Điểm danh những cổ phiếu ngân hàng vượt đỉnh lịch sử
Hiện, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh như VCB, BID, ACB, HDB và MBB; hoặc tiệm cận vùng đỉnh lịch sử như CTG và LPB.
- 28-02-2024Triển vọng tươi sáng của cổ phiếu ngân hàng
- 24-02-2024Vì sao cổ phiếu ngân hàng miệt mài tăng giá?
- 23-02-2024Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh sáng 23/2
Cổ phiếu ngân hàng liên tục là tâm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng gần đây khi là nhóm dẫn đầu cả về thanh khoản và mức tăng giá. Tính chung từ đầu năm 2024 đến nay, một loạt cổ phiếu ngân hàng đã tăng 15 - 30%. Trong đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh như VCB, BID, ACB, HDB và MBB; hoặc tiệm cận vùng đỉnh lịch sử như CTG và LPB.
VCB tăng 21% kể từ đầu năm
Trong phiên 28/2, cổ phiếu VCB của Vietcombank bất ngờ tăng trần lên 97.400 đồng/cp và chính thức vượt đỉnh cũ 93.700 đồng ghi nhận vào cuối tháng 7/2023. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 21%, giúp vốn hóa thị trường Vietcombank tăng lên mức kỷ lục hơn 544.000 tỷ đồng.
Với diễn biến trên, Vietcombank tiếp tục củng cố vững chắc ngôi vị số 1 thị trường về giá trị vốn hóa, bỏ xa hai ngân hàng đứng kế sau là BIDV (307.000 tỷ) và VietinBank (193.000 tỷ).
Cổ phiếu Vietcombank bật tăng mạnh mẽ trong bối cảnh Hội đồng Quản trị (HĐQT) ngân hàng này vừa phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 theo nguyên tắc phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, sau khi điều chỉnh và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại chưa phân phối của Vietcombank năm 2022 là 21.680 tỷ đồng. Vietcombank dự kiến dùng toàn bộ khoản lợi nhuận trên để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này sẽ cần được trình lên Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến.
Về kết quả kinh doanh, năm 2023, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 41.244 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với năm 2022.
Với kết quả trên, Vietcombank tiếp tục bỏ xa các "ông lớn" khác như BIDV (27.650 tỷ đồng), MB (26.306 tỷ đồng), Agribank (25.400 tỷ đồng), VietinBank (25.100 tỷ đồng), đồng thời xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản Vietcombank đạt hơn 1,839 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là trên 1,270 triệu tỷ đồng, tăng 10,9%. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 12,2% lên gần 1,396 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở mức 35,2%.
Nợ xấu nội bảng của Vietcombank tại thời điểm 31/12/2023 là 12.455 tỷ đồng, tăng 59,3% so với cuối năm 2022. Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% lên 0,98%; đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 317% xuống còn 230%. Dù vậy, Vietcombank vẫn là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp hàng đầu hệ thống và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất nhì ngành ngân hàng.
BID tăng 24% kể từ đầu năm
Trong tháng 2, cổ phiếu BID của BIDV đã liên tiếp xác lập đỉnh giá mới. Hiện cổ phiếu này đang được giao dịch ở vùng giá 54.000 đồng/cp, tăng hơn 24% so với cuối năm 2024. Với diễn biến trên, vốn hóa BIDV hiện đạt trên 307.000 tỷ đồng, cao thứ hai thị trường chỉ sau Vietcombank.
Cổ phiếu BID tăng mạnh trong bối cảnh BIDV mới đây đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 với việc thông qua việc điều chỉnh thời gian thực hiện chào bán thêm cổ phiếu tại Phương án tăng vốn điều lệ năm 2023. Theo đó, ĐHĐCĐ đã quyết định lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024.
Theo phương án tăng vốn năm 2023, BIDV còn kế hoạch phát hành thêm 455 triệu cổ phiếu theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Ngân hàng chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán, song BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và đến nay chưa thực hiện thành công.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của BIDV đạt gần 27.650 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận BIDV vượt mốc 1 tỷ USD và là mức lãi cao thứ hai trong ngành ngân hàng, chỉ sau Vietcombank (41.244 tỷ đồng).
Tổng tài sản BIDV đến cuối năm 2023 vượt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với hồi đầu năm. Với quy mô tài sản trên, BIDV tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng về quy mô tổng tài sản, bỏ xa các ông lớn trong ngành như VietinBank (2,033 triệu tỷ đồng), Agribank (2 triệu tỷ đồng), Vietcombank (1,839 triệu tỷ đồng).
Trong năm 2023, dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng tới 16,8% - cao hơn nhiều với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng (13,71%) và đạt mức kỷ lục trong lịch sử nhà băng này là 1,778 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng cũng tăng tới 15,7%, lên trên 1,704 triệu tỷ đồng với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở mức 20,2%.
Về chất lượng tài sản, nợ xấu nội bảng của BIDV vào cuối năm 2023 ở mức 22.229 tỷ đồng, tăng 22,9% so với hồi đầu năm. Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,19% lên 1,25%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 210% xuống còn 182%.
ACB tăng 17% trong hai tháng đầu năm
ACB hiện cũng góp mặt trong danh sách những cổ phiếu đang được giao dịch ở vùng giá cao nhất lịch sử. Tính từ đầu năm, thị giá cổ phiếu này đã tăng tổng cộng 17,1%, lên mức 28.000 đồng với vốn hóa đạt gần 109.000 tỷ đồng.
Trong quý 4/2023, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.043 tỷ đồng, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 20.068 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022 và hoàn thành kế hoạch.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt 719.000 tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm. Trong đó, quy mô tín dụng của ACB đạt gần 488.000, tăng 17,9%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Quy mô huy động đến cuối năm 2023 của ACB đạt gần 483.000, tăng 16,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh mẽ, ở mức 22% và đứng TOP 5 về tỷ lệ CASA toàn ngành.
HDB tăng 29% kể từ đầu năm
Sau chuỗi ngày tăng giá liên tiếp và tiến sát mốc 24.000 đồng, cổ phiếu HDB của HDBank đã hạ nhiệt trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, HDB hiện vẫn đang được giao dịch ở vùng giá cao lịch sử, trên 23.000 đồng/cp. Tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã có tỷ suất sinh lời lên đến 29%.
Trong quý 4/2023, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 4.385 tỷ đồng, tăng 94,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận cả năm 2023 đạt 13.017 tỷ đồng, tăng 26,8% so với năm 2022 - thuộc nhóm ngân hàng niêm yết có tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất. Các chỉ tiêu sinh lời gồm ROA đạt 2,0%, ROE đạt 24,2%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của HDBank đạt trên 602 nghìn tỷ đồng, tăng 44,7% so với năm 2022. Huy động vốn đạt 537 nghìn tỷ đồng, tăng 46,5%. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt 353 nghìn tỷ đồng, tăng 31,8%.
MBB tăng hơn 30% trong hai tháng đầu năm
Sau 4 tháng tăng giá mạnh, cổ phiếu MBB của MB hiện đang được giao dịch ở vùng giá cao lịch sử (trên 24.000 đồng). Tính từ đầu năm, thị giá MBB đã tăng tổng cộng gần 31% và là một trong những mã có tỷ suất sinh lời cao nhất trong nhóm VN30.
Năm 2023, với lợi nhuận đạt 26.306 tỷ đồng tương đương mức tăng trưởng trên 15%, MB không chỉ vượt VietinBank, Agribank (trong nhóm Big4) mà còn tạo khoảng cách khá xa với các ngân hàng cổ phần khác.
Động lực tăng trưởng của MB trong năm 2023 chủ yếu đến từ hoạt động cốt lõi với thu nhập lãi thuần tăng 7,4% đạt 38.683 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) cải thiện từ 32,5% xuống 31,5%. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 24,4% xuống mức 6.087 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản MB đạt 944.954 tỷ đồng, tăng 29,7% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay khách hàng trong năm tăng tới 32,7%. Tiền gửi khách hàng tăng 27,9% lên 567.533 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 40,2%, cao nhất toàn ngành.
CTG tăng 33% từ đầu năm, tiến sát đỉnh lịch sử
Cổ phiếu CTG của VietinBank đã bật tăng mạnh mẽ trong 2 tháng đầu năm 2024 và hiện đang được giao dịch ở vùng giá 36.000 đồng. Cổ phiếu này đã tăng 33% tính từ đầu năm và nhiều khả năng sẽ sớm vượt đỉnh lịch sử (36.800 đồng) trong thời gian tới.
Mới đây, Hội đồng Quản trị Vietinbank đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Theo đó, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của VietinBank là 11.648 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại này để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 4/2023, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 7.699 tỷ đồng, tăng 43,4% so với quý 4/2022. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế VietinBank đạt 25.100 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ và hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Ngân hàng đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng lợi nhuận năm vừa qua của toàn ngành.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản VietinBank vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với cuối năm 2022. VietinBank là ngân hàng thứ ba, sau BIDV và Agribank đạt được mốc 2 triệu tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,6% trong năm qua và đạt hơn 1,47 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng VietinBank tăng 12,9%, đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng.
Nợ xấu cuối năm 2023 của VietinBank là 16.608 tỷ đồng, tăng 784 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu được cải thiện, chỉ còn 1,13%, thấp hơn mức 1,24% cuối năm 2022 và 1,37% cuối tháng 9/2023.
LPB còn cách đỉnh chưa đầy 7%
Sau khi phá đỉnh bất thành, cổ phiếu LPB đã có những phiên điều chỉnh trong 2 tuần gần đây. Dù vậy, hiện cổ phiếu này chỉ còn thấp hơn đỉnh lịch sử khoảng 7%. Trước đó, LPB đã có nhịp tăng giá ấn tượng trong năm 2023, từ hơn 10.000 đồng/cp lên gần 16.000 đồng/cp, và tăng thêm 9% trong 2 tháng đầu năm 2024.
Trong quý IV/2023, LPBank báo lãi trước thuế đạt 3.353 tỷ đồng, tăng 287% so với cùng kỳ năm trước. Xét cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế của LPBank đạt 7.039 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022.
Theo giải trình của ngân hàng, kết quả đột biến trong quý IV/2023 đến từ việc đẩy mạnh cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Đồng thời, dịch vụ ngoại hối cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng vọt, cũng như LPBank triển khai nhiều sản phẩm mới, hỗ trợ thu nhập dịch vụ.
Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của LPBank đạt hơn 382.953 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Hoạt động huy động vốn thị trường 1 đạt 285.342 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng đạt 39.686 tỷ đồng với tỷ lệ 16,83%, phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cho phép.