Những dự án ngàn tỉ đồng ở Tây Ninh đang triển khai ra sao?
Tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn
- 19-07-2024Tái khởi động dự án Thủy Cung ở TP Vũng Tàu
- 19-07-2024Kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024: Giải pháp nào để về đích?
- 19-07-2024'Đô thị đáng sống bậc nhất thế giới' ở Việt Nam sẽ xây công trình đặc biệt dưới lòng con sông biểu tượng
Ông Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tây Ninh, cho biết hiện tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Theo ông Châu, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) đã được UBND TP HCM trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào ngày 4-6-2024.
Địa điểm thực hiện dự án là huyện Củ Chi (TP HCM) và thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu, huyện Bến Cầu thuộc tỉnh Tây Ninh. Điểm đầu giao với đường Vành đai 3 - TP HCM thuộc huyện Củ Chi, điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 (tại lý trình Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh (cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài 5km hướng đi Gò Dầu).
Dự án có tổng chiều dài tuyến 50,977km, trong đó đoạn qua địa phận TP HCM là 24,66km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 26,317km; quy mô 6 làn xe cao tốc. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 19.617 tỉ đồng.
Dự án dự kiến thi công xây dựng công trình vào năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2027.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1, từ Gò Dầu đến TP Tây Ninh). Dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện.
UBND tỉnh Tây Ninh đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn Sun Group) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và hồ sơ đề xuất đầu tư dự án đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ngày 16-4-2024, Tập đoàn Sun Group có báo cáo về kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án gửi UBND tỉnh. Hội đồng thẩm định cấp cơ sở đã thẩm định và tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ và nghiên cứu thêm phương án tài chính đầu tư dự án.
Dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8-ĐT.787B-ĐT.789 được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư. Tuyến đường dài 48,113Km, qua địa phận thị xã Trảng Bàng 42,113km và huyện Dương Minh Châu 6 km với tổng mức đầu tư là 3.416,23 tỉ đồng. Thời gian thực hiện 2021-2026.
Dự án đường Bời Lời (từ ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng) được HĐND tỉnh Tây Ninh thông qua chủ trương đầu tư ngày 22-3-2024. Dự án có tổng chiều dài là 5,102km, quy mô 6 làn xe, có điểm đầu ngã ba Lâm Vồ (giao với đường 30/4) và điểm cuối tại ngã tư Đại Đồng (giao với đường ĐT.784). Tổng mức đầu tư là 433,7 tỉ đồng.
Hiện nay, chủ đầu tư đang tổ chức khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Dự kiến, khởi công vào năm 2025 và hoàn thành vào năm 2027.
Công trình đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư ngày 30-6-2023, quy mô đường cấp III, nền đường 12,25m, mặt đường 11,25m, tổng mức đầu tư 2.293 tỉ đồng.
Gói thầu xây lắp thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh đã khởi công vào ngày 28-12-2023, hiện nhà thầu đang triển khai thi công đạt khoảng 10% khối lượng của công trình, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Ngoài ra, các dự án, công trình khác đang thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2024, 2025 gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.795, đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2), đường Trường Hòa - Chà Là.
Các dự án dự kiến khởi công trong 6 tháng cuối năm 2024, gồm: Dự án nâng cấp đường kết nối với cửa khẩu quốc tế Tân Nam (đoạn từ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tân Nam đến ngã ba giao đường ĐT.788 và ĐT.783); dự án đường ĐT.784C (Bàu Năng - Bàu Cóp); dự án đường Trường Chinh; dự án chỉnh trang đường Cách Mạng Tháng Tám từ cầu Quan đến Điện Biên Phủ.
Người Lao Động