MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những “ngôi sao” tỷ đô

Theo Bộ Công Thương, trong 11 tháng qua, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 3,21 tỷ USD, tăng 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2018, ngành điều Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục thành công khi nhu cầu tiêu thụ hạt điều thế giới được dự báo tăng khá cao. Nhiều đơn hàng đã được ký cho đến giữa tháng 4 năm 2018.

Kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả đạt 3,2 tỷ USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Quả là mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu rau hoa quả xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp theo là các sản phẩm rau hoa quả chế biến; rau củ tươi; hoa tươi, các loại lá...

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,6 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đạt mức tăng trưởng trên 20%.

“Dù bị tác động của hàng rào thuế chống bán phá giá, nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với dự kiến. Theo đó, với mức tăng trưởng 21,1%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2017”, Bộ Công Thương nhận định.

Bên cạnh đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm qua, cũng ghi nhận điểm sáng từ các ngành hàng gia công, lắp ráp, với tỷ trọng lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI, tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Dù gặp nhiều hàng rào kỹ thuật và những vấn đề liên quan đến việc chống bán phá giá ở một số thị trường, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. Dẫn đầu phải kể đến nhóm hàng nông sản, thủy sản với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23,5 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thủy sản đến nay đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao của ngành thủy sản. Xuất khẩu gạo cũng ghi dấu ấn khi đạt 5,5 triệu tấn, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2016. Giá trị xuất khẩu cũng tăng 24,9%, đạt 2,5 tỷ USD.

“Dù gặp nhiều khó khăn khi nhiều quốc gia chuyển sang chính sách tự cung tự cấp lương thực, tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn tăng trưởng mạnh nhờ sự chủ động chuyển dịch thị trường từ phía các DN trong nước. Đặc biệt việc mở rộng xuất khẩu gạo tới các thị trường mới như Bangladesh, Irắc… cũng góp phần đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh vượt kỳ vọng trong năm nay”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu phân tích.

Một trong số các nhóm hàng xuất khẩu từ khối DN trong nước được ghi nhận có dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm là nhóm hàng dệt, may với tổng giá trị đạt 23,6 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ sợi là điểm sáng trong xuất khẩu hàng dệt may với mức tăng trưởng mạnh 21,7% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD. Xuất khẩu gỗ cũng góp phần không nhỏ trong việc mang về 6,9 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương và các chuyên gia, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam cho thấy rõ sự chênh lệch rất lớn về vai trò khi đóng góp của khối DN FDI ngày càng lớn và đang dần lấn lướt khu vực kinh tế trong nước. Hiện hơn 70% giá trị xuất khẩu nằm trong tay khối các DN FDI. Dù xuất khẩu nhiều, giá trị thu về khá cao nhưng tỷ trọng đóng góp của các DN trong nước trong chuỗi xuất khẩu của các DN FDI không đáng kể.

“Các DN FDI được hưởng ưu đãi khá nhiều và có đóng góp cho nền kinh tế nhưng xét về sâu xa, việc các DN trong nước không tiếp cận được chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia về lâu dài sẽ khiến cán cân xuất nhập khẩu cũng như phân bổ nguồn lực sản xuất có vấn đề ”, một chuyên gia ngành công thương nói.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên