MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nielsen: Người tiêu dùng đang thay đổi danh mục mua sắm online

Báo cáo Thương mại điện tử của Nielsen 2018 cho biết trong số những người tiêu dùng truy cập vào Internet thì có đến 98% người tiêu dùng đã mua hàng trực tuyến, tăng 1% so với năm 2017.

Qua thống kê, Nielsen đã ghi nhận nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin và di động đã tăng 11% trong 2 năm qua, đã đáp ứng những nhu cầu về sự tiện lợi của người tiêu dùng trong hệ sinh thái mua hàng trực tuyến.

Năm 2018, 98% người truy cập vào Internet mua sắm trực tuyến, tăng 1% so với cùng kỳ 2017.

Trong đó, 17% người tiêu dùng đã sử dụng các nền tảng công nghệ để mua các thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với năm 2017, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên kênh thương mại điện tử.

Thời trang, du lịch, sách và âm nhạc tiếp tục là các ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các giao dịch trực tuyến, lần lượt là 59%, 52% và 51%.

Các loại hình khác cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể trong các hoạt động thương mại điện tử bao gồm dịch vụ giao hàng từ nhà hàng, quán ăn, với 24% người tiêu dùng trực tuyến cho biết họ đã mua hàng với hình thức này, tăng 5% so với năm 2017, thực phẩm đóng gói tăng từ 4% lên 25% và thực phẩm tươi sống tăng từ 5% lên 17%.

Ông Nguyễn Anh Dzũng, Giám đốc cấp cao, Trưởng Bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam cho biết du lịch, thời trang, sách và âm nhạc là những danh mục điển hình cho người mua sắm trực tuyến lần đầu. Tuy nhiên, khi mức độ quen thuộc, thoải mái và tin cậy tăng lên, họ mở rộng sang các lĩnh vực khác như các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc cá nhân và sản phẩm cho trẻ em. Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng mua sẵm các danh mục khác như sản phẩm đóng gói và các loại thực phẩm tươi sống.

"Điều này chứng tỏ việc mua hàng trực tuyến với dịch vụ giao hàng và thực phẩm trong những năm gần đây đang có những bước chuyển đáng kể", ông nói.

Báo cáo của Nielsen cho thấy rằng người tiêu dùng đã cởi mở hơn với việc mua sắm thực phẩm tươi sống và sản phẩm đóng gói trực tuyến khi họ được cung cấp các lựa chọn mua hàng đa dạng và có mức độ đảm bảo chất lượng nhất định.

Cụ thể, khoảng 2 trong 3 người tiêu dùng (tương đương 63%) cho biết rằng việc hoàn trả tiền cho các sản phẩm không đúng với những gì đã đặt sẽ khuyến khích họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn. 

Dịch vụ thay thế cùng ngày cho các sản phẩm không có sẵn đang thu hút hơn 52% người tiêu dùng, trong khi đó có 56% đang tìm kiếm dịch vụ giao hàng miễn phí cho việc mua hàng trên mức chi tiêu tối thiểu.

"Với sự gia tăng của người tiêu dùng sử dụng mua hàng trực tuyến, không gian thương mại điện tử phát triển liên tục đã làm mờ ranh giới giữa trực tuyến và ngoại tuyến" - ông Nguyễn Anh Dzũng nói.

Theo ông, một vài năm trước, người tiêu dùng mua sắm thông qua các kênh thương mại điện tử tập trung nhiều vào các lĩnh vực như du lịch, thời trang và sách. Nhưng thời gian gần đây, ông Dzũng nhấn mạnh đã có sự gia tăng mua hàng ở các danh mục mới.

"Và sắp tới, làn sóng phát triển tiếp theo trong xu hướng mua hàng trực tuyến có thể sẽ được thúc đẩy bởi những cải tiến về mặt kỹ thuật số như đề xuất được cá nhân hóa cho người tiêu dùng dựa trên hành vi mua sắm có lập trình và hành vi trực tuyến", ông nhận định.

Vũ Hoà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên