Những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề kinh doanh "độc, lạ" trên sàn chứng khoán: Bất ngờ với doanh nghiệp có chỉ số PE dưới 1
Hàng loạt những doanh nghiệp mang danh "độc quyền ngành nghề" trên sàn chứng khoán – và danh sách đang ngày một nối dài.
Nếu cách đây chỉ 3-4 năm, những doanh nghiệp mang danh "ngành nghề độc, lạ" trên sàn chứng khoán chỉ có mấy doanh nghiệp, thì nay, danh sách đó đang được nối ngày một dài ra.
Các nhà đầu tư, ngoài việc quan tâm đến những mã chứng khoán "hot", cũng thường xuyên không quên đến list những doanh nghiệp trong danh sách này. Và đáng ngạc nhiên, phần lớn trong số đó đều âm thầm tạo nên doanh thu và lợi nhuận đều đặn hàng năm. Mã cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong số đó cũng tăng đáng kể.
Doanh nghiệp kinh doanh Casino duy nhất trên sàn: Cổ phiếu vừa có 34 phiên tăng trần liên tiếp
Cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia tiếp tục giảm sàn. Đây là phiên giảm sàn thứ 8 sau chuỗi 34 phiên tăng trần liên tiếp trước đó. Gần 2 tháng trước, đang duy trì giao dịch dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, RIC bất ngờ tăng trần từ ngày 12/1/2021 – và chuỗi tăng trần kéo dài tới 34 phiên mà không một lý do cụ thể nào.
Trên sàn chứng khoán, RIC được liệt kê vào list những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề "độc, lạ" với việc được kinh doanh sòng bài. RIC trở thành doanh nghiệp duy nhất trên sàn hoạt động kinh doanh Casino.
Đáng chú ý, kết quả kinh doanh của năm 2020 không hề khả quan, cho thấy đây không phải là "lực đẩy" cho đà tăng giá cổ phiếu RIC vừa qua. Doanh thu năm 2020 giảm 47% so với cùng kỳ, còn gần 126 tỷ đồng. Và số lỗ hơn 81 tỷ đồng của năm 2020 còn cao hơn cả năm 2019 (gần 73 tỷ đồng). Tính chung đến hết năm 2020 RIC còn lỗ lũy kế gần 310 tỷ đồng.
Không chỉ kinh doanh Casino, RIC còn là doanh nghiệp quản lý một chuỗi khách sạn, khu vui chơi tại Quảng Ninh. Kết quả kinh doanh của RIC những năm gần đây cũng rất "bấp bênh" với những năm có lãi xen lẫn lỗ lớn.
Doanh nghiệp bán dây thừng cho ngư dân
Siam Brother là doanh nghiệp thành lập tháng 7/1995 với 100% vốn đầu tư của Thái Lan trong đó công ty mẹ Siam Brothers Group Thái Lan là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất ngư, lưới cụ tại Thái Lan.
Siam Brothers Việt Nam cũng là doanh nghiệp hoạt động chính là sản xuất dây thừng, các loại ngư lưới cụ. Sau hơn gần 30 năm hoạt động, SBV hiện là nhà sản xuất và cung cấp dây thừng đánh bắt cá hàng đầu tại Việt Nam.
Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu năm 2020 cũng tăng trưởng xấp xỉ 9% so với năm trước đó, lên 506 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng 19%, lên 68 tỷ đồng. EPS đạt 2.485 đồng.
Hiện vốn điều lệ của Siam Brothers Việt Nam đang xấp xỉ 273 tỷ đồng, giá cổ phiếu đang giao dịch quanh mức 13.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản thị trường khá ổn định với hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Chỉ số PE quanh mức 5 lần.
Dịch vụ mai táng
Doanh nghiệp phục vụ trong mảng dịch vụ mai táng duy nhất trên sàn chứng khoán hiện nay là Mai táng Hải Phòng (mã chứng khoán CPH). Khác với nhiều doanh nghiệp sở hữu ngành nghề kinh doanh độc, lạ khác, cổ phiếu CPH hầu như không được đưa ra giao dịch trên sàn.
Kết quả kinh doanh của công ty rất ấn tượng với doanh thu đều đặn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, tương ứng mỗi ngày thu về khoảng 300 triệu đồng doanh thu. Mai táng Hải Phòng hoạt động trong 3 mảng kinh doanh chính là bộ phận bán hàng với việc bán các loại bình, quách, mộ đá; bộ phận sản xuất thành phẩm với các sản phẩm mộ đơn, mộ đôi và cơ sở hạ tầng; bộ phận cung cấp dịch vụ bao gồm dịch vụ tang lễ, cải táng, hỏa táng.
Trong cơ cấu lợi nhuận gộp của công ty, mảng bán hàng mang lại khoảng 80% tổng lợi nhuận gộp cả năm. Lợi nhuận sau thuế đi ngang nhiều năm với khoảng 9 tỷ đồng. EPS đạt trên 2.060 đồng trong năm 2020 vừa qua.
Mai táng Hải Phòng được biết đến là doanh nghiệp trả cổ tức đều đặn 16% trong 4 năm trở lại đây cho cổ đông. Và do duy trì giá giao dịch thấp, 3.500 đồng/cổ phiếu hiện nay, nên hệ số PE (lợi nhuận trên giá) đang trong "tầm" mong muốn, chỉ ở mức 1,7 lần.
Doanh nghiệp bán vàng mã
Cũng phục vụ trong cõi tâm linh, là doanh nghiệp bán vàng mã duy nhất trên sàn. Với cái tên CTCP Nông sản thực phẩm Yên Bái (mã chứng khoán CAP), ít ai nghe tên đã có thể đoán được đây lại là doanh nghiệp kinh doanh vàng mã.
Những năm trước đây, tỷ trọng từ mảng hàng mã chiếm ưu thế lớn với 18-20% tổng doanh thu. Giấy đế chiếm khoảng 30-35% tổng doanh thu, còn lại phần lớn là từ tinh bột sắn, và có thêm doanh thu từ bán tinh dầu quế.
Tuy nhiên, quý 1 năm tài chính 2020-2021 vừa qua (năm tài chính của Nông sản thực phẩm Yên Bái bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau), mảng giấy đế, vàng mã đều đã giảm tỷ trọng về doanh thu.
Tuy vậy, có lẽ hoạt động trong lĩnh vực tâm linh nên cổ phiếu CAP được "phù hộ", tăng mãi chưa thấy đỉnh. Hiện CAP giao dịch quanh mức 62.100 đồng/cổ phiếu – gấp đôi thời điểm đầu năm 2020 – khi chưa xuất hiện khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh – và cũng đã tăng 61% từ đầu năm 2021 đến nay.
Doanh nghiệp "giữ lửa" duy nhất vừa rời khỏi sàn
Diêm Thống Nhất (DTN) – cái tên gắn liền với truyền thống từ nhiều năm nay của nhiều người dân Việt Nam thế hệ 8x trở về trước. Tiền thân là một nhà máy, Diêm Thống Nhất hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2002. Năm 2014 công ty tăng vốn điều lệ lên 22 tỷ đồng và từ đó đến nay vẫn giữ nguyên mức vốn điều lệ này.
Thương hiệu Diêm Thống Nhất gắn liền với một trong những sản phẩm "vang bóng một thời" của Việt Nam. Tuy nhiên sau này, để theo kịp thị trường, mảng bật lửa gas của công ty ngày càng phát triển. Doanh thu nhiều năm trở lại đây của công ty đều đạt trên trăm tỷ, thậm chí như năm 2019 còn đạt đến 133 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận chỉ quanh quẩn từ 2-4 tỷ đồng, thậm chí năm 2019 còn lãi chưa đến 1 tỷ đồng.
Trước sự chiếm lĩnh thị trường của bật lửa gas, công ty đã phải trình phương án dừng sản xuất diêm để chuyển sang đặt hàng các đối tác sản xuất theo yêu cầu. Tuy vậy, thương hiệu Diêm Thống Nhất với hình ảnh chim bồ câu trắng vẫn được duy trì.
Không những thế, Diêm Thống Nhất đã quyết định rời sàn sau 6 năm lên giao dịch, chấm dứt danh xưng doanh nghiệp sản xuất diêm duy nhất trên sàn. Từ khi lên sàn, cổ phiếu DTN chịu cảnh hầu như không có thanh khoản. Các giao dịch được thực hiện chỉ rất ít, hầu hết là các giao dịch nội bộ. Giá cổ phiếu DTN cũng có thời gian dài duy trì dưới mệnh giá.
Điểm đáng chú ý, trước khi rời sàn, từ đầu tháng 8/2020 đã xuất hiện các giao dịch với một vài trăm cổ phiếu, thậm chí nghìn cổ phiếu DTN khớp lệnh, đưa giá cổ phiếu DTN bất ngờ tăng vọt lên 74.000 đồng/cổ phiếu. Và DTN đã đóng cửa phiên cuối cùng giao dịch trên sàn chứng khoán ở mức giá 62.900 đồng/cổ phiếu – kết thúc những năm tháng giao dịch trên sàn chứng khoán trong sự "huy hoàng".
Doanh nghiệp chuyên bán... giấy vệ sinh
CTCP Hapaco (mã chứng khoán HAP) tiền thân là Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến, thành lập từ năm 1960. Năm 2012, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy Tissue của thị trường, Tập đoàn đầu tư thêm 02 dây truyền giấy Tissue tại Công ty Cổ phần HAPACO HPP. Hapaco cũng là 1 trong 3 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên HoSE từ tháng 8/2000.
Năm 2020 vừa qua doanh thu công ty đạt trên 334 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước đó, trong đó chủ yếu là doanh thu sản xuất, kinh doanh giấy các loại. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 68%, lên trên 34 tỷ đồng.
Tuy là doanh nghiệp bán giấy tissue duy nhất trên sàn, nhưng doanh thu mảng này không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của công ty. Báo cáo thường niên năm 2019 ghi nhận, công ty dùng hết 2.922 tấn giấy nguyên liệu cho mảng giấy vệ sinh trong năm. Trong khi nguyên liệu sản xuất giấy đế hết 21.650 tấn.
Trên thị trường, cổ phiếu HAP đã duy trì giao dịch dưới mệnh giá từ rất lâu. Tuy vậy 10 phiên giao dịch gần đây cổ phiếu HAP bất ngờ tăng mạnh với 8 phiên tăng trần, 1 phiên tăng điểm và chỉ có 1 phiên giảm điểm. Hiện HAP đang giao dịch ở mức 12.500 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu HAP rất lớn với hàng triệu, thậm chí nhiều triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Doanh nghiệp chiếu xạ cho hoa quả, thủy sản
Tại Việt Nam hiện có 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chiếu xạ, trong đó cái tên "lâu đời" nhất là Sơn Sơn, sau đó gần chục năm mới xuất hiện thêm An Phú, Thái Sơn, và VinaGama. Đặc thù ngành nghề, chiếu xạ chưa được sử dụng nhiều trong khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mà chủ yếu là dịch vụ hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa thủy sản, thực phẩm và trái cây ra nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay Chiếu Xạ An Phú (mã chứng khoán APC) vẫn là doanh nghiệp ngành chiếu xạ duy nhất đưa cổ phiếu lên giao dịch cổ phiếu trên sàn.
Nếu xét về giá cổ phiếu, nhà đầu tư hẳn chưa quên khoảng 4-5 năm trước, đang giao dịch ổn định quanh mức giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/cổ phiếu, APC bất ngờ tăng, đánh dấu bằng 2 phiên tăng trần ngày 17 và 18/7/2017 vượt mốc 30.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó là chuỗi ngày APC âm thầm tăng giá, mức tăng lớn dần khiến nhà đầu tư bắt đầu chú ý, thì APC đã vượt ngưỡng 90.000 đồng/cổ phiếu, tạo đỉnh ở mức 89.000 đồng/cổ phiếu vào phiên ngày 18/12/2017 – chỉ mấy tháng từ ngày bắt đầu tăng giá.
Tuy nhiên, trước hàng loạt thông tin về mâu thuẫn nội bộ, về các dấu hỏi của cổ đông khi công ty dự kiến phát hành riêng lẻ cho đối tác Torus Capital với giá chào bán quá thấp, về việc công ty giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức cho cổ đông... đã khiến cổ phiếu APC lao dốc, trở về vùng giá 20-30.000 đồng/cổ phiếu – thậm chí trong năm 2020 vừa qua đã có lúc xuyên thủng ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu.
Doanh nghiệp sản xuất bao cao su duy nhất trên sàn
CTCP Merufa (mã chứng khoán MRF) đưa cổ phiếu lên sàn từ tháng 12/2017 – trở thành doanh nghiệp sản xuất bao cao su đầu tiên, và cũng là duy nhất hiện nay giao dịch trên sàn chứng khoán.
Merufa tiền thân là Xí nghiệp Cao su Y tế (thuộc Bộ Y tế) được xây dựng với sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc vào năm 1987. Ngay từ năm này, Merufa đã cung cấp cho thị trường sản phẩm bao cao su tránh thai chế tạo từ cao su thiên nhiên của Việt Nam với nhãn hiệu HAPPY. Không chỉ bao cao su, Merufa còn là đơn vị tiên phong nghiên cứu, sản xuất các mặt hàng y tế quan trọng khác như găng tay phẫu thuật, nút chai kháng sinh, chai chuyền dịch sản xuất từ cao su tổng hợp hay một số loại ống thông và ống Penrose.
Tuy vậy, trong những năm gần đây mảng kinh doanh truyền thống là bao cao su của Merufa đã gặp nhiều khó khăn khi bị cạnh tranh mạnh bởi các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.
Năm 2020, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng, nhận định nhu cầu găng tay trên thị trường tăng mạnh, công ty quyết định đầu tư phân xưởng sản xuất găng tay số 2 với tổng vốn đầu tư 230 tỷ đồng. Thời gian đầu tư khoảng 8-12 tháng để đẩy nhanh tiến độ, dự kiến khoảng tháng 3-4 hoàn thành để sản phẩm kịp có mặt ở thị trường thời điểm giá bán cao.
Những thông tin tích cực trên dẫn tới, giá cổ phiếu MRF đã đột biến tăng trần 6 phiên liên tiếp từ 24/9/2020, và liên tiếp những phiên tăng điểm sau đó, đưa giá cổ phiếu từ 17.300 đồng/cổ phiếu lên 55.000 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/10/2020) – tương ứng mức tăng hơn gấp 3 lần chỉ trong vòng hơn nửa tháng. Tuy nhiên, tăng sốc và giảm cũng sâu, MRF nhanh chóng giảm mạnh, về mức 22.000 đồng/cổ phiếu.
Chu kỳ tăng của MRF lại một lần nữa lặp lại từ đầu năm 2021 với chuỗi 6 phiên tăng trần liên tiếp, đưa cổ phiếu một lần nữa xác lập đỉnh mới ở 77.000 đồng/cổ phiếu trước khi giảm trở lại về 60.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Năm 2019 Merufa ghi nhận đạt gần 108 tỷ đồng doanh thu, tăng 10,2% so với năm trước đó. Còn lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng 165%, lên gần 6,7 tỷ đồng. EPS đạt 1.818 đồng.
Doanh nghiệp bán kềm duy nhất trên sàn
CTCP Meinfa (mã chứng khoán MEF) được viết đến là doanh nghiệp chuyên sản xuất cơ khí, máy móc, thiết bị y tế thông dụng, các sản phẩm kim loại, dụng cụ cầm tay. Đặc biệt, nhà đầu tư biết đến Meinfa với các loại kềm.
Meinfa cũng "nổi danh" trên thị trường chứng khoán nhiều năm trở lại đây khi thường xuyên trả cổ tức cao hơn thị giá, được áp dụng cơ chế đặc biệt không phải điều chỉnh giá mỗi kỳ thanh toán cổ tức.
Cổ phiếu MEF cũng luôn duy trì mức giá "trà đá", cổ đông công ty chẳng thèm bán ra, hầu như không có cổ phiếu khớp lệnh suốt nhiều năm qua. Hiện trên thị trường giá cổ phiếu MEF chỉ 1.600 đồng/cổ phiếu, với gần 4,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 đi ngang so với năm 2018, đạt 28,8 tỷ đồng. EPS đạt 7.783 đồng. Chỉ số PE ở mức "mơ ước" chỉ nhỉnh hơn 0,2 lần.
Doanh nghiệp sản xuất đồ chơi gỗ cho trẻ em
Nam Hoa Toys (NHT) được biết đến là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại đồ chơi gỗ cho trẻ em – là doanh nghiệp sản xuất đồ chơi gỗ duy nhất trên sàn. Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ tháng 12/2017.
Nam Hoa Toys cũng đã tính đến chuyện chuyển sang niêm yết trên HNX, tuy vậy việc chuyển sàn vẫn chưa hoàn tất.
Kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2020 đột biến đạt gấp 4 lần năm 2019, đạt 887 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 78%, lên trên 78 tỷ đồng chủ yếu nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của công ty con. EPS đạt 5.069 đồng.
Thay cho lời kết
Những doanh nghiệp mang danh "độc quyền ngành nghề" trên sàn chứng khoán có vẻ chưa nhận được quá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đó cũng có thể gây nên tâm lý làm cho nhà đầu tư không có sự lựa chọn, so sánh. Những doanh nghiệp kiểu này thường cơ cấu cổ đông rất cô đặc, thanh khoản trên thị trường mỗi phiên không lớn. Cũng có thể, đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp không muốn "một mình một cõi" trên sàn chứng khoán.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị