MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những hành vi nào của lãnh đạo khiến nhân viên bất mãn, giảm năng suất làm việc?

29-03-2018 - 15:09 PM | Doanh nghiệp

Nhiều khi lãnh đạo cảm thấy nhân viên xa lánh mình mà chẳng hiểu lý do tại sao, mình đã làm sai điều gì? Nhiều lãnh đạo luôn có những hành vi khiến nhân viên bất mãn và giảm năng suất làm việc của nhóm.

Lý do nghỉ việc phổ biến nhất thường là nhân viên muốn thoát khỏi sếp của mình. Tuy nhiên, rất nhiều lãnh đạo gặp khó khăn trong việc tìm cách cải thiện phong cách lãnh đạo của họ. Trong thực tế thì có khoảng 40% lãnh đạo cảm thấy các chương trình phát triển kỹ năng lãnh đạo không hề hữu ích với họ.

Tại sao lại như vậy?

Một trong những lý do là chúng ta đang quá tập trung vào những hành động của một nhà lãnh đạo giỏi: quyết định nhanh, giao tiếp rõ ràng và có chiến lược tốt.

Mặc dù việc đưa ra các hình mẫu lãnh đạo là điều rất tốt, nhưng đó có lẽ lại chẳng phải cốt lõi vấn đề. Nhiều khi lãnh đạo cảm thấy nhân viên xa lánh mình mà chẳng hiểu lý do tại sao, mình đã làm sai điều gì. Những kiểu lãnh đạo như vậy luôn chỉ khiến nhân viên bất mãn và giảm năng suất làm việc của nhóm.

Những hành vi nào của lãnh đạo khiến nhân viên bất mãn, giảm năng suất làm việc? - Ảnh 1.

Để khắc phục, hãy cùng xem xét một số sai lầm trong hoạt động quản lý mà đôi khi các lãnh đạo chẳng bao giờ nhận ra.

#1: Thiếu sự tin tưởng các thành viên trong nhóm

Khi được đề bạt lên vị trí lãnh đạo thì công việc của người đó cũng tự nhiên sẽ thay đổi theo. Tuy vậy, rất nhiều lãnh đạo (vô tình hoặc cố ý) bị cuốn vào bẫy quyền lực của vị trí mới. Cuối cùng, họ đánh mất đi những điều tốt đẹp đã khiến họ có thể trở thành lãnh đạo. Thêm nữa, họ bắt đầu không biết tôn trọng những giá trị này của cấp dưới.

Người lãnh đạo giỏi nhất là người biết tin tưởng nhân viên của mình, tin tưởng khi cần thiết và biết tôn trọng ý kiến của họ. Khi cảm thấy họ có tiếng nói trong công việc, nhân viên sẽ làm việc tốt gấp 5 lần bình thường. Điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao tiếp giữa lãnh đạo và đội nhóm của mình.

Những hành vi nào của lãnh đạo khiến nhân viên bất mãn, giảm năng suất làm việc? - Ảnh 2.

Dù cho có tin tưởng vào năng lực của nhân viên thì bạn cũng nên đưa ra những phản hồi đúng lúc. Các thành viên trong nhóm cũng cần phải biết liệu họ đã làm tốt công việc chưa. Do đó, sự thúc đẩy tích cực và những phản hồi mang tính chất xây dựng rất quan trọng.

#2: Quá chú tâm vào kết quả

Một yếu tố quyết định thành bại của doanh nghiệp chính là kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, khi các nhà lãnh đạo đo lường kết quả thông qua các con số định lượng, họ có thể bỏ qua nhiều yếu tố thúc đẩy việc kinh doanh. Dù cho các kết quả này khó xác định hơn.

Ví như, 80% khách hàng và nhân viên đều tin rằng doanh nghiệp có trách nhiệm phải mang tác động tích cực đến xã hội. Các kế hoạch mới tập trung vào trách nhiệm xã hội có thể không mang lại lợi nhuận rõ ràng trong thời gian đầu, nhưng đó là điều mà cả khách hàng lẫn nhân viên đều nhìn vào. Hãy cho nhân viên có cơ hội tham gia hoạt động tình nguyện hoặc cống hiến cho cộng đồng. Hãy ủng hộ cả những thành công không đo lường được như tạo mối quan hệ tốt với khách hàng.

Những việc này không chỉ giúp bạn có nhiều khách hàng hơn, mà còn tăng sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp, giúp thúc đẩy hình ảnh thương hiệu và nhân viên cũng trung thành với người lãnh đạo hơn.

#3: Không thấy sự gắn bó của nhân viên là quan trọng

Sự gắn bó của nhân viên cũng là một điểm quan trọng mà ta khó đo lường được giá trị. Một số lợi ích của việc nhân viên gắn bó như:

- Khi nhân viên hạnh phúc, người ta sẽ có xu hướng gắn bó với doanh nghiệp hơn. Khi khả năng họ nghỉ việc thấp thì công ty sẽ tiết kiệm được chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.

- Khi nhân viên yêu thích công việc của mình, họ thường dễ thăng tiến hơn.

- Khi nhân viên muốn gắn bó với công ty, họ thường làm việc toàn tâm toàn ý hơn và từ đó đem lại kết quả tốt hơn.

Để giảm tỷ lệ nghỉ việc, hãy theo dõi mức độ gắn bó thông qua những cuộc trò chuyện hay các cuộc khảo sát nhân viên. Cùng với đó, hãy tiếp tục theo dõi những người ít gắn kết với công ty, đảm bảo cơ hội thăng tiến và phát triển cho tất cả các thành viên trong nhóm.

#4: Thiếu sự linh hoạt

Các quy trình và chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược của nhà lãnh đạo. Tất cả những điều này giúp họ đề ra và hoàn thành các mục tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng mọi dự đoán kinh doanh đều là những điều không thể chắc chắn.

Đó là lý do tại sao những nhà lãnh đạo giỏi cần phải linh hoạt. Họ không hề e sợ cắt lỗ hay thay đổi hướng đi khi có một kế hoạch không hiệu quả. Những thách thức cũng như vấn đề ngoài ý muốn bất ngờ xảy ra mỗi ngày. Người lãnh đạo cũng cần dự đoán trước tình hình nhưng cũng phải luôn sẵn sáng đối mặt với những vấn đề phát sinh.

Đôi khi yếu tố có lợi nhất của một dự án là khi người lãnh đạo biết biến đổi nó một cách sáng tạo. Hãy luôn khuyến khích sự sáng tạo trong nhóm và cho cấp dưới biết rằng bạn sẵn sang thay đổi hướng đi nếu cần thiết. Tốt nhất bạn cũng nên linh hoạt trong quản lý thời gian làm việc của nhân viên. Trong kinh doanh, luôn có những điều không lường trước đến, trong cuộc sống cá nhân cũng tương tự như vậy. Hãy cảm thông khi cấp dưới cần thêm thời gian hay trễ việc vì lý do cá nhân bất khả kháng. Sự linh hoạt của bạn rồi cũng sẽ được đền đáp xứng đáng bằng lòng trung thành của họ.

Những hành vi nào của lãnh đạo khiến nhân viên bất mãn, giảm năng suất làm việc? - Ảnh 3.

Trong một cuộc khảo sát gần đây, 60% người tham gia nói rằng thà họ tin tưởng một người xa lạ còn hơn tin tưởng sếp mình. Đây là thông tin chắc hẳn khiến bất cứ lãnh đạo nào cũng phải lo ngại. Do vậy, nếu bạn không muốn trở thành người lãnh đạo kém cỏi, đừng cố gắng tìm kiếm các phẩm chất mình cần thay đổi, hãy dừng lại và loại bỏ những hành vi sai lầm mà bạn mắc phải.


Theo Mai Lâm

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên