MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những quốc gia nghèo nhất loay hoay với "núi nợ" khi lãi suất tiếp tục neo cao

15-12-2023 - 11:00 AM | Tài chính quốc tế

Những quốc gia nghèo nhất loay hoay với "núi nợ" khi lãi suất tiếp tục neo cao

Phố Wall đã từng khuyến khích các quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á vay nợ. Tới nay, lãi suất liên tục giữ ở mức cao đang khiến chuyện giải quyết các khoản vay trở nên “đau đầu” hơn bao giờ hết.

Khủng hoảng nợ

Tại khách sạn Pierre sang trọng ở Manhattan vào một buổi sáng cuối tháng 9, Adebayo Olawale Edun, Bộ trưởng Tài chính Nigeria, đang cố gắng xoa dịu nỗi lo lắng của các chủ ngân hàng Phố Wall. Bên cạnh chiếc bàn bày đĩa bánh sừng bò và nước cam ép tươi, ông cam kết rằng đất nước của ông sẽ cắt giảm chi tiêu và thu thêm thuế để trả các khoản nợ khổng lồ cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tài liệu cho thấy khoản thanh toán nợ năm 2022 của Nigeria, tương đương 7,5 tỷ USD, đã vượt doanh thu của nước này tới 900 triệu USD. Nói cách khác, nước này đã vay nhiều hơn chỉ để tiếp tục trả những gì nó đã nợ.

Một cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra trên khắp các nước đang phát triển khi những quốc gia nghèo nhất thế giới này vay tiền trong cả thập kỷ vừa qua. Vào năm 2024, những quốc gia thuộc “thị trường cận biên” sẽ phải hoàn trả khoảng 200 tỷ USD trái phiếu và các khoản vay khác. Trái phiếu do Bolivia, Ethiopia, Tunisia và hàng chục quốc gia khác phát hành đều đã vỡ nợ hoặc đang giao dịch ở mức cho thấy các nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho việc họ không thể thanh toán.

Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng vì các nước này có thị trường nội địa nhỏ và phải nhờ đến các tổ chức cho vay toàn cầu để có tiền chi tiêu cho bệnh viện, đường sá, trường học và các dịch vụ quan trọng khác. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tuyên bố giữ lãi suất của Mỹ ở mức cao trong thời gian dài, thị trường nợ vốn từng sôi động tại các quốc gia này trở nên cạn kiệt, khiến họ không thể vay nhiều hơn và làm tăng thêm nhiều rủi ro liên quan đến lãi suất vào năm 2024.

Những quốc gia nghèo nhất loay hoay với

Sonja Gibbs, giám đốc điều hành của Viện Tài chính Quốc tế, đại diện cho các ngân hàng tư nhân và trung ương, nhà quản lý đầu tư, công ty bảo hiểm và những người khác trong ngành, nói: “Lãi suất toàn cầu cao hơn đáng kể và việc khuyến khích đầu tư vào những thị trường này đang gặp thách thức khi nhà đầu tư có thể nhận được 4% hoặc 5% từ Kho bạc của Mỹ.”

Một loạt cú sốc toàn cầu đã gây ra cuộc khủng hoảng. Trong đại dịch Covid-19, các nước giàu in tiền để kích thích kinh tế; trong khi những nước nghèo phải vay mượn để duy trì nền kinh tế của họ. Chính sách kiếm tiền dễ dàng ở thế giới các nước giàu đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư vui vẻ cho vay với lãi suất cao hơn. Sau đó, các nước nghèo phải đối mặt với chi phí nhập khẩu lương thực tăng mạnh do chiến tranh tại Ukraine, kết hợp với lạm phát toàn cầu tăng vọt.

Chất lượng sống sụt giảm

Mọi thứ dường như trở nên tồi tệ vào cùng một lúc. Nếu tính cả khoản vay của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình, khoản nợ của 42 quốc gia mà Viện Tài chính Quốc tế coi là các thị trường cận biên đạt 3,5 nghìn tỷ USD vào năm 2023, một kỷ lục mới và nhiều gấp đôi so với một thập kỷ trước.

Để duy trì khả năng thanh toán, nhiều chính phủ trong số này đang cắt giảm chi tiêu khi các khoản thanh toán nợ tiêu tốn ngân sách của họ. Theo Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc, hiện có khoảng 3,3 tỷ người - khoảng một nửa dân số thế giới - đang sống ở các quốc gia dùng tiền vay nợ để chi trả cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Ở những nơi như Gabon, nơi Tổng thống Ali Bongo Ondimba bị lật đổ trong cuộc đảo chính hồi tháng 8, ngân sách eo hẹp đang dẫn đến biến động chính trị. Penelope Hawkins, nhà kinh tế cấp cao của cơ quan thương mại Liên Hợp Quốc, cho biết: “Nếu đây là thế giới phát triển, chúng ta đã gọi đây là cuộc khủng hoảng nợ rồi”.

Không giống như Mỹ và các quốc gia khác phát hành nợ bằng đồng tiền của mình, các nước cận biên không thể giảm bớt gánh nặng do lạm phát bằng cách in tiền. Họ thường phát hành khoản nợ phải trả bằng tiền của quốc gia khác thông qua trái phiếu châu Âu.

Mattias Martinsson, đối tác và giám đốc đầu tư tại Tundra Fonder AB của Thụy Điển, nơi quản lý các quỹ cổ phần dành riêng cho các thị trường cận biên, cho biết: “Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 30 năm qua đối với các quốc gia này. Những thị trường như vậy không được tạo dựng theo cách có thể quản lý việc phát hành trái phiếu euro theo những chu kỳ như thế này.”

Trong khi đó, người dân tại các nước như Nigeria trở nên mất kiên nhẫn với chính sách thắt lưng buộc bụng cần thiết để theo kịp các khoản thanh toán lãi vay. Theo tổ chức dân sự BudgIT, có trụ sở tại Lagos, quốc gia đông dân nhất châu Phi này chi tiêu ít hơn cho việc chăm sóc sức khỏe trong tỷ lệ ngân sách so với một thập kỷ trước.

Những quốc gia nghèo nhất loay hoay với

Tỷ lệ tử vong các bà mẹ tại quốc gia này - 1.047 trên 100.000 ca sinh - là một trong những tỷ lệ tồi tệ nhất thế giới, cao hơn 30 lần so với Mỹ. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là chẩn đoán muộn về tiền sản giật, một biến chứng thai kỳ được đánh dấu bằng huyết áp cao và tổn thương thận.

Tại một bệnh viện công ở Lagos, một y tá nhi khoa giấu tên cho biết cô chăm sóc tới 20 trẻ sơ sinh cùng một lúc, gấp khoảng 5 lần so với khuyến nghị. Y tá cho biết các trường hợp trẻ sơ sinh tử vong trong bệnh viện chủ yếu là vì thiếu nhân lực chăm sóc và thiếu oxy, năng lượng và nhiên liệu cho máy phát điện dự phòng.

Đi tìm giải pháp

Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Liên bang Nigeria gọi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bà mẹ là “mối lo ngại lớn” đối với chính phủ, nói rằng nguyên nhân chủ yếu “xuất phát từ cơ sở hạ tầng y tế kém do năng lực tài chính và nguồn lực hạn chế”. Chính phủ có kế hoạch ưu tiên tài trợ cho các lĩnh vực quan trọng, bao gồm tiêm chủng, sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em, đồng thời tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2024.

Trong khi đó, Pakistan đang chi trả tới 28 tỷ USD mỗi năm cho tiền lãi suất, nhiều gấp 8 lần chi phí cho chăm sóc y tế. Chính phủ không đủ tiền mua xe cứu thương nên cộng đồng phải dựa vào các dịch vụ tư nhân. Ở Badin, một vùng nông thôn ở miền nam Pakistan, cơ sở địa phương không có đủ tiền để thuê bác sĩ phẫu thuật tim tại một bệnh viện được trang bị bàn phẫu thuật và máy khử rung tim hiện đại.

Theo một nghiên cứu năm 2022 của Hội đồng Chống Tham nhũng Quốc gia, một tổ chức phi chính phủ ở Honduras, các bệnh viện có tuổi đời trung bình từ 50 đến 80 tuổi đã rơi vào tình trạng xuống cấp, trần nhà sập, nước rò rỉ, tường hư hỏng và bị chuột xâm nhập. Hệ thống này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ và thiết bị cũng như các cuộc đình công của nhân viên y tế.

Tổng thống Honduras Xiomara Castro đã gọi các khoản thanh toán nợ khổng lồ của nước này là “khủng khiếp và ngột ngạt”.

Hiện nay, lãi suất tăng và lạm phát đã bộc lộ rủi ro trên các thị trường cận biên. Tiền giấy của Bolivia đã mất hơn 1/3 giá trị vào năm 2023, trong khi Ethiopia cho biết họ sẽ không thể thanh toán lãi đến hạn vào ngày 18/12 tới.

Olusegun Olutoyin Aganga, cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, bày tỏ quan điểm hoài nghi hơn về việc nợ tiền nước ngoài. Ông nói: “Người dân châu Phi nói rằng hệ thống tài chính toàn cầu đang thiên về Mỹ”. Ông Aganga nhớ lại một cách tiếc nuối những ngày Phố Wall mong muốn có thêm các khoản nợ từ các nước nghèo. “Bây giờ mọi thứ đều ngược lại,” ông nói. “Lạm phát và lãi suất cao trên toàn cầu, và các thị trường cận biên - đặc biệt là ở Châu Phi - đang gặp khó khăn”.

Tất Đạt

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên