mạng 5G
Năm 2018 cũng đánh dấu thành công trong lĩnh vực Công nghiệp-CNTT của VNPT với việc sản xuất trên 1,4 triệu sản phẩm GPON ONT phục vụ nhu cầu phát triển thuê bao Internet cáp quang, trên 173.000 sản phẩm thiết bị chuyển đổi Smartbox. VNPT đã cung ứng trên 150.000 sản phẩm đầu thu truyền hình kỹ thuật số DVB-T2 phục vụ lộ trình tắt sóng truyền hình analog của Bộ TT&TT và 40.000 sản phẩm Smartbox PC và đầu thu DVB-T2 bán ra thị trường bên ngoài.
VNPT còn cho biết, thời gian vừa qua, Công ty VNPT-Technology đã hợp tác với các hãng công nghệ nguồn hàng đầu thế giới để nghiên cứu, phát triển và giới thiệu ra thị trường thế hệ tiếp theo về ONT và Wi-Fi Access Point, sản phẩm 4G LTE như LTE Router, LTE Mifi, LTE Small Cell, các sản phẩm IoT như Giải pháp Smart Home, giải pháp Smart Factory.
Tháng 10/2018, VNPT vừa ký kết mua dây chuyền, công nghệ nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang với công ty Rosendahl Nextrom GmbH của Áo để sản xuất các loại sợi quang theo tiêu chuẩn quốc tế và sẽ được cung cấp cho thị trường Việt Nam và quốc tế. Công ty Postef đã đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất sợi quang công nghệ cao này.
Trước đó, vào tháng 2/2017, Tập đoàn VNPT đã chính thức Khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang. Đây là nhà máy sản xuất sợi thủy tinh phục vụ cho việc sản xuất cáp quang đầu tiên của VNPT và cũng là đầu tiên của Việt Nam và giúp VNPT hoàn toàn chủ động về vật liệu lõi trong việc sản xuất cáp quang của mình thay vì phải nhập hoàn toàn từ nước ngoài như trước đây.
Bên cạnh đó, với những thành tựu đạt được trong mảng sản xuất thiết bị công nghệ viễn thông thời gian qua, VNPT đang chuẩn bị để có thể sản xuất các thiết bị mạng 5G, từng bước tiến tới làm chủ trong mảng này giống như đã làm được đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định.
Theo Ictnews