MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ngày cách ly 2020: Hoá ra, chúng ta có thể sống tốt với ít vật chất và thật nhiều sự sẻ chia!

14-04-2020 - 07:35 AM | Sống

2 tuần sống trong giãn cách xã hội, và tôi nhận ra đâu đó vào giữa tuần thứ 2 rằng nếu mình đeo chiếc kính tích cực vào, sẽ nhìn thấy rằng hoá ra mình đang được sống như những ngày thơ bé.

Khi xem Reply 1988, tôi nhớ mình đã vô cùng ấn tượng ngay từ những phút đầu tiên: cảnh những đứa trẻ trong khu phố than thở với nhau rằng có lẽ cả khu nên xếp bàn ăn chung với nhau đi cho rồi, bởi các bà mẹ cứ không ngừng gửi cho nhau những món ăn tự làm để hàng xóm thưởng thức. Người thì rau sống tươi rói, người thì kim chi tự muối, người thì thịt, người thì gạo. Tôi cũng có một kí ức mơ hồ về những ngày như vậy khi mình còn nhỏ xíu, và cách Reply 1988 làm cảm xúc ấy sống lại một cách mạnh mẽ và gần gũi đã khiến tôi bất ngờ tới rơi nước mắt. Sự xúc động ấy có lẽ đến một phần cũng từ một thực tế không thể chối cãi: thời đại ấy qua rồi. Sẽ chẳng còn bao giờ có cảnh tình làng nghĩa xóm, hay gửi nhau những món ăn chẳng-vì-gì-cả như thế nữa. Cuộc sống khác rồi.

Những ngày cách ly 2020: Hoá ra, chúng ta có thể sống tốt với ít vật chất và thật nhiều sự sẻ chia! - Ảnh 1.

Hoá ra tôi đã không-thể-nào sai hơn. 2 tuần sống trong giãn cách xã hội, và tôi nhận ra đâu đó vào giữa tuần thứ 2 rằng nếu mình đeo chiếc kính tích cực vào, sẽ nhìn thấy rằng hoá ra mình đang được sống như những ngày thơ bé. Chỉ khác là, lần này mình trong vai mẹ Duk Sun! (*)

(*) Nếu bạn xem Reply 1988, có lẽ bạn đã hiểu rồi. Nếu bạn chưa xem, làm ơn hãy dành thời gian giãn cách xã hội này để xem ngay đi. Bạn sẽ không hối hận đâu, tôi đảm bảo.

Một làn sóng của việc trao và nhận. Nghĩa đen.

Mỗi ngày tôi ra khỏi nhà và xuống sảnh chung cư 3 lần, nếu không có gì thay đổi. 

1 lần để nhận những thứ mình mua trong ngày hôm ấy. Rau quả, kẹo bánh, kem chocolate, sách vở, áo quần, nói chung là tất cả những gì giúp tôi hoặc không chết đói, hoặc giết thời gian, hoặc không cảm thấy mình đang dần dần ở nên ngốc nghếch và lạc hậu khi ở nhà quá nhiều.

1 lần để nhận đồ ăn mà ai đó gửi cho mình.

Và 1 lần cuối để gửi đồ ăn mình nấu cho ai đó.

2 lí do cuối này, có lẽ những lần tôi được trải nghiệm từ khi sinh ra tới giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hãy thử lướt Facebook và Instagram của một vài gương mặt đình đám xem. Từ Chi Pu, Sun HT, Châu Bùi, tới Julia Đoàn, Duy Plue, và rất nhiều người nữa. Tôi dám chắc rằng bạn chưa bao giờ thấy làn sóng nấu ăn và gửi tặng món ăn cho nhau chẳng-cần-lí-do xuất hiện, và lại còn mạnh mẽ đến thế này. Cá nhân tôi nhận ra trào lưu này khi vô tình lướt qua Facebook của ông bầu kiêm ông chủ St.319 Entertainment, một doanh nhân chắc hẳn không thiếu việc để làm, và đồng cảm hoàn toàn với status ấy. 

Ai đã tạo nên làn sóng nấu ăn và gửi đồ ăn này? Không lãng mạn như bạn nghĩ đâu.

Tôi nghĩ nó không xuất phát từ một suy nghĩ gì quá sâu sắc hay xúc động. Không, tôi nghĩ làn sóng này xuất phát từ một góc nhìn kinh doanh rất đơn thuần: khi rất nhiều các thương hiệu không được phép hoạt động, họ không chỉ đánh mất doanh thu, mà còn đánh mất hình ảnh của chính mình trong tâm trí khách hàng nếu không còn được liên tục “xuất hiện” trước mắt họ.

Kết quả cho thấy phần lớn các thương hiệu đều đồng tình trên một quan điểm: bất kể làm gì, đều phải lan toả một thông điệp tích cực. Hình ảnh của họ không thể gắn với một hình ảnh tiêu cực hay nổi loạn giữa thời điểm cả thế giới cần chung sức và lạc quan, để sớm vượt qua đại dịch này. Đấy mới là con đường để tồn tại, và sống sót sau khi mọi chuyện qua đi.

Những ngày cách ly 2020: Hoá ra, chúng ta có thể sống tốt với ít vật chất và thật nhiều sự sẻ chia! - Ảnh 2.

Chỉ trong tuần đầu của giãn cách xã hội, tôi đã thấy sự xuất hiện nhen nhúm của những nội dung dạng “tự làm”. Tự tập gym, tự nấu ăn, tự làm ca sĩ ở TikTok, tự nhập vai Marie Kondo ở Insta Story. Những nội dung này nhanh chóng được cấp số nhân ở một tốc độ chóng mặt.

Tập luyện thì ít nhất 2 tuần mới hơi-hơi thấy kết quả. Video TikTok thì nhanh chóng bị chìm nghỉm giữa hàng trăm ngàn người update giống mình (và đẹp hơn mình) mỗi ngày. Dọn dẹp, cắm hoa, trang hoàng nhà cửa và sau đó khoe nhà rồi cũng nhàm, trừ khi mỗi ngày bạn đều thức dậy ở một căn nhà mới.

Chúng ta còn lại gì?

Nấu ăn.

Mỗi ngày một món. Dù thành công hay thất bại cũng đều là một câu chuyện. Dễ ứng dụng, dễ lan toả, và dễ tạo niềm vui cho cả người nấu lẫn người ăn. Những thương hiệu khi thử nghiệm đến đây, đã tìm thấy công thức bất-bại cho chiến lược content mùa đại dịch của mình. Tôi sẽ dạy khách hàng nấu ăn! Và thế là hàng chục, hàng trăm và hàng ngàn nội dung nấu-ăn-dễ-dàng tại nhà liên tục xuất hiện, khiến người vụng về nhất cũng phải nghĩ: dễ thế này chắc mình cũng làm được chứ nhỉ?

Làm thế nào để tích cực? Hãy chia sẻ những điều giúp cho khách hàng “bận rộn” hơn, và tìm quên những tiêu cực mà đại dịch mang tới. Đó là điều mà rất nhiều người trong chúng ta tìm kiếm – những người tự làm chủ việc kinh doanh, những người bị giảm ½ lượng việc văn phòng giờ đây còn phải #workfromhome, và cả những người trẻ chưa có quá nhiều trách nhiệm và gánh nặng. Chúng ta sẽ làm gì với tất cả chỗ thời gian này? Những thương hiệu kinh doanh luôn yêu thích việc giải quyết vấn đề cho bạn – với hi vọng rằng, nhờ thế bạn sẽ nhớ tới người ấy hơn.

Hơn cả một trào lưu, đây chính là câu trả lời nhân văn nhất cho câu hỏi: vào lúc khó khăn, đâu sẽ là động lực mạnh mẽ nhất để bạn tiếp tục làm-người-tốt?

Tôi tìm thấy câu trả lời khi nhìn lại: cũng đã gần 1 tuần rồi tôi không phải nấu bất cứ món nào để ăn, và không ăn bất cứ món nào mình nấu. Hơn cả niềm vui báo cáo Instagram về kết quả nấu nướng của ngày, tôi nhận ra động lực khiến mình thử những công thức mới mẻ chính là suy nghĩ: chắc bạn thân mình sẽ vui lắm khi ăn món ngon thế này!

Những ngày cách ly 2020: Hoá ra, chúng ta có thể sống tốt với ít vật chất và thật nhiều sự sẻ chia! - Ảnh 3.

Tôi tìm thấy chính mình vào lúc 10h sáng, không cần youtube, không cần bất cứ mạng xã hội nào, miệt mài làm bánh cuốn trong suốt 2 tiếng đồng hồ giữa tĩnh lặng tuyệt đối mà không hề nhận ra. Trong suốt 2 tiếng ấy, tôi chỉ nghĩ về việc làm thế nào để bánh cuốn được ngon nhất, và gia đình mình sẽ có một bữa trưa ngon miệng. Có lẽ trong suốt sự nghiệp đi làm tới nay, số lần tôi tập trung cao độ tới vậy cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tôi tìm thấy bản thân nghĩ đi nghĩ lại về cái kết của The Dark Knight từ tròn một thập kỷ trước, khi chiếc thuyền chở đầy tù nhân đã không lựa chọn sự sống ích kỷ cho bản thân mình để cứu những người khác. Tôi đã từng nghĩ rất nhiều lần vì đấy là một bộ phim, nên hẳn nhiên phải có tính nhân văn nhất định. Liệu ngoài đời thực thì sao? Liệu khi gặp khó khăn, người ta có nghĩ cho nhau không?

Sẽ hơi khập khiễng để so sánh việc nấu ăn tặng bạn bè với chuyến tàu sinh mệnh ấy, thế nhưng tôi nhận ra một thực tế rằng: vào thời khắc khó khăn về cả tiền bạc lẫn tinh thần, công việc bị đình trệ và sức khỏe bị đe doạ, thì động lực mạnh mẽ nhất khiến tôi muốn làm một việc tích cực chính là niềm vui của những người xung quanh. Niềm vui làm mọi người vui là một nguồn năng lượng mạnh mẽ và có sức lan toả đặc biệt.

Những ngày cách ly 2020: Hoá ra, chúng ta có thể sống tốt với ít vật chất và thật nhiều sự sẻ chia! - Ảnh 4.

Hầu hết những người nhận đồ ăn từ tôi, đều làm một thứ gì đó và gửi lại cho tôi (cho dù năng lực bếp núc của họ ở trình độ nào). Chúng tôi có lẽ sẽ còn gửi qua gửi lại cho nhau tới khi giãn cách xã hội kết thúc, và có thể là sau đó nữa.

Gần một nửa những người nhận đồ ăn từ tôi, cũng bắt đầu làm tương tự và lan toả tới những người xung quanh họ. Chúng tôi chia sẻ với nhau về niềm vui của việc nấu nướng một cách đơn thuần, và dần quên việc update với đầy đủ hashtag #homecooked, #quarantine, và tag account của nhau trên mọi story.

Có lẽ tôi không cần giải thích bạn cũng hiểu việc ấy khủng khiếp tới mức nào. Vâng, thực sự tôi đã quên việc báo cáo cho Instagram về mọi món ăn mình làm và chỉ nhớ đến việc gửi đi thôi. Một điều gần như không-thể-nào xảy ra nếu không có những ngày tạm nghỉ khỏi guồng quay ganh đua với cuộc sống này.

Rồi sẽ còn lại gì khi tất cả kết thúc? Khi giãn cách xã hội chỉ là chuyện chúng ta hồi tưởng với nhau?

Tôi không biết, và cũng không ai biết trước được.

Có thể chúng ta sẽ nhanh chóng quên đi những gì đang diễn ra, và mọi chuyện sẽ trở về y hệt như cũ.

Có thể chúng ta sẽ rơi ngay vào những lo âu mới, những guồng quay nhanh gấp đôi gấp ba trước đây để bù đắp cho những gì đã mất, và trở nên xa cách nhau hơn nữa.

Cũng có thể chúng ta sẽ tạo nên những thói quen mới, những truyền thống mới, sau khi đã hiểu những niềm vui mới – những niềm vui san sẻ kiểu “già nua” tưởng như đã kết thúc từ thời chúng ta còn nhỏ, và ai cũng còn khó khăn. Hoá ra mình có thể sống thiếu rất nhiều sự chú ý, sự ganh đua và cả những tán dương. Mình hoàn toàn có thể sống đủ với ít vật chất hơn, và nhiều chia sẻ hơn. Và cuộc sống ấy cũng khá tuyệt.

Những ngày cách ly 2020: Hoá ra, chúng ta có thể sống tốt với ít vật chất và thật nhiều sự sẻ chia! - Ảnh 5.

Với cá nhân tôi, tôi rất hy vọng vào điều cuối cùng.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp, và trong thời gian tới đây, đất nước chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thử thách thật sự. Thông điệp mà Chính phủ, Bộ Y Tế và các cơ quan chính quyền địa phương đưa ra, đó là: Người dân nếu không có nhiệm vụ gì, nếu thực sự không cần thiết thì nên ở nhà vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng đang rất cao.

Đứng yên thời điểm này - với tất cả chúng ta, đó là ở nhà. Tôi ở nhà! Tôi thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội. Vì ở nhà lúc này là tự bảo vệ bản thân mình, bảo vệ người thân, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, và bớt đi gánh nặng trên vai Tổ quốc.

Các y bác sĩ trên toàn thế giới đang lan truyền thông điệp "Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi". Là một công dân có ý thức, đặt sự an toàn sức khoẻ lên hàng đầu, hãy cùng nhau lan toả lời kêu gọi #toionha để nhanh chóng đẩy lùi #CôVyĐiĐi các bạn nhé!

Những ngày cách ly 2020: Hoá ra, chúng ta có thể sống tốt với ít vật chất và thật nhiều sự sẻ chia! - Ảnh 7.

Theo Ebe - Design: Đức Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên