MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những khoản đóng góp tích cực vào kỷ lục tăng thu ngân sách nhà nước

Những khoản đóng góp tích cực vào kỷ lục tăng thu ngân sách nhà nước

Tới hết tháng 10, có 6 khoản thu ngân sách nhà nước vượt dự toán là khoản thuế thu nhập cá nhân;các loại phí, lệ phí; các khoản thu về nhà, đất; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu quỹ đất công ích và thu khác ngân sách.

Tiếp sau công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính vừa có báo cáo chi tiết hơn về tình hình thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn 10 tháng năm 2022.

Theo Bộ Tài chính, sau 10 tháng, thu NSNN ước đạt 1.464,3 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán, tăng 16,2% so cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, trái với thông thường thu ngân sách có chiều hướng tăng tốc vào giai đoạn cuối năm, theo Bộ Tài chính, thu NSNN đang có dấu hiệu chững lại khi những tháng gần đây, số thu nội địa bình quân liên tục thấp hơn so với tháng liền kề.

Thu thuế bảo vệ môi trường chậm tiến độ, hụt sâu

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 10, thu NSNN ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa ước đạt 110,1 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 37,1 nghìn tỷ đồng so tháng trước; thu từ dầu thô ước đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ mức thu tháng liền kề với giá dầu thanh toán bình quân trong tháng đạt khoảng 95 USD/thùng, cao hơn 35 USD/thùng so giá dự toán; sản lượng dầu ước đạt 700 nghìn tấn.

Cùng với đó, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt gần 32,1 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 500 tỷ đồng so với tháng trước; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 172,3 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 104,3 nghìn tỷ đồng (số thuế gia hạn đã nộp NSNN khoảng 58,4 nghìn tỷ đồng); số tiền miễn, giảm khoảng 68 nghìn tỷ đồng.

Như trên, thu NSNN lũy kế tới hết tháng 10 ước đạt 1.464,3 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán, tăng 16,2% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 103,6% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 103,8% dự toán,

Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 98,4% dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa đạt 96,3% dự toán, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Đến hết tháng 10, đã có 6 khoản thu vượt dự toán là khoản thuế thu nhập cá nhân (đạt 118,1%); các loại phí, lệ phí (đạt 104,2%); các khoản thu về nhà, đất (đạt 126,7%); thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 131,5%), thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (đạt 128,6%) và thu khác ngân sách (đạt 126,1%).

Đáng chú ý, có 2 khoản thu còn chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 65,3% dự toán, bằng 80,7% so với cùng kỳ); thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 77,5% dự toán).

Ngoài ra, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 3 khu vực kinh tế (chiếm 52% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 91,8% dự toán, tăng 2,5% so với cùng kỳ.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 62/63 địa phương thực hiện thu nội địa 10 tháng đạt trên 85% dự toán; 51/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 12 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Đối với thu từ dầu thô, trong 10 tháng, thu từ dầu thô ước đạt 65,5 nghìn tỷ đồng, vượt 132,4% dự toán, tăng 95% so cùng kỳ năm 2021. Giá dầu thanh toán bình quân 10 tháng đạt khoảng 105,8 USD/thùng, tăng 45,8 USD/thùng so với dự toán, tăng 58,1% so với cùng kỳ; sản lượng dầu thô thanh toán đạt 7,12 triệu tấn, bằng 101,7% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ.

Về thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, số thu này ước đạt gần 236,1 nghìn tỷ đồng, bằng 118,6% dự toán, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2021 trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 362 nghìn tỷ đồng, bằng 102,8% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 125,9 nghìn tỷ đồng, bằng 82,3% dự toán.

Những khoản đóng góp tích cực vào kỷ lục tăng thu ngân sách nhà nước - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Tài chính. Thiết kế: Văn Chung

Thu nội địa liên tục sụt giảm

Một điểm đáng chú ý, ở báo cáo này, Bộ Tài chính cho biết, số thu nội địa tháng 10 vẫn tiếp tục có xu hướng giảm. Nguyên do là một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh, thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao do ảnh hưởng của giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, lãi suất, tỷ giá tăng, suy giảm kinh tế trên toàn cầu.

Cụ thể, thống kê ghi nhận, thu nội địa bình quân 5 tháng đầu năm đạt 130,8 nghìn tỷ đồng/tháng, từ tháng 6 đến nay thu bình quân chỉ đạt gần 100 nghìn tỷ đồng. Tới tháng 9, số thu giảm chỉ còn 71,2 nghìn tỷ đồng. Sang tháng tháng 10 không kể các khoản thu kê khai thu theo quý nộp thì số thu chỉ đạt khoảng 70 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, trong cuộc họp tổng kết 3 quý đầu năm, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng đã nêu lên tình trạng thu ngân sách của ngành liên tiếp giảm tốc. Đơn cử, nếu số thu tháng 7 đạt 133.015 tỷ thì sang tháng 8 chỉ còn 105.557 tỷ đồng và đến tháng 9 chỉ còn 79.400 tỷ, tức là đã giảm trên 40% so với thống kê ghi nhận vào tháng 7.

Tại cuộc họp này, Phó tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, để hoàn thành mục tiêu vượt dự toán thu 15,5% như đã đề ra, trong quý 4, mỗi tháng ngành thuế sẽ phải thu khoảng trên 85.000 tỷ đồng, cao hơn mức thực hiện của tháng 9 khoảng 5.500 tỷ đồng/tháng.

Lãnh đạo cơ quan thuế cho rằng điều này cũng là một thách thức khi đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Cụ thể là biến động khó lường từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, tình hình lạm phát và bất ổn kinh tế ở nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta - đều là những điều tác động không thuận đến nhiệm vụ thu ngân sách những tháng cuối năm.

Hơn 11 nghìn tỷ đồng được thu về ngân sách từ thanh, kiểm tra

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 15/10/2022, cơ quan Thuế đã thực hiện gần 53 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 546,3 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó kiến nghị xử lý tài chính 48,35 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 11,56 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ 36,8 nghìn tỷ đồng; đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết 10 tháng là 27,94 nghìn tỷ đồng; xử lý khoanh nợ tiền, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội là 2,41 nghìn tỷ đồng (lũy kế từ ngày 1/7/2020 đến hết tháng 10/2022 gần 34,9 nghìn tỷ đồng).

Tính đến 15/10, cơ quan hải quan đã thực hiện hơn 2,5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu vào NSNN gần 272 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 13,7 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN khoảng 364 tỷ đồng.

Theo Tuấn Việt

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên