MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh

Sản xuất linh kiện máy móc tại Công ty TNHH Công nghiệp Chính xác Việt Nam 1. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Sản xuất linh kiện máy móc tại Công ty TNHH Công nghiệp Chính xác Việt Nam 1. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), có tới 85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng triển vọng kinh doanh quý 3/2022 sẽ bằng hoặc tốt hơn so với quý trước. Việc tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp là cần thiết để họ có cơ hội phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tín hiệu tốt về GDP, nhiều doanh nghiệp quay trở lại

Xung đột giữa Nga và Ukraina kéo dài đã làm gián đoạn nguồn cung lương thực và nhiên liệu toàn cầu, gây ra nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực và làm cho giá cả trên thị trường thế giới tăng. Hầu hết các tổ chức quốc tế đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việt Nam dường như đang đi ngược xu thế khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao trong quý 2/2022.

Trong báo cáo Triển vọng toàn cầu quý 3/2022, ngân hàng United Overseas Bank (UOB) có trụ sở tại Singapore đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,5% lên 7,0%. Dự báo này đi kèm giả định không có thêm sự gián đoạn nào do COVID-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm là khoảng 7,6 - 7,8%.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect duy trì dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong 7,1%. Nhìn chung, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022.

Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), mặc dù 6 tháng đầu năm 2022, thế giới có nhiều biến động về giá xăng dầu, lương thực thực phẩm nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có bước tăng trưởng ngoạn mục. Điều này thể hiện qua các con số như mức độ tăng trưởng kinh tế quý 2/2022 đạt 7,72%, cao nhất trong hơn 10 năm qua, góp phần thúc đẩy GDP 6 tháng tăng 6,42%; trong khi đó chỉ số lạm phát cũng nằm trong giới hạn 2,44%; dịch vụ tăng trưởng cao 6,6%, đóng góp khoảng 46% vào chỉ số tăng trưởng nền kinh tế quý 2/2022.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc khi có tới 116.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

"Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là 76.233 doanh nghiệp, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính trung bình giai đoạn 2017 - 2021 thì con số này cũng gấp 1,2 lần. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70.000 doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này", bà Phí Thị Hương Nga, Vụ Phó phụ trách Vụ Công nghiệp và Xây dựng – TCTK cho biết.

Theo đó, Hà Nội và Thành phố (TP) Hồ Chí Minh tiếp tục có số doanh nghiệp thành lập mới. Hà Nội có 14.628 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021; TP Hồ Chí Minh có 22.469 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 là 40.667 doanh nghiệp, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,9 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021.

Bà Phí Thị Hương Nga chia sẻ: Những con số trên phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang đối diện không ít khó khăn do giá xăng, dầu tăng cao và nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm làm cho sản xuất bị gián đoạn. Lưu thông hàng hóa ở một số thị trường bị gián đoạn dẫn đến thiếu hụt một số mặt hàng như: Thực phẩm, thuốc, phân bón, thiết bị y tế và thiết bị công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, tác động lan truyền làm tăng chi phí sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2%

Niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh - Ảnh 1.

Toàn cảnh Khu công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định của Chính phủ được ví von là "phao cứu sinh" đúng lúc để giúp doanh nghiệp sớm hồi phục sau đại dịch COVID-19. Thế nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp không thể vay được vốn do chưa đáp ứng được điều kiện do phía ngân hàng đưa ra.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh cho biết: Doanh nghiệp này đang vay vốn ngân hàng với lãi suất trên 8%/năm. Mức lãi suất này đã tăng so với những tháng trước. Chúng tôi đã liên hệ với ngân hàng thương mại để hỏi về gói hỗ trợ nhưng họ bảo phải chờ hướng dẫn từ hội sở và đến giờ chưa có thông tin".

Đối với gói cho vay ưu đãi hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ khó đáp ứng điều kiện về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh. Các doanh nghiệp nhỏ mong muốn ngân hàng nới lỏng điều kiện vay vốn để doanh nghiệp có thể dễ tiếp cận hơn với các gói hỗ trợ.

"Điều kiện để các doanh nghiệp muốn tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% phải không có nợ xấu, phải có doanh thu, lợi nhuận và tài sản đảm bảo, tôi e là quá nhiều. Có lẽ chỉ giữ điều kiện có tài sản đảm bảo thậm chí chúng ta có thể cho doanh nghiệp vay tín chấp và có thu nhập có dòng tiền trả nợ trong tương lai. Nợ xấu trong 2 năm đại dịch, hầu như doanh nghiệp nào cũng có", TS, chuyên gia kinh tế, Nguyễn Minh Phong đề xuất.

Đại diện Hiệp hội Logistic Việt Nam (VLA) cho rằng: Toàn bộ hàng hoá nội địa bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, giá vận tải tăng lên và tác động tới toàn bộ giá hàng hoá cung cấp ra thị trường. Điều chỉnh giá, cũng như tính đến phát triển dịch vụ hậu cần, kho bãi tại cảng, trung tâm của các thị trường lớn chủ lực cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam là "những bài toán cần lời giải".

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính trình giảm thuế xăng dầu ngay tháng 7/2022. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, trước 30/7, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ các phương án giảm thêm thuế với xăng dầu. Việc giảm thêm thuế, phí này nhằm giảm chi phí, giá thành sản phẩm, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn.

Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, lãnh đạo TCTK đồng tình cần có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu, vì đây là nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất; đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) Hà Nội:

Doanh nghiệp phải thay đổi lớn và mạnh mẽ

Bên cạnh trông chờ vào các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp mới cũng phải xây dựng các chiến lược kinh doanh hết sức bài bản để kêu gọi các nhà đầu tư, có bộ máy chuyên môn hóa cao, minh bạch về tài chính. Hiện có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ thông tin, kinh tế số ngay từ lúc mở doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vươn mạnh ra thị trường thế giới khi hàng loạt các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã được Chính phủ ký kết trong những năm qua.

Để đẩy mạnh liên kết hợp tác với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi lớn và mạnh mẽ từ quy trình, nhân sự, minh bạch về tài chính, công tác thị trường phải lớn hơn, rộng hơn.

Hiện nay, các thủ tục tiếp cận nguồn vốn đã được đơn giản hóa về hồ sơ, thủ tục nhưng để tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý thì hiện nay còn khó. Mặt khác, ở góc độ thị trường, thị trường nội địa đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Họ có tiềm lực tài chính, quản trị, khả năng về thương mại quốc tế cao.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:

Giảm thuế xăng dầu để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân

Chi phí xăng dầu chiếm 3,5% tổng chi phí sản xuất xã hội. Việc tăng giá xăng dầu đã có nhiều tác động đến sản xuất kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp và đời sống tiêu dùng của nhân dân.

Trước mắt ngay trong cuối tháng 7/2022, Quốc hội cần quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (VAT) nhập khẩu để xăng dầu về mức 20.000 - 22.000 đồng/lít tạo điều kiện cho sự hồi phục phát triển sản xuất kinh doanh và giảm bớt khó khăn cho đời sống tiêu dùng xã hội.

Các bộ, ngành không nên bỏ lỡ thời cơ giảm thuế một lần nữa, phải lấy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ của mình, không chỉ lo nguồn thu ngân sách một cách cơ học, mà phải đóng góp tích cực hiệu quả cho sự phát triển nhanh và bền vững của các doanh nghiệp và đời sống tiêu dùng của nhân dân. Xăng dầu từ đầu năm do giảm thuế nên đến nay mặc dù giảm trên 6.000 đồng/lít, nhưng so với số tăng là gần 11.000 đồng/lít thì kì vọng của doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn còn muốn giảm tiếp.

Theo Minh Phương

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên