Những doanh nghiệp khiến thế giới ngạc nhiên trước Việt Nam giữa bão Covid: Từ bánh mì, máy thở, vacxin, đến 5G và ô tô xuất Mỹ
Họ là những người đưa Việt Nam vào top 6 quốc gia sở hữu công nghệ 5G; họ sản xuất máy thở Made in Vietnam, chuẩn bị xuất khẩu xe ô tô Made in Vietnam sang Mỹ; họ nghiên cứu điều chế vacxin ngừa SARS-CoV-2; họ tạo ra sản phẩm vừa gia tăng giá trị nông sản Việt vừa hỗ trợ bác sĩ chống dịch...
Vậy là năm 2020 đã đi qua.
Một năm vô cùng đặc biệt với cả thế giới, để lại vô vàn khó khăn và mất mát mang tên Covid-19, những danh sách dài người chết vì nhiễm bệnh, những doanh nghiệp phá sản, những nền kinh tế suy sụp, cùng dấu hỏi chưa lời giải đáp cho năm mới 2021.
Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cơn bão mang tên Covid. Nhưng bằng nhiều cách, người Việt Nam đã cùng nhau vượt bão một cách kiên cường và thần kỳ, trước sự ngạc nhiên của thế giới. Chúng ta phòng dịch triệt để và chống dịch hiệu quả. Chúng ta điều trị thành công hầu hết các ca nhiễm. Chúng ta thực hiện nhiều chiến dịch "giải cứu" đồng bào và tiếp nhận người Việt hồi hương an toàn khi dịch bệnh bủa vây khắp thế giới. Chúng ta trở thành nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương, thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế cao nhất toàn cầu trong năm 2020, với GDP tăng 2,91%.
Cũng chính trong năm Covid này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vượt bão, thậm chí chống bão thành công, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Họ là những người đưa Việt Nam vào top 6 quốc gia sở hữu công nghệ 5G; họ sản xuất máy thở Made in Vietnam, chuẩn bị xuất khẩu xe ô tô Made in Vietnam sang Mỹ; họ nghiên cứu điều chế vacxin ngừa SARS-CoV-2; họ tạo ra sản phẩm vừa gia tăng giá trị nông sản Việt vừa hỗ trợ bác sĩ chống dịch...
VINGROUP
Đồng hành với Chính phủ chống dịch, sản xuất máy thở, hỗ trợ các đối tác kinh doanh...
Cuối tháng 2, khi dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ diễn biến phức tạp, Quỹ đổi mới sáng tạo (VINIF), Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn - VINBDI (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19 với tổng số tiền 20 tỉ đồng. Chương trình nhằm đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo sớm, hướng tới chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ở hoạt động kinh doanh, trong lúc hàng loạt cửa hàng bán lẻ mới bắt đầu bị tác động bởi dịch Covid-19, Vincom Retail (thuộc Tập đoàn Vingroup) tiên phong giảm tiền thuê mặt bằng cho các đối tác, phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mãi cho khách hàng mua sắm. Tổng cộng số tiền hỗ trợ lên đến 300 tỷ đồng.
Cuối tháng 3, Vingroup đã bắt tay vào cuộc sản xuất máy thở để đáp ứng kịp thời cho hoạt động chống dịch của Việt Nam thông qua việc ký hợp đồng license với Hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do Trường đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.
Cuối tháng 7/2020, khi dịch bất ngờ tái diễn ở Đà Nẵng, doanh nghiệp này trao tặng 1.700 máy thở xâm nhập và hóa chất cho 56.000 xét nghiệm Covid-19. Trong đó, hóa chất cho 50.000 xét nghiệm được vận chuyển đến tâm dịch Đà Nẵng và còn lại chia đều cho Hải Phòng và Bắc Ninh, hỗ trợ cho các vùng bị dịch bệnh tăng cường phát hiện và điều trị dịch bệnh nhanh chóng...
Ngày 7/8/2020, Tập đoàn Vingroup đã tiến hành bàn giao lô máy thở đầu tiên cho Bộ Y tế, đồng thời tặng hóa chất thực hiện 56.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (Real Time - PCR) cho Đà Nẵng, Hải Phòng và Bắc Ninh.
Cuối tháng 8/2020, Vingroup trao tặng Bộ Y tế phần mềm DrAid cùng các thiết bị đi kèm để hỗ trợ đánh giá tiên lượng trong điều trị Covid-19...
Tính chung đến nay, Vingroup đã tài trợ cho ngành y tế, các địa phương và đối tác hơn 1.000 tỉ đồng.
Giúp đỡ quốc tế
Bên cạnh, những đóng góp trong nước dành cho ngành y tế, các địa phương và các đối tác kinh doanh, Vingroup cũng hỗ trợ máy thở cho nhiều quốc gia như Nga, Ukraine, Singapore...
Ngày 6/5, Đại sứ quán Nga và Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam đã ký kết biên bản thống nhất tiếp nhận 2.400 máy thở xâm nhập điều trị Covid-19 do Tập đoàn Vingroup trao tặng, gồm 2 mẫu máy thở xâm nhập Vsmart VFS-410 và VFS-510 - 2 "Made in Vietnam". Tháng 7, Tập đoàn Vingroup trao tặng 2.400 máy thở, trong đó đã trao 800 máy thở VFS-510 đợt 1 cho Nga, Ukraine và 200 máy VFS-510 cho Singapore.
Công ty VinSmart (Tập đoàn Vingroup) cũng tiến hành thỏa thuận hợp tác chiến lược sản xuất linh kiện cho máy thở của Medtronic, một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới về giải pháp, dịch vụ và công nghệ y tế, chuyên cung cấp các dịch vụ và giải pháp chăm sóc sức khỏe trên 150 quốc gia.
Ngoài ra, không thể kể đến sự kiện thuê riêng máy bay Boeing 787 Dreamliner của Vietnam Airlines để đưa miễn phí khách Ukraine mắc kẹt ở Việt Nam về nước, đồng thời đón công dân Việt ở Ukraine trở về trong bão dịch Covid-19 của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng hồi tháng 3/2020.
Công nghiệp xe hơi
Cũng trong năm 2020, Vingroup tiếp tục gây ấn tượng mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp xe hơi với đại diện VinFast (trực thuộc Vingroup). Tháng 6, họ khai trương văn phòng tại Úc.
Tháng 12/2020, VinFast được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho hàng loạt mẫu xe mới đã khiến nhiều người bất ngờ.
Trên Thư viện số về sở hữu công nghiệp (của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam), VinFast đã đăng ký rất nhiều nhãn hiệu từ trước đến nay, trong đó có những cái tên quen thuộc của những mẫu xe từ lâu như Lux A2.0, Lux SA2.0, Fadil, President,...
Họ cũng đăng ký 8 nhãn hiệu mới VinFast xin cấp quyền sở hữu gần đây, gồm : Premium S, Premium V, ePremium S, ePremium V, Lux S, Lux V, eLux S và eLux V. Tất cả đều được nộp đơn đăng ký vào ngày 31/8/2020 và được chấp nhận vào ngày 29/9/2020, đăng trên trang web của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
VinFast lên kế hoạch xuất khẩu xe ô tô sang Mỹ vào năm 2021.
Theo tên gọi, những mẫu đó sẽ gồm cả xe sử dụng động cơ đốt trong (Premium và Lux) cũng như xe điện (ePremium và eLuv). 8 nhãn hiệu mới này cũng được VinFast đăng ký bản quyền để sử dụng tại Mỹ. Trên trang web của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hoa Kỳ (USPTO), các tên sản phẩm này giống hoàn toàn với các nhãn hiệu hãng xe vừa được cấp quyền sở hữu tại Việt Nam.
VinFast đã nộp hồ sơ xét duyệt tất cả các nhãn hiệu trên cho USPTO vào ngày 14 và 15/9/2020. Tình trạng của chúng đều đang trong quá trình phê duyệt để được sử dụng chính thức.
Trước đó, hồi tháng 5/2020, hình ảnh và video chạy thử của một SUV chạy điện của VinFast đã rò rỉ trên mạng xã hội. Theo một nguồn tin ẩn danh, nhà sản xuất này từng có dự định ra mắt mẫu SUV mới tại Los Angeles Auto Show vốn diễn ra vào tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 bùng phát nên triển lãm đã bị hoãn lại và ôtô mới của VinFast vẫn chưa thể được tiết lộ.
Theo thông tin từ doanh nghiệp này, mẫu SUV này dự kiến sẽ được mang đi thử nghiệm trên toàn thế giới vào tháng 1/2021. Trong khi đó, quá trình sản xuất hàng loạt sẽ bắt đầu từ tháng 7/2021 và sẽ bán ra tại thị trường Mỹ đúng như lời khẳng định trước đây của ông Phạm Nhật Vượng.
VIETTEL
Trước Viettel, trên thế giới có 5 công ty đã sản xuất thành công thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel là nhà cung cấp thứ 6 sản xuất thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất thiết bị mạng.
Cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị của Viettel sản xuất được thực hiện cách đây 1 năm tại Hòa Lạc vào ngày 17/1/2020. Đến ngày 30/11/2020 tại Hà Nội, nhà mạng này công bố chính thức khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G, trở thành nhà mạng cung cấp sớm nhất 5G cho khách hàng sau thời gian phát sóng thử nghiệm về kỹ thuật. Đây là kết quả mang ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực ICT Việt Nam, khẳng định khả năng của người Việt trên bản đồ ICT quốc tế.
Trên hạ tầng mạng lưới 5G, Viettel đang sử dụng đồng thời cả thiết bị nhập khẩu và thiết bị do Viettel tự nghiên cứu sản xuất. Theo đó, các khách hàng sử dụng điện thoại hỗ trợ 5G ở những khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và quận Hai Bà Trưng có thể trải nghiệm dịch vụ 5G lập tức mà không cần phải nâng cấp SIM.
Các trạm 5G Viettel sử dụng công nghệ NSA (Non-Standalone Access) - công nghệ đang được những nhà mạng hàng đầu trên thế giới về 5G đang áp dụng như SK Telecom, KT (Hàn Quốc), Verizon (Mỹ) và Vodafone (Anh).
Công nghệ 5G cho phép chúng ta không chỉ cung cấp các dịch vụ kết nối internet vạn vật - mà hơn thế nữa, là "internet vạn vật". Tại Việt Nam, Viettel là nhà mạng tiên phong trong việc nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, thử nghiệm và từng bước tiến tới thương mại hóa 5G, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận công nghệ này, tạo được vị thế trong việc làm chủ, ứng dụng công nghệ mới và đi đầu trong chuyển đổi số.
Sau Hà Nội, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới để sớm kinh doanh thử nghiệm 5G tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể sản xuất thiết bị 5G. Bộ TT&TT sẽ tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G trong năm 2020. Như vậy, mạng thông tin di động 5G ở Việt Nam được triển khai thương mại cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới.
NANOGEN
Sáng ngày 17/12/2020, Học viện Quân y đã tiêm thử nghiệm mũi vắc xin COVID-19 Nano Covax đầu tiên cho 3 người tình nguyện, gồm 2 nam và 1 nữ. Đây là giai đoạn 1 của chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 của VIệt Nam
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết khoảng 200 người đăng ký tiêm thử Nano Covax sau 7 ngày tuyển tình nguyện viên. Đơn vị thực hiện thử nghiệm khám để chọn khoảng 60 người ở độ tuổi 18-50 cho thử nghiệm giai đoạn một.
Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên. Đến tháng 3/2021 sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 và tháng 8/2021 thử nghiệm giai đoạn 3 trên 3.000 - 4.000 người hoặc mở rộng đến 10.000 người.
Người Việt Nam đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 vào lúc 9h10 sáng ngày 17/12/2020.
Vắc xin Nano covax là vắc xin tái tổ hợp protein S, là đoạn gai của virus SARS-CoV-2, với 4 loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg, 100mcg. Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vắc xin đảm bảo về an toàn.
Điểm mạnh của vắc xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc xin của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển. Theo Giám đốc Học viện Quân y - GS Đỗ Quyết, khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người.
"Chúng ta đã sản xuất test thử COVID-19 từ rất sớm và chất lượng, giờ đến vắc xin ngừa COVID-19. Chúng ta đã ngồi ngang hàng, ngồi bàn tròn được với quốc tế ở một số lĩnh vực nghiên cứu y sinh", GS Đỗ Quyết chia sẻ.
Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen là một trong ba đơn vị đang nghiên cứu vaccine Covid-19 của Việt Nam. Trong đó, nhà sản xuất vaccine Nanocovax dự kiến là đơn vị đầu tiên thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người.
Được chú ý khi là ứng viên sáng giá hiện thực hóa giấc mơ vaccine Covid-19 của Việt Nam nhưng Nanogen từ trước đã được biết tới nhiều là một doanh nghiệp sản xuất dược phẩm với các dòng sản phẩm thuốc, chế phẩm sinh học đặc trị.
Trên website, Nanogen tự giới thiệu là nhà nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công các tiến bộ của ngành công nghệ sinh học đầu tiên tại Việt Nam. Thành tựu chính của doanh nghiệp này đến từ việc sản xuất nguyên liệu dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/protein tái tổ hợp hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty là ông Hồ Nhân. Lớn lên ở New York, ông Nhân lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại Đại học Arizona. Chia sẻ với Forbes, ông cho biết có 20 năm nghiên cứu công nghệ sinh học ở nước ngoài trước khi về Việt Nam lập công ty sản xuất thuốc sinh học trị liệu. Sự xuất hiện của các công ty như Nanogen khiến các đơn vị nghiên cứu thị trường, như BMI cách đây một thập kỷ, đánh giá ngày càng khó khăn hơn cho các công ty đa quốc gia để chen chân vào thị trường mới nổi.
Trong đợt tăng vốn gần nhất đầu năm 2019, tỷ lệ vốn ngoại trong Nanogen tăng từ 16,28% lên 25,68% với sự tham gia chủ yếu của các quỹ và cá nhân đến từ Hàn Quốc. Một đối tác Việt Nam tham gia thương vụ này là Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cũng là doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc.
Theo báo cáo tài chính của KIS, doanh nghiệp này đã chi ra gần 11,6 tỷ đồng cho 162.500 cổ phần của Nanogen, tương đương mức định giá hơn 71.000 đồng cho mỗi cổ phần. Căn cứ theo mức giá này, định giá của Nanogen khoảng 5.100 tỷ đồng, cao hơn các doanh nghiệp dược phẩm lớn trên sàn chứng khoán như Imexpharm hay Traphaco.
Công ty này được thành lập tháng 9/1997. Đến cuối năm 2019, Nanogen có tổng tài sản hơn 1.300 tỷ, với vốn điều lệ đạt 715 tỷ đồng.
ABC BAKERY
Tháng 2/2020, ông Kao Siêu Lực - Giám đốc Công ty ABC Bakery; đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á, đã sáng tạo ra loại bánh mì làm từ thanh long giữa lúc loại quả này lao đao vì dịch Covid-19.
Gần như ngay lập tức, loại bánh mì đặc biệt này trở thành sản phẩm "hot" nhất trên các diễn đàn mạng cũng như nhận được sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng. Bản thân ông Lực thường được nhiều người biết đến với tên gọi "Vua bánh mi".
Ông Kao Siêu Lực nhớ lại: "Cuối năm 2019, tôi đi khảo sát ở Vĩnh Long, mục đích là xem có nông sản nào phù hợp để làm bánh. Đang lựa chọn sầu 6 RI, bỗng có một người nông dân mắt mũi đỏ hoe đến gần cầu cứu: Anh Kao ơi, 300 container thanh long ruột đỏ không xuất đi Trung Quốc được, còn nhiều thanh long ở vườn sắp thu hoạch nữa, nếu không bán được chỉ cho bò ăn.
Ban đầu tôi nghĩ, chắc sẽ mua 1-2 tấn thanh long, phát cho công nhân ABC ăn, ủng hộ bà con. Nhưng trên đường về, hình ảnh của người nông dân ấy cứ trở đi, trở lại trong đầu. Tôi băn khoăn, nếu mua giúp thanh long cho nông dân theo kiểu "giải cứu" thì chỉ được ít thôi, lại không thể mua lâu dài. Về văn phòng công ty, cùng với Phòng Nghiên cứu - Phát triển (R&D), tôi đưa ra ý tưởng "cứu thanh long" bằng cách sản xuất bánh mì thanh long ".
"Ba lần thử nghiệm, hương vị, cấu trúc bánh không đạt. Thêm vài lần tìm nguyên nhân rồi cải tiến, cuối cùng chúng tôi đã có những chiếc bánh mì thanh long mà khách hàng ưa chuộng", ông Lực nhớ lại.
Đích thân ông ra quầy giới thiệu bánh mỳ thanh long, được bà con đón nhận ngoài mong đợi. Ban đầu một ngày ABC làm 300 kg thanh long; 3 ngày sau tăng lên 1 tấn/ngày; 10 ngày sau tăng lên 2,5 tấn/ngày. Cùng với đó, giá thanh long của người nông dân bán ra tăng lên từ 4 nghìn đồng/kg lên 25 nghìn/kg.
Sau bánh mỳ thanh long, ông Lực khoe: Mùa Trung thu năm 2020, đã có hàng ngàn chiếc bánh trung thu sầu riêng 6 RI được đưa ra thị trường. Đây là mùa trung thu đầu tiên công ty của ông sử dụng nguyên liệu làm từ trái sầu riêng 6 RI thay vì sầu riêng Musang King – nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài như trước đây.
Ông cho biết, sầu riêng 6 RI là nông sản thứ hai (sau thanh long ruột đỏ) được ABC lựa chọn sử dụng, khai thác và chế biến trong làm bánh.
"Tôi hạnh phúc bởi được nhìn thấy đồng bào của tôi cười, được đóng góp thêm giá trị cho nông sản Việt Nam", ông Lực cho biết.
Bánh mỳ thanh long chính là khởi đầu tốt đẹp, tiếp thêm cho ông Kao Siêu Lực trong hành trình nâng cao giá trị nông sản Việt. Nhiều chiếc bánh mì, bánh trung thu thanh long và sầu riêng 6 RI mang thương hiệu ABC đã được đưa ra thị trường và lan tỏa ra không chỉ trong nước mà cả các nước trên thế giới.
Cùng với việc sáng tạo ra chiếc bánh mì thanh long, ông Lực còn làm ra những chiếc bánh mì đen dinh dưỡng cho các bác sĩ và nhân viên y tế trong giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh.
Ông chủ ABC Bakery cho rằng, ngành chế biến thực phẩm luôn gắn liền với mặt hàng nông sản. Hiện nay, Việt Nam còn rất nhiều nông sản giá trị khác như: Bơ, khoai môn, củ dền… Ông Lực cho biết, bằng kinh nghiệm nhiều năm tích lũy được trong nghề, sẽ dần dần nghiên cứu và tìm cách để nâng cao giá trị của những nông sản ấy.
Doanh nghiệp và tiếp thị