MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những gì khó khăn nhất đã qua, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bền vững sẽ thu hút dòng tiền

Những gì khó khăn nhất đã qua, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bền vững sẽ thu hút dòng tiền

Theo chuyên gia PVIAM, thị trường chưa thực sự bước vào giai đoạn tăng trưởng mà chỉ tịnh tiến tăng nhẹ trong năm 2023 kéo dài đến nửa đầu năm 2024. Mặc dù vậy, sẽ có sự phân hóa trong giai đoạn này, các công ty có hoạt động kinh doanh bền vững thì giá trị sẽ tăng.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023. Các đối tác đầu tư đứng đầu là Singapore, tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc…Bên cạnh đó, việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện cũng được kỳ vọng mang lại những yếu tố tích cực cho nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.

Tại Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, ông Trần Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ PVI (PVIAM) đã có những chia sẻ về cơ hội đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

BTV Mùi Khánh Ly: N ền kinh tế Việt Nam đã đón nhận nhiều thông tin tích cực, đặc biệt là dòng vốn nước ngoài dự kiến sẽ gia tăng, ông đánh gi á như thế nào về điều này?

Ông Trần Thanh Sơn , Phó T ổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ PVI (PVIAM)

Qua số liệu công bố mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vào ngày 20/9 vừa qua thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam đã đạt con số là 20,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục lựa chọn Việt Nam là một nơi đầu tư kinh doanh và là một điểm sáng của khu vực. Trong thời gian qua, chúng tôi quan sát, với những diễn biến không mấy tích cực của kinh tế thế giới thì các nhà đầu tư nước ngoài đã có xu hướng chậm giải ngân các khoản đầu tư của họ ra nước ngoài, thậm chí một số nhà đầu tư đã thu vốn về. Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt được con số trên thì thật sự là rất đáng khích lệ. Chúng ta có thể thấy những chính sách hỗ trợ giải quyết khó khăn của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, những chính sách ngoại giao của Việt Nam thời gian qua cũng được kỳ vọng giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong những năm sau.

Để gia tăng thu hút và đón nhận những dòng vốn này thì Việt Nam cần phải làm những gì?

Hiện nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã đi vào 18/21 ngành kinh tế của Việt Nam, tập trung nhiều vào ngành công nghệ chế biến, chế tạo với giá trị hơn 14 tỷ USD, tiếp theo là ngành bất động sản với giá trị 1,9 tỷ USD, ngành tài chính ngân hàng 1,5 tỷ USD và ngành bán buôn bán lẻ hơn 700 triệu USD. Đây là các ngành mà Việt Nam có thế mạnh nên việc các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào các ngành này cũng là điều dễ hiểu. Tuy vậy, Việt Nam cũng mong muốn sẽ thu hút được dòng vốn nước ngoài cho các ngành nghề khác, đặc biệt là ngành công nghệ cao để giúp Việt Nam tiếp nhận, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Việc nâng tầm quan hệ giữa Mỹ - Việt Nam không chỉ giúp thu hút vốn đầu tư từ Mỹ mà còn hỗ trợ phát triển và nâng cao mối quan hệ với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là từ khu vực Châu Âu, từ đó thúc đẩy đầu tư của các quốc gia này vào Việt Nam…Như vậy, để sẵn sàng đón nhận những dòng vốn này một cách tốt nhất thì Việt Nam cần tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực thông qua việc cải thiện thủ tục đầu tư, xây dựng các chính sách ưu đãi, chính sách thuế khuyến khích đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư.

Trong những dòng vốn đó, dự báo dòng vốn FII vào thị trường tài chính cũng sẽ gia tăng mạnh, ông đánh giá như thế nào về điều này?

Chúng tôi đánh giá việc nâng hạng thị trường sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Khi đó, các nhà đầu tư ngoại sẽ đánh giá thị trường Việt Nam có sự minh bạch và ổn định hơn, thanh khoản cũng sẽ tăng cao hơn. Còn đối với hoạt động của tập đoàn PVI chúng tôi thì hiện nay có ba hoạt động chính đó là về bảo hiểm, tái bảo hiểm và hoạt động quản lý quỹ. Về quản lý quỹ, hiện nay chúng tôi đang là một trong những doanh nghiệp có giá trị quản lý tài sản và tư vấn đầu tư hàng đầu ở thị trường Việt Nam. Với quy mô như vậy thì chúng tôi hi vọng sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngành tài chính nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ lớn và chủ động của cổ đông nước ngoài là HDI và IFC, hoạt động của chúng tôi đã được nâng lên một tầm cao mới với hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro đạt các chuẩn mực quốc tế. Để thúc đẩy dòng vốn vào thị trường Việt Nam, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài (gồm cả nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính) để trao đổi các nhu cầu đầu tư, cập nhật về sự phát triển của kinh tế Việt Nam, câu chuyện thành công của các doanh nghiệp trong nước và triển vọng của thị trường tài chính. Gần đây, chúng tôi cũng đang đón tiếp các tổ chức từ Châu Âu sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

B ên cạnh những yếu tố tích cực thì vẫn còn có những lo ngại như là dù rằng FED đã quyết định chưa tăng lãi suất lần họp vừa rồi nhưng lãi suất ở Mỹ sẽ có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài do đó sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn vào Việt Nam, theo ông thì sao?

Về dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư nước ngoài đã có động thái bán ròng khá đều đặn trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua với lý do chính xuất phát từ những bất ổn của kinh tế thế giới bao gồm việc tăng lãi suất của FED. Nhìn rộng hơn, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn bán ròng ở các nước Châu Á khác. Cụ thể, trong tháng 8/2023, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1,32 tỷ USD tại Indonesia, 569 triệu USD tại Hàn Quốc, 423 triệu USD tại Thái Lan, 131 triệu USD tại Philippines và 125 triệu USD tại Việt Nam. Dòng tiền có xu hướng chuyển sang kênh USD và chảy về Mỹ để tránh bị mất giá tiền tệ. Trong năm 2023, chúng tôi đánh giá dòng vốn nội vẫn tiếp tục chi phối thị trường. Mặc dù vậy, khi chỉ số đi xuống và mức định giá xuống thấp thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có động thái mua ròng trở lại. Tuy nhiên, để nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng bền vững hơn, tôi nghĩ nhà đầu tư nước ngoài cần thấy được sự ổn định hoặc dấu hiệu của sự ổn định của nền kinh tế thế giới. Hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang chuẩn bị hoàn thiện các tiêu chuẩn để kỳ vọng được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Chúng tôi mong rằng, khi Việt Nam được nâng hạng thì cũng là lúc kinh tế thế giới đã ổn định để Việt Nam thu hút được dòng vốn ngoại một cách tốt nhất, từ đó thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

V ới những phân tích ở trên, dự báo thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi như thế nào trong thời gian tới?

Thị trường quý II và III/2023 đã có sự phục hồi khá tốt khi chỉ số VN-INDEX áp sát 1.250 điểm. Sự phục hồi này dựa trên các chính sách tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Trong những phiên gần đây, áp lực chốt lời trên diện rộng đã khiến VN-INDEX giảm mạnh. Chúng tôi nhận thấy, chỉ số chứng khoán có biên độ dao động lớn như vậy phần lớn là do thị trường bị chi phối bởi các nhà đầu tư cá nhân, họ thường có phản ứng quá mức và cùng với đó là yếu tố đầu cơ nhiều hơn yếu tố đầu tư. Tôi cho rằng những gì xấu nhất đã đi qua, tức VN-INDEX đã đi qua vùng đáy. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu tác động của tình hình kinh tế thế giới như FED duy trì lãi suất cao, tỷ giá tăng mạnh…nên thị trường vẫn chưa thực sự bước vào giai đoạn tăng trưởng mà chỉ tịnh tiến tăng nhẹ trong năm 2023 kéo dài đến nửa đầu năm 2024. Mặc dù vậy, sẽ có sự phân hóa trong giai đoạn này, các công ty có hoạt động kinh doanh bền vững thì giá trị sẽ tăng.

Bảo Anh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên