MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những yếu tố nhà đầu tư chứng khoán cần lưu ý trong giai đoạn cuối năm 2020

BSC đánh giá Việt Nam với khả năng kiểm soát dịch tương đối tốt, môi trường đầu tư và định giá thị trường hấp dẫn cũng là một trong những yếu tố tiên quyết có thể giúp thu hút dòng tiền khối ngoại quay trở lại trong năm 2021.

CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo các chủ đề đầu tư quý 4/2020 và năm 2021 mà nhà đầu tư cần chú ý. Trong báo cáo này, BSC chủ yếu tập trung vào các gói kích thích kinh tế đã được chính phủ đẩy nhanh tốc độ triển khai như (1) Hạ lãi suất điều hành, (2) Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế Việt Nam trong Q3/2020 và năm 2021.

Tiến độ giải ngân đầu tư công trong Q3/2020 đã có những tín hiệu khởi sắc nhất định

Lũy kế đến tháng 10/2020, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 68,3% kế hoạch 2020, mức này cao hơn nhiều so với tỷ lệ 6T2020 chỉ đạt 33,1%, đạt tương đương 321.529 tỷ đồng (+34,4% YoY).

Ngoài các triển khai cao tốc đã được khởi công xây dựng, chính phủ vừa phê duyệt triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành, đây là một trong những hạng mục quan trọng, dự kiến khởi công trong tháng 12/2020.

BSC cho rằng đây là động lực chính hỗ trợ cho các nhóm ngành vật liệu xây dựng (Thép – Xi măng – Nhựa đường), ngành xây dựng và một số ngành được hưởng lợi gián tiếp từ hạ tầng được triển khai như Bất Động Sản (VHM, DXG, NVL, DIG, NLG) và Khu Công nghiệp như (GVR, D2D, SZL)…

Công tác đẩy mạnh thoái vốn các nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước vẫn còn chậm

Tính đến cuối Q3/2020, việc công bố thoái vốn các nhóm doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tương đối chậm. BSC cho rằng việc đẩy mạnh công tác thoái vốn sẽ phải dời qua năm 2021, điều này cũng sẽ giúp cho Chính phủ có thêm nguồn thu hỗ trợ vốn cho việc giải ngân các dự án đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025.

Một số cổ phiếu đáng chú ý đến chủ đề thoái vốn có thể được đẩy nhanh tiến độ như DBD (13.3%), DVN (29%), SAB (36%), VGC (38,6%), PLX (75.9%), HVN (86,2%), IDC (36%),…

Dòng tiền nội vẫn là bệ đỡ vững chắc cho thị trường

Theo công bố của MSCI, thay vì giảm tỷ trọng 1 lần trong tháng 11 về mức 0%, MSCI đã đề xuất chia nhỏ số lần giảm tỷ trọng Kuwait theo quý và dự kiến hoàn thành trong 1 năm, do đó làm giảm kỳ vọng về dòng tiền nước ngoài vào Việt Nam.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 290 nghìn tài khoản, nhiều hơn 100 nghìn tài khoản so với cả năm 2019, qua đó giúp thị trường có những bước tăng bền vững trong nửa cuối năm 2020.

BSC đánh giá Việt Nam với khả năng kiểm soát dịch tương đối tốt, môi trường đầu tư và định giá thị trường hấp dẫn cũng là một trong những yếu tố tiên quyết có thể giúp thu hút dòng tiền khối ngoại quay trở lại trong năm 2021.

Định giá thị trường Việt Nam thấp so với khu vực

Xét trên từng ngành, BSC nhận thấy xu hướng phục hồi chung của thị trường khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, có thể thấy, với (1) khả năng kiểm soát dịch tốt, (2) nền kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng dương giúp cho độ ảnh hưởng tiêu cực lên kết quả kinh doanh các doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với quan điểm trước đó và khu vực nói chung.

Điều này dẫn đến mức định giá P/E của thị trường Việt Nam và hầu hết các ngành đang ở mức chiết khấu khá nhiều so với mức P/E trung vị của các nhóm nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan) trừ các ngành (1) Tài chính , (2)Sức khỏe và (3) Dầu khí.

Những yếu tố nhà đầu tư chứng khoán cần lưu ý trong giai đoạn cuối năm 2020 - Ảnh 1.
Những yếu tố nhà đầu tư chứng khoán cần lưu ý trong giai đoạn cuối năm 2020 - Ảnh 2.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên