MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những khoản tiêu hoang gây sốc của đế chế tiền số vừa sụp đổ: Lấy tiền công ty mua nhà cho nhân viên, chi trăm triệu USD đặt tên sân vận động, giám đốc cấp cao hưởng lợi không xuể

01-12-2022 - 20:11 PM | Tài chính quốc tế

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Một số cựu nhân viên của sàn giao dịch tiền số FTX tiết lộ những đặc quyền mà người làm việc tại công ty được hưởng trước khi phá sản. Nhiều chi tiết khiến ai nghe cũng phải kinh ngạc.

Khi sàn giao dịch tiền số FTX chuyển trụ sở chính từ Hồng Kông (Trung Quốc) đến quần đảo Bahamas vào năm ngoái, các nhân viên đã phát hiện ra rằng Amazon không chuyển đồ đến khu vực này. Họ nhanh chóng tìm một giải pháp thay thế là đặt riêng với một hãng hàng không để vận chuyển đồ đạc từ kho chứa hàng ở Miami.

Trong các cuộc phỏng vấn với nhân viên cũ, chương trình vận chuyển thư và đồ đạc bằng hàng không của FTX là một trong những đặc quyền xa hoa mà công ty của Sam Bankman-Fried dành cho nhân viên trước khi sụp đổ.

Hoạt động chi tiêu xả láng trái ngược hẳn với hình ảnh của một tỷ phú xuề xoà trong ngành tiền số. Bankman-Fried cho biết động cơ của anh trong việc xây dựng FTX thành một tài sản giao dịch tiền số khổng lồ trị giá 32 tỷ USD là để quyên góp từ thiện nhiều nhất có thể.

Tuy nhiên, đằng sau những lời hứa hẹn cao thượng là một môi trường làm việc xa hoa không ngờ. Mọi nhu cầu của nhân viên đều được đáp ứng. Đây cũng là nơi mà một nhóm các giám đốc điều hành cấp cao trong độ tuổi từ cuối 20 đến đầu 30 chi hàng triệu USD cho du lịch, tài trợ thể thao và bất động sản hạng sang.

Theo lời kể của cựu nhân viên và thông tin trong hồ sơ phá sản của tập đoàn Delaware, các công ty tài chính lớn thường thiếu kiểm soát nội bộ. Điều đó đồng nghĩa với việc mọi chi tiêu của FTX hầu như không được kiểm soát.

Một cựu nhân viên cho biết: “Chẳng khác nào những đứa trẻ tự dẫn dắt nhau. Toàn bộ công ty hoạt động kém hiệu quả một cách ngớ ngẩn, nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Cả đời tôi chưa bao giờ thấy nhiều tiền đến như vậy. Tôi nghĩ không ai có nhiều đến thế, kể cả Sam Bankman-Fried”.

Thoả thuận chi 135 triệu USD chỉ để đặt tên cho sân vận động bóng rổ quốc gia tại Miami chính là thứ minh chứng cho thấy văn hoá tiêu xài hoang phí của FTX.

Một số nhân viên đã đặt vấn đề về thoả thuận Miami trong các kênh Slack của công ty. Họ tự hỏi rằng liệu việc đó có thực sự mang lại khách hàng mới hay mang tiền về hay không?

Một cựu nhân viên làm trong mảng marketing đề cập đến các quản lý cấp cao: “Họ chẳng bao giờ giám sát…việc công ty thu về bao nhiêu tiền lãi. Không ai theo dõi xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo khi chúng tôi đã ký kết thoả thuận”.

Người này cho biết Bankman-Fried và các giám đốc điều hành hàng đầu của công ty phớt lờ những lo ngại của nhân viên marketing về giá trị của tiền số. Bankman-Fried hoặc một trong hai giám đốc điều hành khác đã ký duyệt chi hàng trăm triệu USD cho các hợp đồng tài trợ.

Nhân viên này nói: “Mọi thứ thật điên rồ. Chỉ cần Sam nói OK là mọi người sẽ hành động, bất kể số tiền là bao nhiêu”.

Giám đốc điều hành mới của FTX John Ray cho biết ông chưa từng thấy doanh nghiệp nào kiểm soát thất bại hoàn toàn như vậy. Ông cho biết thêm rằng tiền của công ty đã được dùng để mua nhà và đồ dùng cá nhân cho nhân viên và cố vấn của FTX.

“Dường như không có tài liệu nào ghi chép lại những giao dịch này…một số bất động sản đã được những nhân viên và cố vấn đứng tên”, ông nói thêm.

Luật sư của công ty cho biết FTX đã chi ít nhất 300 triệu USD cho bất động sản ở Bahamas. Họ nói rằng hầu hết những giao dịch đó liên quan đến nhà ở và khu nghỉ dưỡng cho các giám đốc điều hành cấp cao.

Danh mục đầu tư bất động sản của FTX bao gồm ít nhất 6 dinh thự trị giá hàng triệu USD tại khu phức hợp sang trọng Albany của Bahamas. Trong đó có cả căn hộ áp mái nơi Bankman-Fried sống cùng với các giám đốc điều hành. Bankman-Fried đã từ chối bình luận về chi tiêu của công ty.

Theo một nhân viên, những ai làm việc ở FTX sẽ được hưởng một số đặc quyền như phục vụ ăn uống 24/24 tại văn phòng ở Bahamas, cửa hàng tạp hoá miễn phí và được sử dụng dịch vụ cắt tóc, mát-xa hai tuần một lần.

FTX cũng cung cấp cho nhân viên làm việc tại Bahamas đầy đủ ô tô và không giới hạn về xăng xe. Công ty cũng chi trả toàn bộ chi phí khi nhân viên đến bất kỳ văn phòng nào khác trên toàn thế giới. Riêng nhân viên FTX tại chi nhánh Mỹ sẽ được cấp 200 USD/ngày để sử dụng dịch vụ giao đồ ăn của DoorDash.

Theo hồ sơ phá sản, quỹ phòng hộ Alameda Research do Bankman-Fried thành lập, cũng nợ Margaritaville Beach Resort ở Nassau 55.319 USD. Đây là khu nghỉ dưỡng do nhạc sĩ người Mỹ Jimmy Buffett thành lập.

Hồ sơ phá sản mô tả hệ thống chi tiêu của FTX vô cùng lộn xộn. Các nhân viên của FTX sẽ gửi yêu cầu thanh toán thông qua một nền tảng tin nhắn trực tuyến. Tại đây, các giám sát viên khác nhau sẽ phê duyệt giải ngân bằng cách thả những biểu tượng cảm xúc.

Công ty của Bankman-Fried cũng gia hạn khoản vay cho các giám đốc điều hành. Công ty thương mại Alameda Research cho Bankman-Fried vay 1 tỷ USD, cho giám đốc kỹ thuật Nishad Singh vay 543 triệu USD và cho giám đốc điều hành Ryan Salame của FTX Digital Markets vay 55 triệu USD. Giám đốc Salame đã mua 4 nhà hàng địa phương ở thị trấn Lenox phía tây Massachusetts, nơi ông lớn lên.

Các cựu quan chức của cửa hàng tiền số cũng vung tiền chi tiêu xa hoa trước khi FTX đệ đơn xin phá sản. Cựu Giám đốc điều hành Sam Trabucco của Alameda đã mua một chiếc du thuyền trước khi từ chức vào tháng 8, chỉ vài tháng trước khi công ty sụp đổ.

Bên trong FTX

Sam Bankman-Fried

Sam Bankman-Fried là con trai của hai giáo sư luật Đại học Stanford. Sau khi tốt nghiệp ngành vật lý tại MIT, Bankman-Fried trở thành trader tại Jane Street. Sau đó, anh rời Phố Wall và dành thời gian ngắn làm việc tại một tổ chức từ thiện.

Nhưng Bankman-Fried nhanh chóng bị chênh lệch giá trên các sàn giao dịch tiền số châu Á thu hút. Anh kiếm được hàng triệu USD nhờ lợi dụng sự kém hiệu quả này thông qua công ty thương mại Alameda Research. Sau đó, Bankman-Fried thành lập FTX

Gary Wang

Gary Wang là Giám đốc công nghệ của FTX và là cổ đông lớn thứ 2. Wang và Bankman-Fried gặp nhau lần đầu tiên tại trường trung học và trở thành bạn cùng phòng ở đại học MIT.

Cựu nhân viên cho biết Wang là một lập trình viên xuất sắc và chắc hẳn có quyền truy cập mọi thứ về công nghệ. Hầu hết mọi dự án đều do Wang bắt đầu nhưng anh không phải người quản lý.

https___d1e00ek4ebabms.cloudfront.net_production_5d03a078-d469-497d-81b2-fbf0e6319341_11zon.jpg

Nishad Singh (trái) và Caroline Ellison (phải)

Nishad Singh

Nishad Singh tốt nghiệp Đại học California và làm việc tại Facebook trước khi gia nhập công ty Alameda Research với tư cách là giám đốc kỹ thuật. Đây là một nhân vật quan trọng hàng đầu đối với Bankman-Fried, người kiểm soát phần lớn việc mã hoá của công ty. Cựu nhân viên cho biết Singh là một người rất hoà đồng, thân thiện và được mọi người yêu mến.

Caroline Ellison

Caroline Ellison tốt nghiệp Đại học Stanford. Ellison gặp Bankman-Fried tại Jane Street trước khi gia nhập Alameda. Ellison chịu trách nhiệm điều hành các hệ thống giao dịch của Alameda. Các nhân viên cũ cho biết Ellison và Bankman-Fried đã có quan hệ tình cảm trong 8 tháng qua.

Theo FT

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên