MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những dự báo mới nhất của ANZ cho Việt Nam: Nông nghiệp vẫn là điểm trừ

ANZ cho biết ngân hàng này có thể phải hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam khi sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu do hiện tượng El Niño kéo dài, dù hoạt động xuất khẩu vẫn tốt so với khu vực.

Trong báo cáo cập nhật quý II về kinh tế Việt Nam công bố ngày 6/4, ANZ cho biết Việt Nam vẫn là nền kinh tế duy nhất tại Châu Á đi ngược xu hướng suy giảm thương mại của khu vực khi tiếp tục ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng mạnh, trong khi xuất khẩu của khu vực liên tục suy giảm với mức 2 con số.

Về thương mại, đây chắc chắn là điểm nổi bật của Việt Nam, nhưng không phải toàn bộ câu chuyện. Giá trị thương mại tương đương hơn 160% GDP của Việt Nam, nhưng nhu cầu nội địa chiếm tới 65% GDP, khi xuất khẩu và nhập khẩu có quy mô gần tương đương nhau.

Dù dự báo hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ tốt hơn so với các nước trong khu vực, ANZ cho rằng không thể chỉ tập trung vào lĩnh vực này. Những rủi ro trong nước đối với tăng trưởng đang nổi lên và lại chủ yếu bắt nguồn từ ngành nông nghiệp.

Ngân hàng này cho rằng những rủi ro đó có thể khiến họ phải hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam, trước đó đã được ANZ dự báo ở mức 6,9% cho năm 2016 và 6,5% năm 2017.

Việc GDP quý I không đạt dự báo, chỉ tăng trưởng 5,5% so với cùng kỳ, chủ yếu do sản lượng lương thực giảm. Ngành càng có nhiều chỉ báo cho thấy xuất khẩu lương thực có thể sẽ gặp một năm khó khăn do hiệu ứng El Niño kéo dài.

Dưới đây là những dự báo sơ lược của ANZ cho Việt Nam trong vài tháng tới: Sản xuất nông nghiệp sẽ chịu áp lực do ảnh hưởng kéo dài của El Niño; Xây dựng và bất động sản có thể sẽ tiếp tục duy trì đà đi lên; Hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh sẽ góp phần hỗ trợ; Lạm phát sẽ tiếp tục tăng chậm. ANZ dự báo lạm phát tổng quát sẽ đạt mức trung bình 1,7% trong năm 2016 và 2,5% vào năm 2017 (từ mức tương ứng 2,0% và 2,7%);

Tăng trưởng nhập khẩu có thể sẽ giảm nhẹ do ảnh hưởng của cơ sở so sánh cao của năm trước; Tăng trưởng xuất khẩu sẽ vẫn mạnh khi Việt Nam giành thị phần từ tay các nước trong khu vực. Nhưng nhu cầu toàn cầu yếu sẽ là yếu tố cản trở; Cán cân thương mại, được hỗ trợ bởi cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, sẽ ổn định trở lại, cho phép Ngân hàng Nhà nước xây dựng lại dự trữ ngoại hối của mình; Mặc dù tương lai của TPP là mờ nhạt, nhưng việc phê chuẩn FTA Việt Nam-EU sẽ mở ra một thị trường hoàn toàn mới cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng giày dép và may mặc.

Phân tích sâu hơn, ANZ cho rằng chính phủ mới của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Mặc dù GDP quý I/2016 tăng trưởng thấp hơn so với dự báo của ANZ và kỳ vọng của thị trường, nhưng Việt Nam vẫn hoạt động tốt hơn so với các nước trong khu vực.

ANZ cho rằng mức tăng trưởng 5,5% trong quý 1 năm nay đặt ra nguy cơ phải điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng 6,9% cho năm 2016 và 6,5% năm 2017 mà ngân hàng này đặt ra trước đó.

Sản lượng nông nghiệp, chiếm 16,1% GDP, đã suy giảm 1,2% trong quý I khi mùa màng bị thất bát do cả thời tiết lạnh khắc nghiệt ở miền Bắc và hạn hán nghiêm trọng ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Triển vọng cho xuất khẩu nông nghiệp (chiếm khoảng 12% tổng giá trị xuất khẩu) đã ảm đạm hơn khi sản xuất lúa gạo toàn cầu dự kiến cũng giảm.

Tuy nguồn cung lương thực có khả năng giảm, nhưng lạm phát không nhất định sẽ tăng ngay. Ngoài ra, sự tăng chậm của giá dầu nhiều khả năng sẽ hạn chế lạm phát ở mức trung bình 1,7% trong năm 2016 và 2,5% vào năm 2017.

Trong khi đó, ngành xây dựng tiếp tục tăng trưởng 9,9% so với cùng kỳ năm trước trong quý I, mức tăng nhanh nhất trong hơn 5 năm. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp giảm xuống còn 6,2% trong quý I từ mức 9,0% của cùng kỳ năm 2015, nhưng mức tăng này cũng đủ hỗ trợ cho GDP khi lĩnh vực này chiếm gần 30% nền kinh tế.

Về ngoại thương, cán cân thương mại đã chuyển sang thặng dư 776 triệu USD. Điều này đã làm giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND, cho phép Ngân hàng Nhà nước xây dựng lại dự trữ ngoại hối của mình.

Nhập khẩu giảm khi nhập khẩu máy móc giảm 18,0% so với cùng kỳ năm trước do cơ sở so sánh. trong năm 2015, nhập khẩu đã tăng mạnh do việc mở rộng sản xuất. Sự suy giảm đồng thời của việc nhập khẩu ô tô trong quý I đã loại bỏ bớt những rủi ro của việc nhập khẩu cho tiêu dùng.

Mặt khác, nhập khẩu các thiết bị điện tử đi ngược xu hướng, cho thấy triển vọng tăng trưởng của xuất khẩu máy tính và linh kiện điện thoại vẫn mạnh.

Tăng trưởng xuất khẩu vẫn đang đang tốt với mức 6,2% trong quý I, trong bối cảnh xuất khẩu của khu vực suy giảm.

Hy vọng vào những lợi ích từ TPP đang mờ dần khi các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ đang bước vào giai đoạn cao điểm. Tuy nhiên, ANZ cho rằng những lợi ích từ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, nếu được phê chuẩn, sẽ mở ra một thị trường khác với cơ hội lớn.

Phân tích của ANZ trong ngành công nghiệp dệt may cho thấy Việt Nam có dư địa để tăng xuất khẩu hàng may mặc và giày dép sang EU nếu nó có thể đa sản phẩm và sự hiện diện trên toàn bộ chuỗi sáng tạo giá trị của ngành công nghiệp này.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên