MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những giọt nước mắt trong đại án Phạm Công Danh

10-09-2016 - 08:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Một vụ án với số tiền thất thoát của nhà băng cực lớn, số người bị đứng trước vành móng ngựa ở một phiên tòa ngân hàng kỷ lục…nhưng những trách móc, oán than thường thấy lại không hiện diện nhiều ở vụ án nghiêm trọng nhất lịch sử ngành ngân hàng.

Day dứt nỗi niềm có ngân hàng chuyên ngành

Người tạo nên nguồn cơn của những sai phạm hàng ngàn tỷ đồng là Phạm Công Danh. Ông Danh “đình đám” với vị trí Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng (VNCB) nhưng sự nghiệp thực sự lại ở Tập đoàn Thiên Thanh cùng chức danh Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc.

Là chủ một tập đoàn xây dựng, bất động sản và đã gây dựng doanh nghiệp đi cùng sóng gió của thị trường địa ốc nhiều năm, ông Danh mong mỏi là “ở ta” cũng giống “ở tây” mà ông từng nghiên cứu, học hỏi là sẽ có một ngân hàng chuyên ngành, dành riêng cho lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng.


Đồ họa: Hương Xuân - 7pm

Đồ họa: Hương Xuân - 7pm

Mô hình và cách vận hành của chuỗi “4 nhà” mà ông Danh cùng Tập đoàn Thiên Thanh đưa ra cho lĩnh vực địa ốc là: Nhà sản xuất/phân phối (1) cung cấp hàng hóa đến người mua là nhà thầu/nhà đầu tư (2) thông qua nhà tổ chức cung ứng (3) vật liệu xây dựng, có sự tham gia bảo lãnh thanh toán và/hoặc bảo lãnh thực hiện hợp đồng hoặc cho vay tái sản xuất kinh doanh của ngân hàng (4). Với mô hình liên kết này, Thiên Thanh sẽ là nhà cung ứng vật liệu xây dựng, trong khi nhà băng mà ông mong mỏi được thành lập sẽ cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các bên liên quan và kết nối mạng lưới khách hàng tiềm năng trên cả nước.

Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB – một bị cáo chủ chốt của đại án) từng cho rằng việc phối hợp chặt chẽ “4 nhà” sẽ tạo ra nhiều giá trị thiết thực trong bối cảnh thị trường khó khăn. Nhà thầu/nhà đầu tư sẽ được hưởng chính sách giá cạnh tranh hơn. Nhà phân phối có kế hoạch kinh doanh ổn định, tạo công ăn việc làm ổn định. Ngân hàng thì tăng được tín dụng. Còn nhà tổ chức cung ứng có thể được hưởng chiết khấu cao do gộp được doanh số của nhiều đơn vị.

Mong mỏi là như thế, nhưng, ở đời, đâu phải ước mơ, tâm huyết nào cũng dễ dàng thực hiện. Thời 2011 và những năm sau đó, lạm phát tăng cao, bất động sản đình trệ, chứng khoán cũng lao dốc. Nền kinh tế lúc đó đầy rẫy những yếu tố khó lường. Và cũng vì thế, Ngân hàng Nhà nước không ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực bất động sản (lúc này đã đóng băng), không ưu tiên cả thị trường chứng khoán… Mong ước thành lập mới một ngân hàng cho ngành bất động sản là không thể dù cả Hiệp hội bất động sản và Bộ Xây dựng nghĩ rằng nó là cần thiết.

Khi không thực hiện được ước mơ lập một ngân hàng mới cho ngành bất động sản, số phận đẩy đưa Phạm Công Danh đến quyết định tái cơ cấu một nhà băng đang sụp đổ để thực hiện mong ước của mình.

Trước khi phiên tòa diễn ra, nhiều người giận ông Danh sao nỡ kéo nhiều con người nhận thức chưa tới vào vòng lao lý. Còn sau khi chứng kiến tại tòa, những lời oán trách vẫn còn nhưng phần nào giảm, bớt đi những hằn học. Dù gì, bản thân ông Danh cũng phải trả cái giá đắt cho những sai phạm mình gây ra.

Những giọt nước mắt trong đại án thất thoát hơn 9.000 tỷ

Có mặt ở phiên tòa, nhất là ngày các bị cáo được nói lời cuối cùng, người tham dự có thể nhìn thấy nhiều người khóc, những tiếng nấc nghẹn ngào hay những giọt nước mắt lặng lẽ.

Tiếng khóc đầu tiên là từ những người thân, nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh khi nghe lời cuối cùng của Phạm Công Danh. Càng về những ngày cuối cùng của phiên xét xử, nhân viên Thiên Thanh còn nguyên đồng phục công ty đến xem xét xử càng đông. Có người trong số họ khóc thành tiếng khi sếp họ và những người đồng nghiệp cũ nói trước vành móng ngựa.


Đồ họa: 7pm - Hương Xuân

Đồ họa: 7pm - Hương Xuân

Tiếp đến là chính Phạm Công Danh. Đứng trước vành móng ngựa nói lời cuối cùng, Danh xin Hội đồng xét xử xem xét, không phải cho ông (người bị kết án 30 năm tù) mà cho nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh vì đã tin tưởng mình mà nhận đứng tên làm giám đốc; Danh xin cho những nhân viên tín dụng cấp dưới sai phạm vì làm việc phải làm, gặp rủi ro và chịu án phạt dù không được hưởng lợi gì…

Với Phan Thành Mai - Tổng giám đốc VNCB và là nhân vật số 2 trong đại án này, bị cáo này cũng “xin” cho những người từng là cấp dưới của mình. Khi khai về những sai phạm vụ CoreBanking, Mai nói: “Tôi không thể quên được ánh mắt băn khoăn của anh Lê Công Thảo…”. Cựu CEO VNCB không giải trình nhiều mà chỉ muốn nói thêm về cái khó của người từng là nhân viên của mình trong vụ việc.

Làm nhiều việc sai trái theo sự chỉ đạo của Phạm Công Danh và phải chịu mức án rất nặng nhưng Mai không một lời trách móc “ông chủ” cũng như số phận. Sau ít phút đầu trong lời nói cuối dành xin tội cho nhân viên cấp dưới, Phan Thành Mai phát biểu về “anh Danh”.

Trong suốt 45 ngày xét xử, bị cáo Mai dùng cụm từ “anh Danh” rất nhiều lần. Đồ rằng, nếu không phải là phản xạ tự nhiên thì Mai đã gọi là “bị cáo Danh” vì Phan Thành Mai là người hiểu rất rõ bản thân và những người khác đang đứng trước vành móng ngựa. Trong lời nói cuối cùng tại tòa, Mai cũng dành thời gian bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho “anh Danh” khắc phục hậu quả.

Trong số 36 người phải đứng trước vành móng ngựa ở đại án Phạm Công Danh, có những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Họ là trụ cột của gia đình, lương không cao và đang phải chăm lo cho con nhỏ. Đứng trước vành móng ngựa, ngoài việc họ xin Hội đồng xét xử khoan dung cho bản thân, họ không quên xin xem xét cho lãnh đạo và đồng nghiệp của mình. Bị cáo Nguyễn Tấn Thành, bị cáo Nguyễn Chí Bình, Vưu Thị Diệu… đứng trước vành móng ngựa nói về những đóng góp từ thời cha của bị cáo Danh và bị cáo Danh đóng góp cho xã hội, rồi đề nghị Hội đồng xét xử rộng lòng khoan dung.

Bị cáo Lý Minh lúc nói lời cuối cùng đang bị đề nghị mức án 5-6 năm tù nhưng lại xin phép được nói thêm hoàn cảnh gia đình của Phan Thành Mai. “Trước khi anh Mai bị bắt thì vợ anh Mai mang trọng bệnh và cũng đang có con nhỏ. Bản thân anh Mai cũng bị bệnh. Mong Hội đồng xét xử xem xét mức án nhẹ nhất cho anh Mai”.

Sai phạm thì phải trả giá. Pháp luật nghiêm minh để răn đe mọi công dân phải thượng tôn pháp luật. Những người sai phạm đã phải trả giá theo phán quyết tại tòa. Thế nhưng, khác với nhiều vụ án khác mà tại tòa là sự đổ lỗi cho nhau, là sự quanh co chối tội, sự hằn học nếu bị đẩy đưa vào sai phạm, đại án Phạm Công Danh có những chữ Tình đầy day dứt, trao gửi qua những lời nói cuối cùng.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên