MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 29/7 – 2/8

29-07-2024 - 09:47 AM | Tài chính quốc tế

Sắp tới là một tuần quan trọng đối với các ngân hàng trung ương, khi các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ, Nhật Bản và Anh đều xem xét chính sách lãi suất trong bối cảnh thị trường lo ngại về việc thu nhập của các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ tăng quá nhanh.

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 29/7 – 2/8- Ảnh 1.

Dưới đây là những sự kiện tài chính quan trọng sẽ diễn ra trên thế giới trong tuần 29/7 – 2/8:

1/ Ẩn số tháng 9

Đợt bán tháo mạnh trên các thị trường trong những ngày gần đây có liên quan tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành kỳ họp tháng 7 (kết thúc vào thứ Tư, 31/7).

Những lo ngại còn đó của Fed về nền kinh tế Mỹ có thể khiến các nhà đầu tư - vốn đã lo lắng về tình trạng cổ phiếu các công ty công nghệ biến động hỗn loạn – có thêm một lý do nữa để lo lắng. Hiện tại, các nhà đầu tư tin rằng thời điểm Fed nới lỏng chính sách tiền tệ đang đến gần:

Thị trường hiện dự kiến trên 90% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới, sau khi có nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát của Mỹ đang hạ nhiệt và thị trường việc làm suy yếu.

Dữ liệu việc làm của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày 2/8, sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm cơ sở để xác nhận nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, thúc đẩy kỳ vọng Fed cần nhanh chóng nới lỏng chính sách lãi suất. Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ra khoảng 185.000 việc làm trong tháng 7, so với 206.000 việc làm trong tháng 6.

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 29/7 – 2/8- Ảnh 2.

Dữ liệu việc làm ở Mỹ.

2/Cổ phiếu công nghệ tăng quá nóng

Các nhà đầu tư bắt đầu hoảng sợ về việc phải đối mặt với một ‘bãi mìn’ về thu nhập của các công ty công nghệ lớn. Nếu kết quả kinh doanh của họ là các khoản lỗ, bán tháo nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Dự kiến Microsoft sẽ báo cáo kết quả thu nhập vào thứ Ba (30/7), tiếp theo là Meta, công ty mẹ của Facebook, vào thứ Tư (31/7) và Apple và Amazon vào thứ Năm (1/8). Những con số đáng thất vọng có thể sẽ làm bùng phát trở lại những lo ngại - đã gây ra đợt bán tháo mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Mỹ vào thứ Tư tuần qua (24/7), khi cả S&P 500 và Nasdaq đều trải qua phiên tồi tệ nhất kể từ cuối năm 2022.

Việc cổ phiếu của các công ty công nghệ tăng vọt có thể đã đặt ra kỳ vọng rằng kết quả thu nhập của họ phải tăng rất mạnh. Thu nhập của Alphabet, công ty mẹ của Google, là một trong những tác nhân gây ra đợt bán tháo gần đây. Hãng này đã báo cáo doanh thu tốt hơn dự kiến, nhưng các nhà đầu tư ngày càng cảnh giác rằng việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng AI có thể làm giảm biên lợi nhuận, khiến cổ phiếu giảm 5% giá trị gần đây.

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 29/7 – 2/8- Ảnh 3.

Chứng khoán Mỹ.

3/ Lãi suất của Nhật liệu có tăng?

Thị trường đang đồn đoán rằng Ngân hàng Nhật Bản có thể tăng lãi suất vào thứ Tư (31/7) sau khi các chính trị gia cấp cao của nước này - bao gồm cả Thủ tướng – bóng gió về nhu cầu bình thường hóa chính sách trong ngắn hạn.

Chính sách tiền tệ của Nhật Bản đang là trọng tâm của các cuộc thảo luận. Việc đồng yên yếu đã ‘bóp nghẹt’ các hộ gia đình và các doanh nghiệp Nhật Bản, khiến cho tỷ giá hối đoái sẽ trở thành vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của đại hội lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, vào tháng 9.

Trên thực tế, đồng tiền này đã phục hồi với mức tăng đáng kinh ngạc là 10 yên cho một đô la từ mức thấp nhất trong ba thập kỷ vào đầu tháng 7. Nhưng điều đó cũng không đủ để ngăn cản một số người dự đoán về việc Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) sẽ tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 7.

Họ lập luận rằng BOJ có thể tận dụng tối đa số tiền bỏ ra bằng cách tăng giá trị đồng yên. Trong khi đó, những người khác thì lo ngại rằng nền kinh tế mong manh và tâm lý tiêu dùng yếu kém không thể chịu được chi phí vay tăng lên, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại cũng có hiệu ứng lan tỏa tới các nền kinh tế khác trên thế giới.

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 29/7 – 2/8- Ảnh 4.

Lãi suất của Nhật Bản.

4/ Lãi suất của Anh sẽ ra sao?

Ngân hàng Anh (BOE) sẽ họp vào thứ Năm (1/8) và hiện tại, thị trường thấy có khoảng 48% khả năng lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020.

Tăng trưởng khiêm tốn và lạm phát tiêu dùng ở Anh đã trở lại mức 2%. Tuy nhiên, tăng trưởng tiền lương và lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn dai dẳng và cao hơn nhiều so với mong muốn của một số nhà hoạch định chính sách của BOE.

Clare Lombardelli, Phó Thống đốc mới của BOE, có thể nắm quyền quyết định, vì tám thành viên khác của Ủy ban Chính sách Tiền tệ đang chia đều quan điểm về việc giữ nguyên hay cắt giảm.

Người tiêu dùng Anh có thể đang cảm thấy áp lực của việc lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 14 năm, nhưng các ngân hàng Anh chắc chắn đã được hưởng lợi nhiều. Thị trường sẽ theo dõi kết quả thu nhập của các ngân hàng HSBC, Barclays và Standard Chartered để biết được khả năng họ sẽ xoay xở tốt như thế nào khi chi phí đi vay và lợi nhuận họ kiếm được từ đó bắt đầu giảm.

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 29/7 – 2/8- Ảnh 5.

Lạm phát ở Anh đã giảm nhưng lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ vẫn cao.

5/ Giá vàng liệu có lập kỷ lục mới vì Ấn Độ?

Mức chênh lệch giá vàng tại Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới và là nước nhập khẩu lớn trên thế giới, tuần qua đã đạt cao nhất trong một thập kỷ sau khi Chính phủ nước này cắt giảm thuế nhập khẩu khiến nhu cầu vàng tăng đột biến.

Theo đó, các đại lý Ấn Độ tính giá vàng + 20 USD/ounce so với giá niêm yết chính thức, mức cao nhất kể từ 2014 – bao gồm 6% thuế nhập khẩu và 3% thuế bán hàng. Chỉ một tuần trước đó, giá còn thấp hơn 64 USD so với giá chính thức.

Giá vàng tại Ấn Độ hôm thứ Sáu vào khoảng 67.750 rupee/10 gram, sau khi đạt mức cao kỷ lục là 74.777 rupee vào đầu tháng này.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu, các đại lý chào giá từ trừ + 10 USD đến – 2 USD so với giá vàng giao ngay trên thị trường London, vẫn quanh mức thấp nhất trong vòng 2 năm.

Giá vàng giao ngay tại London tuần qua đã lập kỷ lục mới trong lịch sử, 2.430,37 USD/ounce vào sáng thứ Tư (24/7).

Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 29/7 – 2/8- Ảnh 6.

Giá vàng thế giới.

Tham khảo: Reuters


Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên