Những ngành dễ mất việc nhất trong "làn sóng sa thải": Bất động sản, xây dựng chưa phải số 1!
Để thích ứng với biến động của thị trường, hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam lựa chọn cắt giảm nhân sự (ở mức cắt giảm dưới 25%), thậm chí có ngành cắt tới 75%, theo báo cáo mới của Navigos Group.
Năm 2023, tình hình thị trường lao động nhuốm một màu xám xịt. Những cú sốc và rủi ro toàn cầu như điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt; sức mua sụt giảm ở các thị trường xuất khẩu; xung đột chính trị; lạm phát; giá tăng… Để đối phó với những thách thức trên, các giám đốc điều hành doanh nghiệp ở nhiều ngành khác nhau đã sa thải gần nửa triệu nhân viên trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của Navigos Group, lấy ý kiến của hơn 4.000 ứng viên đang làm việc tại Việt Nam và hơn 550 doanh nghiệp có quốc tịch đa dạng như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, làn sóng sa thải lan rộng ra rất nhiều lĩnh vực khác nhau: công nghệ, hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính, công nghiệp, truyền thông, chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng thiết yếu, bất động sản, năng lượng, nguyên vật liệu, điện nước... Và ngành chứng kiến tỷ lệ sa thải cao nhất chính là công nghệ, chiếm khoảng 1/3 tổng số nhân sự bị cắt giảm.
Nhiều doanh nghiệp chọn sa thải để thích ứng biến động thị trường
Tại Việt Nam, tương tự những biến động chung của thị trường tuyển dụng thế giới, tình hình lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, có tới 82,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường năm 2023, hơn 68% lựa chọn cắt giảm nhân sự.
Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trải dài trong nhiều ngành hàng, với mức độ bị ảnh hưởng khác nhau, có thể kể đến như: Ngân hàng, vận tải, giao nhận, chuỗi cung ứng, sản xuất có vốn đầu tư của Nhật Bản, tự động hóa, ô tô, xây dựng, bất động sản, thực phẩm và đồ uống, ngành hàng tiêu dùng nhanh, thiết bị điện tử, thương mại điện tử, dịch vụ trực tuyến và công nghệ tài chính.
Để thích ứng với biến động của thị trường, hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam lựa chọn cắt giảm nhân sự (ở mức cắt giảm dưới 25%), thậm chí có ngành cắt tới 75%.
Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự trên diện rộng. Cắt giảm từ 50% đến dưới 75% nhân xảy ra ở hai ngành xây dựng, bất động sản và dịch vụ tư vấn với cùng tỷ lệ là 10% doanh nghiệp. Duy nhất ngành dịch vụ tư vấn có tình trạng cắt giảm trên 75% nhân sự, chiếm 5%.
Đặc biệt, các ngành năng lượng/năng lượng tái tạo và dầu khí; may mặc/dệt may/giày dép và hóa chất… có nguy cơ mất việc làm cao nhất.
Bất chấp những biến động gần đây của thị trường tuyển dụng, Navigos Group vẫn ghi nhận tại Việt Nam hầu hết người lao động vẫn có việc làm ổn định. Song, dù có 69% người lao động không bị sa thải và vẫn làm việc ổn định nhưng tỷ lệ người lao động bị sa thải và không tìm được việc làm mới vẫn tương đối thấp (11,4%).
Về kỳ vọng và mối quan tâm mới của người lao động năm 2024, tiền lương là yếu tố quan trọng nhất đối với người lao động khi tìm kiếm một công việc mới, theo báo cáo. 83,4% lao động cho biết khi tìm kiếm một công việc mới sẽ ưu tiên trước hết là lương và 70% trong đó cho biết đây là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất tới quyết định từ bỏ công việc hiện tại nếu họ không được thỏa mãn bởi công ty.
Báo cáo cũng chỉ ra, trong năm 2024, làm việc linh hoạt đang là xu hướng được nhiều người lao động quan tâm nhất, chiếm 49%. Đồng thời, mối quan tâm đến sức khỏe tinh thần cũng được đề cao khi 43,7% nhân sự lựa chọn ưu tiên cân bằng giữa cuộc sống - công việc. Cùng với đó, người lao động cũng quan tâm đến các yếu tố làm việc từ xa, ứng dụng của AI và trao quyền cho nhân viên.