MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những quốc gia nào có khả năng sẽ gia nhập CPTPP?

Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga… là những ứng cử viên tiềm năng tìm kiếm cơ hội tham gia CPTPP. Tuy nhiên, việc các nước này tham gia cũng đi kèm với một điều kiện quan trọng mà hiện nay CPTPP cũng đang chờ đợi.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết với 11 nước tham gia. CPTPP là một hiệp định tiến bộ, có tính mở cao, là sân chơi của những nền kinh tế thị trường phát triển, một minh chứng rõ nét cho sự phát triển của xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Hoa Kỳ, quốc gia đã từng rút khỏi TPP trước đây, đang có ý muốn quay trở lại. Một số nền kinh tế khác cũng thừa nhận rằng CPTPP là khởi đầu cho xu hướng mở rộng hơn nữa các thị trường mở ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Anh và nhiều nước khác đã bày tỏ thông điệp muốn tham gia CPTPP.

Hậu Brexit, Anh muốn gia nhập CPTPP

Tờ Financial Times hôm 2/1 đưa tin, Anh đã tổ chức nhiều cuộc bàn luận về việc tham gia CPTPP nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sau khi rời Liên minh châu Âu (Brexit). Trả lời phỏng vấn, ông Greg Hands, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Anh, đã khẳng định: "Không có rào cản địa lý nào với những quan hệ đa quốc gia như thế này". Tiếp đến, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox cũng đã có những cuộc đàm thoại không chính thức với đại diện của một số nước thành viên CPTPP, đồng thời là thành viên của Khối Thịnh vượng chung Anh, như Úc và New Zealand.

Rõ ràng, Anh đang chuẩn bị mọi thứ cho kịch bản rời EU, trong đó có lĩnh vực thương mại. Nền kinh tế Anh từ lâu đã phụ thuộc chủ yếu vào thị trường EU, do đó, ngay cả khi Brexit thì Anh cũng khó có thể rời bỏ hoàn toàn thị trường này. Việc Anh muốn gia nhập TPP hậu Brexit cho thấy nước này đang tìm kiếm những hiệp định mậu dịch tự do khác do lo ngại những chính sách cản trở, phân biệt có thể có của EU sau khi Brexit chính thức có hiệu lực vào tháng 3/2019.

Đánh giá về khả năng Anh gia nhập CPTPP, nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA Việt – Mỹ Nguyễn Đình Lương cho rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi thị trường này rất mở. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ mang tính hình thức chứ hiệu quả thực tế sẽ không cao, bởi quan hệ thương mại giữa Anh và TPP11 vẫn còn tương đối nhỏ, cán cân thương mại 2 bên sẽ không có thay đổi nhiều nếu Anh tham gia CPTPP. TPP11 chỉ chiếm chưa tới 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh trong năm 2016, thấp hơn rất nhiều so với Mỹ và EU.

Bên cạnh đó, sẽ có một số cản trở nhất định đối với Anh khi gia nhập CPTPP. Thứ nhất, Anh không thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, liệu CPTPP khi kết nạp những thành viên mới như Anh có phải đổi tên? Và lần này, TPP "toàn diện và tiến bộ" sẽ thay đổi như thế nào?

Thứ hai, CPTPP hiện nay vẫn do Nhật Bản chi phối chủ yếu, nếu Anh tham gia sẽ có tới 4 nền kinh tế lớn với truyền thống văn hóa phụ thuộc Anh (Anh, Canada, Úc và New Zealand), đây là một thách thức lớn cho sự chi phối của Nhật Bản trong khu vực. Do đó, Anh sẽ không dễ dàng được Nhật Bản chào đón.

Thứ ba, Anh cũng là một nền kinh tế lớn, chỉ đứng sau Nhật Bản, là một nước tham gia CPTPP sau, Anh sẽ phải chấp nhận đàm phán với nhiều nhượng bộ thương mại – điều thực sự khó khăn cho Anh vào lúc này.

Cuối cùng, Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật – EU (EPA) đã hoàn tất đàm phán vào tháng 12/2017, dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2019. Nếu Anh muốn lấy CPTPP như một "nước cờ" để thương lượng với EU nhằm đạt được nhiều lợi ích hơn từ các cuộc đàm phán Brexit, Anh chắc hẳn sẽ mất nhiều công sức để thành công.

Nhiều quốc gia cũng muốn gia nhập TPP

Hàn Quốc trước đây đã từng bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập TPP khi có Mỹ. Tưởng chừng khi Mỹ rút khỏi TPP, Hàn Quốc sẽ từ bỏ ý định này. Tuy nhiên, sau khi ông Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ đã khởi động đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Hàn – Mỹ (KORUS) vì cho rằng đây là nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc.

Căng thẳng gia tăng khi Mỹ liên tục áp các mức thuế cao đối với một số mặt hàng nhập từ Hàn Quốc như máy giặt, pin mặt trời … Kết quả, KORUS vẫn chưa tìm được sự đồng thuận dù đã trải qua 2 vòng đàm phán. Do đó, Hàn Quốc đang cân nhắc khả năng tham gia đàm phán CPTPP.

Trong khu vực ASEAN, CPTPP được cho là sẽ đối đầu với lợi ích của nhiều nước ASEAN, khi các nền kinh tế lớn như Nhật Bản hay Canada có thể sẽ chuyển hướng thương mại từ các nước không tham gia như Indonesia, Philippines sang các thành viên CPTPP để được hưởng lợi từ các ưu đãi của Hiệp định. Do đó nhiều nước ASEAN cũng đang xem xét khả năng gia nhập CPTPP trong thời gian tới.

Vừa qua, ông Somchai Swangkarn, phát ngôn viên của Hội đồng Lập pháp Quốc gia Thái Lan (NLA), cho biết Thái Lan đang cân nhắc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trước đây Thái Lan, Philippines hay Indonesia đều đã từng bày tỏ ý định gia nhập TPP nhưng sự rút lui của Mỹ đã khiến các quốc gia này phải suy nghĩ lại.

Cao Cường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên