MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những kịch bản lừa đảo công nghệ cao người dùng cần cảnh giác

11-05-2023 - 10:15 AM | Kinh tế số

Lừa đảo công nghệ cao trong thời gian gần đây đang có xu hướng ngày càng gia tăng và biến hóa với nhiều thủ đoạn tinh vi, phổ biến nhất là hình thức mạo danh thương hiệu thông qua các kênh viễn thông (SMS, Hotline, Email), mạng xã hội (Facebook, Zalo) … để tiếp cận khách hàng và đánh cắp thông tin cá nhân.

Những kịch bản lừa đảo phổ biến

Thông báo Khách hàng trúng thưởng, nhận quà từ các chương trình ưu đãi, hoặc yêu cầu khách hàng truy cập link để nâng cấp tài khoản ngân hàng, nâng hạng hội viên ngân hàng ưu tiên

Thông báo có giao dịch trừ tiền tài khoản ngân hàng, có giao dịch ghi có bị chặn cần cung cấp thông tin.

Cảnh báo tài khoản ngân hàng gặp lỗi/ sự cố/ vấn đề rủi ro. Ví dụ : Tài khoản được đăng nhập ở nơi khác, tài khoản bị khóa/ vô hiệu hóa cần xác thực, tài khoản có nợ cần thanh toán/ dịch vụ mất phí mà Khách hàng không đăng kí.

Những kịch bản lừa đảo công nghệ cao người dùng cần cảnh giác - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các bước lừa đảo

Bước 1: Yêu cầu khách hàng truy cập vào Link được gửi qua SMS/Zalo/Facebook/Email… để đăng kí/ hủy/ thanh toán dịch vụ/xác thực giao dịch …

Bước 2: Dẫn khách hàng truy cập các đường link dẫn đến website/ app giả mạo thường có tiền tố TCB (ví dụ techcombank.vn-ctt.vip; techcombank.com.vn-kps.top) với giao diện được thiết kế tương tự website/ứng dụng ngân hàng chính thống.

Bước 3: Yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng điện tử (username/password/ OTP) để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng/ đánh cắp danh tính, sau đó lấy cắp tiền hoặc sử dụng cho những mục đích trái pháp luật.

Người dùng cần nâng cao cảnh giác

Khách hàng, người dùng cần nâng cao cảnh giác bằng cách chỉ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng được giới thiệu qua các kênh chính thức.

Luôn luôn cảnh giác với những cuộc gọi, tin nhắn, email từ người lạ xưng danh là CBNV ngân hàng, hoặc SMS hiển thị tên thương hiệu ngân hàng nhưng nội dung có chứa các đường link lạ, không đúng với các nguồn chính thức của các ngân hàng, hướng dẫn các dịch vụ không rõ ràng. Các ngân hàng không bao giờ gửi các đường link có nguồn không chính thức tới khách hàng.

Người dùng tuyệt đối KHÔNG thực hiện thao tác theo hướng dẫn từ các số điện thoại lạ gọi đến, KHÔNG  thực hiện giao dịch trên các link website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email… khi chưa xác minh được thông tin chính xác, đặc biệt với các web có tên miền không phổ biến, có các "đuôi" lạ, ví dụ .info, .asia, .vip, .tk, .xyz……kr.top;

Tuyệt đối KHÔNG cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã kích hoạt hay mã xác thực OTP cho bất cứ ai, qua bất kì hình thức liên hệ nào. Các ngân hàng không bao giờ liên hệ Khách hàng để yêu cầu cung cấp mã xác thực OTP;

KHÔNG chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin giao dịch ngân hàng… lên mạng xã hội, các phần mềm chat trực tuyến;

Không sử dụng các phần mềm lưu trữ mật khẩu, không dùng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng điện tử và đăng nhập vào các mạng xã hội;

Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới Doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý.

Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan Công an nơi gần nhất đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật hoặc theo hướng dẫn tại Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ https://bocongan.gov.vn hoặc https://mps.gov.vn ).

Theo Phạm Lê

Vnmedia

Trở lên trên