Những sự kiện tuần 16-20/10: Các công ty siêu lớn ra báo cáo quý 3; giá dầu vẫn “nóng” bỏng
Địa chính trị là mối quan tâm lớn nhất của mọi người kể từ khi nổ ra xung đột giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas. Tuần tới, ngoài địa chính trị, thị trường sẽ chờ đợi một số dữ liệu kinh tế khác đến từ Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
- 15-10-2023Ngân hàng tuần qua: Lãi suất huy động và liên ngân hàng giảm mạnh, NHNN tăng cường độ hút tiền
- 15-10-2023Quốc gia EU mua lượng khí đốt kỷ lục của Nga bất chấp cả khối cam kết giảm phụ thuộc năng lượng vào Moscow
- 15-10-2023Trả cả tỷ USD cho các CEO nhưng 3 ông lớn xe hơi Mỹ "mặc cả từng đồng" trước đòi hỏi quyền lợi của công nhân
Một số dữ liệu tuần tới có thể chứng minh rằng cả các hộ gia đình và các doanh nghiệp Mỹ đều đang trụ vững trong môi trường vĩ mô không chắc chắn. Đó là báo cáo từ một số công ty lớn nhất thế giới về kết quả thu nhập. Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế sẽ cho thấy bức tranh về tăng trưởng, tiền lương và chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ, Trung Quốc và Vương quốc Anh.
Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý nhất trong tuần 16 – 20/10:
1/ Kết quả thu nhập của các công ty vốn hóa siêu lớn
Một số công ty lớn của Mỹ sẽ báo cáo kết quả thu nhập quý 3, với dự kiến tăng trưởng lợi nhuận từ giữa năm đã gia tăng sau nửa đầu năm ảm đạm.
Tesla sẽ báo cáo vào ngày 18/10, là công ty khởi đầu trong chuỗi các báo cáo thu nhập quý 3 của các megacaps (các công ty có vốn hóa siêu lớn). Cổ phiếu của các công ty này là động lực chính thúc đẩy đợt tăng giá cổ phiếu năm 2023.
Bank of America và Goldman Sachs sẽ cùng báo cáo vào ngày 17/10. Các đối thủ nặng ký khác bao gồm gã khổng lồ chăm sóc sức khỏe Johnson & Johnson, báo cáo vào ngày 17/10, Netflix vào ngày 18/10 và Philip Morris International vào ngày 19/10
Về dữ liệu kinh tế, số liệu doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 9, công bố vào thứ Ba (17/10), sẽ cho thấy bức tranh về sức mua của người tiêu dùng. Các nhà đầu tư đang muốn xác định xem liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tránh được việc hạ cánh cứng hay không? Doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 8, tăng hơn dự kiến do giá xăng tăng cao, đã thúc đẩy doanh thu tại các trạm dịch vụ.
2/ Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc chưa thoát khỏi ‘bóng ma’ vỡ nợ
Đồng hồ đang điểm nhanh đối với nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Country Garden – công ty có thời hạn đến thứ Ba (17/10) để đáp ứng các khoản thanh toán lãi suất cho toàn bộ khoản nợ nước ngoài gần 11 tỷ USD, nếu không muốn rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Không chỉ Country Garden, các công ty chiếm 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc đã vỡ nợ kể từ năm 2021, khi cuộc khủng hoảng thanh khoản xảy ra trong lĩnh vực chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế nước này
Bắc Kinh gần đây đã triển khai một loạt biện pháp nhưng không có tác động nhiều đến doanh số bán nhà.
Có nguồn tin cho rằng chính phủ đang tìm cách tăng thâm hụt ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu 5% trong năm nay.
Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy một số lĩnh vực kinh tế Trung Quốc đã qua giai đoạn tồi tệ nhất. Các dữ liệu công bố vào thứ Tư (18/10) có thể xác nhận điều đó, bao gồm bố số liệu về GDP, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ.
3/ Thị trường dầu vẫn nóng bỏng
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji hôm thứ Sáu nhận định giá dầu có thể sẽ đạt 100 USD/thùng do tình hình hiện tại ở Trung Đông. Xung đột ở Trung Đông có khả năng lan rộng khi Israel bắt đầu các cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza nhằm tiêu diệt tận gốc các chiến binh Hamas.
Giá dầu tuần qua đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 2, với dầu Brent tăng 7,5% lên 90,89 USD/thùng vào thứ Sáu (13/10), trong khi dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 5,9% lên 87,69 USD/thùng.
Cuộc xung đột ở Trung Đông ít ảnh hưởng đến nguồn cung dầu khí toàn cầu và Israel không phải là nhà sản xuất lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư và nhà quan sát thị trường đang đánh giá xem liệu cuộc xung đột này có thể leo thang như thế nào và có thể có ý nghĩa gì đối với nguồn cung từ các quốc gia lân cận trong khu vực sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
Xung đột Israel-Hamas đã làm dấy lên lo ngại rằng giao tranh có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất năng lượng trong khu vực. Trung Đông chiếm hơn 1/3 thương mại đường biển toàn cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế hôm thứ Năm mô tả các điều kiện thị trường là “đầy bất ổn”.
Căng thẳng trên thị trường dầu mỏ có thể còn gia tăng hơn nữa nếu Mỹ thắt chặt thực thi các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran do bất kỳ vai trò nào của nước này trong cuộc xung đột – điều sẽ khiến nguồn cung dầu của Iran có thể giảm.
Ngoài ra, hôm thứ Năm (12/10), Mỹ có động thái nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với các chủ tàu chở dầu của Nga chở dầu có giá cao hơn mức trần giá 60 USD/thùng do nhóm G7 áp đặt. Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và là nhà xuất khẩu lớn, nên việc Mỹ giám sát chặt chẽ hơn các chuyến hàng của nước này có thể làm giảm nguồn cung.
4/ Lĩnh vực ngân hàng châu Âu có thu nhập lớn
Những đám mây đen bắt đầu bao phủ các cổ phiếu ngân hàng châu Âu khi lực đẩy từ lãi suất tăng giảm dần và rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng, nhưng một số nhà đầu tư lớn vẫn đang bám vào cổ phiếu.
Các ngân hàng từ lâu đã hoạt động kém hiệu quả trên thị trường chứng khoán chính của khu vực. Và ngay trước mùa báo cáo thu nhập hàng quý - vào tuần tới, cổ phiếu các ngân hàng châu Âu đang có tỷ suất cổ tức gần 8%, tức là rẻ hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Các ngân hàng đã có lợi nhuận lớn từ việc tăng chi phí cho vay theo xu hướng lãi suất của ngân hàng trung ương. Dự báo của các nhà phân tích, theo kết quả khảo sát của công ty quản lý tài sản Châu Âu Amundi thực hiện, cho thấy các ngân hàng châu Âu dự kiến sẽ tăng thu nhập thêm 25% trong năm nay, sau đó sẽ tăng 6% vào năm 2024.
5/ Các số liệu quan trọng từ Vương quốc Anh
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã liên tục đánh giá sai về dữ liệu lạm phát trong nhiều tháng. Gần như suốt từ đầu năm đến nay, lạm phát của Anh đều cao hơn kỳ vọng, và cao hơn nhiều so với dự báo của chính ngân hàng trung ương. Đột nhiên vào tháng 8, lạm phát chậm hơn dự kiến. Nhiều người tin rằng dữ liệu đó đã thúc đẩy BoE giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp gần đây nhất.
Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của BoE và mức tăng trưởng không thực sự xuất sắc. Trong khi đó, dữ liệu gần đây nhất cho thấy thị trường lao động bắt đầu hạ nhiệt, nhưng lương cơ bản lại tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử - khiến kế hoạch hạ nhiệt lạm phát của BoE càng trở nên khó khăn hơn.
Những bất ngờ từ Vương quốc Anh dự kiến sẽ đến vào các ngày 17 và 18/10, khi dữ liệu việc làm và lạm phát lần lượt được báo cáo, có thể tạo ra một tình cảnh khó xử cho cuộc họp tháng 11 của BoE hơn hai tuần sau đó.
Tham khảo: Refinitiv
Nhịp sống thị trường