MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nielsen: "Miếng bánh ngon" nông thôn, xin đừng bỏ lỡ!

Báo cáo mới nhất của Nielsen cho biết nông thôn tiếp tục là thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh với mức tăng trưởng của 12 tháng gần nhất (tính từ tháng 6/2015 đến hết tháng 6/2016) đạt 7,6%.

Theo Nielsen, dân số khu vực nông thôn ở Việt Nam vào khoảng 68% của 90 triệu dân, tương ứng 61,2 triệu người, tuy nhiên hiện chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến từ nông thôn.

Như vậy, có thể nhận thấy dư địa của khu vực nông thôn là rất lớn. Chưa kể người sinh sống tại khu vực này hiện đang có xu hướng ưu tiên đầu tư vào giáo dục và có sự tăng trưởng thu nhập nhanh, vào khoảng 44% trong 3 năm qua.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khai phá hết các cơ hội tiềm ẩn tại thị trường nông thôn,” ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam nhận xét.


Nông thôn đang được xem là mỏ vàng đầy tiềm năng cho ngành sản xuất tiêu dùng nhanh

Nông thôn đang được xem là mỏ vàng đầy tiềm năng cho ngành sản xuất tiêu dùng nhanh

Ông Dũng cũng nhận định việc mở rộng đến thị trường nông thôn ở Việt Nam mang theo những thách thức giống như các nước châu Á khác, ví dụ như chi phí vận chuyển cao vì thị xã nằm phân tán ở nhiều khu vực khác nhau.

Do đó, giống như ở Ấn Độ và Trung Quốc, điều quan trọng đối với các nhà sản xuất ở Việt Nam là phải có kế hoạch tập trung đầu tư thích hợp để mở rộng kinh doanh đến các vùng này. Một số vùng nông thôn trọng điểm nhất định sẽ có triển vọng cao hơn so với những vùng khác nên việc xác định được những vùng trọng điểm đầu tư trở nên rất quan trọng để đảm bảo tối đa hiệu quả kinh doanh.

Đối với người tiêu dùng ở nông thôn, tâm lý mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố, gồm: lời truyền miệng từ người thân, người quen và những khuyến nghị từ các nhà bán lẻ. Theo thống kê, cứ 10 nhà bán lẻ thì có 9 người giới thiệu sản phẩm cho người mua hàng, và trung bình đạt được tỷ lệ cứ 3 người mua hàng thì có 1 người mua vì lời giới thiệu của người bán.

Vì vậy, Nielsen cho rằng với khoảng 27,5 triệu người mua sắm thường xuyên ghé các cửa hàng bán lẻ mỗi ngày, khuyến nghị của nhà bán lẻ có thể là một hình thức quan trọng nhằm nâng sức mạnh của một thương hiệu.

“Sự kết hợp những thách thức và cơ hội ở thị trường nông thôn đòi hỏi nhà sản xuất phải có sự hiểu biết thấu đáo về người tiêu dùng nông thôn và có các lộ trình thích hợp để giành lấy thị trường tiềm năng này. Đặc biệt, các nhà sản xuất cần phải kết nối và gây dựng lòng trung thành với những khách hàng ủng hộ cho thương hiệu của họ, để từ đó tận dụng sức mạnh của việc truyền miệng.

Đồng thời họ cũng phải làm việc và gắn kết chặt chẽ với nhà bán lẻ, từ đó xây dựng các nhà bán lẻ thành những đại sứ thương hiệu. Sử dụng sức mạnh của truyền hình đại chúng để có thể cung cấp thông tin đến đại đa số người tiêu dùng ở khu vực nông thôn là một điều hết sức quan trọng nhưng các nhà sản xuất cũng không nên bỏ qua kênh truyền thông kỹ thuật số để kết nối với người tiêu dùng trẻ tuổi.”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên