MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những xu thế và cơ hội đầu tư - kinh doanh cần nắm bắt ngay sau đại dịch Covid-19

27-04-2020 - 08:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS. Cấn Văn Lực, có ít nhất 6 xu thế chính và 4 nhóm cơ hội đầu tư - kinh doanh quan trọng trong thời gian tới cần đặc biệt lưu ý.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
290 bài viết

Việt Nam đã có được những thành công ban đầu trong phòng chống đại dịch Covid-19 và đang lên kế hoạch nới lỏng cách ly xã hội, khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Bối cảnh dịch bệnh hiện nay và sau đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều xu thế và cơ hội đầu tư – kinh doanh mới trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Về xu thế đầu tư – kinh doanh sau đại dịch, có thể nhận thấy 6 xu thế chính. 

Một là, xu thế đầu tư vào những tài sản an toàn hơn: bối cảnh dịch bệnh làm tăng rủi ro, bất định; và vẫn còn tiềm ẩn rủi ro ít nhất là hết năm 2020 do một số quốc gia chưa xác định rõ đỉnh dịch, diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp; khiến chỉ số đo lường rủi ro thị trường (VIX) tại thị trường chứng khoán phái sinh tại Chicago (Mỹ) tăng 177% từ đầu năm đến nay. Theo đó, nhà đầu tư thực hiện chiến lược đa dạng hóa, quan tâm nhiều hơn đến vàng (giá vàng thế giới tăng khoảng 12% tính từ đầu năm 2020), mua trái phiếu Chính phủ Mỹ, khiến giá trái phiếu này tăng lên, đồng nghĩa với lợi tức trái phiếu giảm mạnh (-87% đối với loại trái phiếu thời hạn 2 năm và 67% đối với trái phiếu thời hạn 10 năm)…v.v.

 Hai là, xu thế mua-bán, sáp nhập (M & A) tăng với lý do chính là đại dịch Covid-19 khiến nhiều công ty phá sản hoặc chứng kiến giá cổ phiếu giảm sâu, trong khi một số công ty tích trữ tiền mặt, hoạt động vẫn tốt và sẵn sàng mua lại các công ty khác. Một số lĩnh vực chứng kiến xu thế M & A mạnh bao gồm ngành công nghiệp ô tô, bán lẻ, hàng không (hãng Virgin Australia vừa tuyên bố phá sản tự nguyện ngày 21/4/2020 và đang chờ giải cứu hoặc mua lại)…v.v. Theo khảo sát của E&Y trước dịch COVID-19, tỷ lệ các công ty dự kiến tích cực tham gia M&A trong năm 2020 là 59% so với con số hiện tại là 54%, cho thấy phần lớn công ty sẽ không thay đổi kế hoạch hoạt động M&A của mình và sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. 

Ba là, xu thế cắt giảm chi phí và nhân sự: số liệu của Bloomberg cho thấy các công ty đã và đang thực hiện cắt giảm chi phí và nhân sự một cách quyết liệt. Tại Canada, khoảng 1 triệu người mất việc. Tại Mỹ, trong vòng 5 tuần qua kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã có đến 26 triệu người lao động xin trợ cấp thất nghiệp, trong số này một phần đáng kể là bị mất việc làm; khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể lên đến 11% trong tháng 5/2020 (cao hơn mức 9,5% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, theo CitiResearch). Số liệu cũng cho thấy những ngành như hàng không, bán lẻ, sản xuất công nghiệp, du lịch, nhà hàng… đã cho nhiều nhân viên nghỉ việc tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong khi đó, các công ty cung cấp hàng hóa thiết yếu, thực phẩm (như Walmart, Domino Pizza, thương mại trực tuyến…) lại đang tuyển dụng một lượng nhân sự lớn do nhu cầu (nhất là thương mại điện tử) tăng cao. Xu thế cắt giảm nhân sự được kỳ vọng là sẽ giảm dần sau dịch bệnh, khi các nhà máy, doanh nghiệp trở lại làm việc, nhưng chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong năm 2020-21.

Bốn là, xu thế kinh doanh số: đại dịch Covid-19 đã khiến các tổ chức, doanh nghiệp nhìn nhận lại về cách thức vận hành (như họp trực tuyến, làm việc tại nhà, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến…). Thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã nhận ra được tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhưng lại chưa có động lực để thực hiện một cách mạnh mẽ. Dịch Covid-19 chính là động lực thúc đẩy xu thế này và những tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ. Thí dụ, những tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng CNTT phù hợp để nhân viên có thể làm việc tại nhà, họp trực tuyến một cách hiệu quả sẽ có nhiều điều kiện để vượt qua khó khăn mà dịch Covid-19 gây ra dễ dàng hơn. 

Năm là, xu thế thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị: kết quả khảo sát của Viện Quản lý chuỗi cung ứng (Mỹ) cho thấy có tới 75% số công ty tham gia khảo sát cho biết chuỗi cung ứng của họ bị gián đoạn, 57% cho rằng thời gian để nhận hàng từ đơn vị cung ứng cấp 1 tại Trung Quốc tăng lên, bởi các nhà sản xuất tại Trung Quốc chỉ đạt 50% công suất với 56% lượng nhân công so với bình thường, và có tới 44% thừa nhận họ không có kế hoạch dự phòng cho trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn từ Trung Quốc. Theo đó, một số doanh nghiệp đã tìm giải pháp như tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế (trong hoặc ngoài nước) dù không bù đắp được ngay và nhiều, tập trung vào thị trường nội địa cùng với việc xúc tiến thương mại điện tử. Xu thế này cũng là chất xúc tác để các công ty đa quốc gia quyết định dịch chuyển đầu tư, cơ sở sản xuất của mình từ Trung Quốc sang các nước khu vực, trong đó có Việt Nam. 

Sáu là, xu thế quan tâm nhiều hơn đến phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Bài học nhãn tiền từ dịch Covid-19 cho thấy chính phủ, doanh nghiệp và người dân ngày càng quan tâm hơn đến chăm lo sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đây là điều đáng mừng và quốc gia nào sớm coi đây là quốc sách sẽ có được sức đề kháng tốt hơn, nhiều khả năng phát triển bền vững và hài hòa hơn. Nhiều nước đã bỏ ra hàng trăm triệu USD đầu tư phát triển y tế dự phòng, nghiên cứu và sản xuất vaccine, trang thiết bị y tế cùng với các chương trình bảo vệ môi trường trung – dài hạn. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tăng cường hoặc chuyển hướng đầu tư vào sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe và dược phẩm…v.v. 

Cơ hội đầu tư – kinh doanh sau dịch

Từ những xu thế trên, có thể nhận diện thấy ít nhất có 4 nhóm cơ hội đầu tư – kinh doanh quan trọng trong thời gian tới.

Một là, cơ hội đầu tư – kinh doanh số: với mục tiêu duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh vươt qua khó khăn dịch bệnh cùng với xu thế CMCN 4.0 hiện nay; nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã và đang tổ chức hoạt động, kinh doanh trên nền tảng tự động hóa, phát triển tài chính số, ngân hàng số, Fintech, thương mại điện tử, đào tạo trực tuyến, thanh toán điện tử (gồm cả mobile money), giải trí số, làm việc từ xa (tại nhà), khám chữa bệnh từ xa, định vị hành trình cá nhân…v.v. Theo đó, các dịch vụ hỗ trợ sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh như kho vận (logistics), giao hàng nhanh (fast shipping), đóng gói, cung ứng nền tảng (platforms), livestream sự kiện, an ninh mạng, phân tích dữ liệu, tư vấn phát triển kinh doanh số…v.v. 

Hai là, cơ hội từ xu thế tăng đầu tư công, nhất là đầu tư giải quyết an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, hạ tầng ICT, dịch vụ y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu…v.v. Những khoản đầu tư này đang được các nước quan tâm thực hiện vì chúng vừa có tác động tích cực ngắn hạn (thúc đẩy tăng trưởng) cũng như tạo tiền đề phát triển lâu dài. Những bên có liên quan đến mảng đầu tư này như nhà tài trợ, doanh nghiệp tham gia (cả Nhà nước, tư nhân và FDI), định chế tài chính, tổ chức tư vấn, địa phương…v.v. đều là những người hưởng lợi từ xu thế này.

Ba là, cơ hội đầu tư – kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe, dược phẩm, sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trườngđã và đang mở rộng hơn. Cơ hội này đã có được trong những năm gần đây và dịch bệnh lại càng thúc đẩy nhu cầu thiết yếu này. 

Bốn là, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra nhờ tác động kép: (i) chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vốn dĩ đã thúc đẩy tiến trình này, nay với tâm lý e ngại rủi ro dịch bệnh (làm gián đoạn chuỗi cung ứng cả phía cung và phía cầu) có thể khiến việc này diễn tiến nhanh hơn, quyết liệt hơn. Việt Nam nói chung, các địa phương và doanh nghiệp Việt nói riêng cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn để lường đón và tận dụng cơ hội này.   

Những mô hình kinh doanh, đầu tư mới này đòi hỏi ít nhất là 8 điều kiện đối với Chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp ở mỗi quốc gia, bao gồm: (i) hành lang pháp lý chi phối hoạt động của những mô hình này; (ii) cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng ICT, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về cá nhân, tổ chức có liên quan, nhất là cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia; (iii) nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc rất khác so với trước đây; (iv) hệ sinh thái để cùng nhau làm việc, hợp tác, chia sẻ (kể cả thông tin, dữ liệu); (v) quản lý rủi ro, nhất là rủi ro an ninh mạng, rủi ro hoạt động (bao gồm cả kế hoạch dự phòng nhằm đảm bảo hoạt động liên tục - BCP); (vi) cơ chế, qui trình làm việc cần thay đổi để bắt kịp yêu cầu mới này; (vii) hợp tác quốc tế để cùng giải quyết các vấn đề xuyên biên giới như an ninh mạng, phòng chống rừa tiền, tội phạm, giao dịch thanh toán – chuyển tiền, hài hòa hóa khuôn khổ pháp lý, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…v.v; và (viii) Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh để vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, vừa tạo điều kiện tận dụng cơ hội đầu tư – kinh doanh nêu trên. 

Lời kết: Trong bối cảnh kinh tế - xã hội khó khăn vì dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu và giảm mạnh đà tăng trưởng của Việt Nam là khó tránh khỏi; việc chủ động triển khai, tranh thủ những cơ hội đầu tư – kinh doanh mới này sẽ giúp mỗi quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp có phần bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng, phù hợp xu thế CMCN 4.0, tăng năng suất lao động, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh (do hạn chế tiếp xúc không cần thiết), giảm thiểu rủi ro môi trường (do quan tâm hơn đến phát triển các mô hình kinh doanh "sạch" hơn và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu tốt hơn). Rõ ràng là không có lý do gì để chúng ta không tận dụng cả!

TS. Cấn Văn Lực

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên