MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Niềm tin của người Việt vào tiền mặt còn quá lớn

30-11-2018 - 09:07 AM | Tài chính - ngân hàng

Thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm hơn 90% các giao dịch tại Việt Nam.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
288 bài viết

Xu hướng không thanh toán bằng tiền mặt của người Việt Nam gia tăng nhưng so với các nước còn quá khiêm tốn . Đó là nhận định chung của các đại biểu tại hội thảo về phát triển ngân hàng (NH) bán lẻ do Hiệp hội NH Việt Nam tổ chức ngày 29-11 tại TP.HCM.

Hàng triệu thẻ ngân hàng “chết”

Đánh giá về thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết: Những năm gần đây, người dân đã tiếp cận tốt hơn với dịch vụ NH. Tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trung bình giảm dần qua các năm. Số lượng giao dịch thẻ tại thời điểm quý II-2018 tăng 21% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, tính đến quý III-2018, có gần 75 triệu tài khoản cá nhân được mở tại các NH. Tuy vậy, do một cá nhân có thể mở nhiều tài khoản khác nhau nên nếu tính theo tiêu chuẩn người trưởng thành có tài khoản tại NH thì đến cuối năm ngoái con số này là trên 43 triệu người, chiếm tỉ lệ khoảng 60,2%.

“Thanh toán di động đang dần trở thành xu hướng mới, các công nghệ như mã QR, thanh toán tiếp xúc, phi tiếp xúc và số hóa thông tin thẻ ngày càng gia tăng. Đặc biệt, một số NH đang thí điểm các điểm giao dịch tự động hiện đại, mới với nhiều chức năng như mở tài khoản, rút/nhận tiền mặt, thanh toán, chuyển khoản… nhằm nâng cao sự trải nghiệm cho khách hàng” - ông Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, phản biện: NHNN cho rằng số lượng người trưởng thành có tài khoản NH đạt 43 triệu, chiếm 60% trong tổng số lượng thẻ phát hành tại các NH thương mại. Song thực tế có rất nhiều tài khoản “chết” mà các NH thương mại chưa lọc ra. Do vậy, hiện chỉ có khoảng 40% thẻ đã phát hành có thực hiện giao dịch thanh toán với NH. Chưa kể trong phần lớn thẻ đã phát hành, thẻ ATM chiếm đa số và chủ thẻ chỉ dùng để… rút tiền. Điều này gây lãng phí lớn cho khách hàng.

Niềm tin của người Việt vào tiền mặt còn quá lớn - Ảnh 1.

Theo thống kê, các giao dịch chuyển tiền qua điện thoại, Internet… mới chỉ đạt khoảng 30% dân số trưởng thành. Ảnh: HTD

“Hiện vẫn có tới khoảng 90% giao dịch dùng tiền mặt và chỉ có 10% là giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới có tới 90% thanh toán không dùng tiền mặt. Điều đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển dịch vụ NH bán lẻ” - ông Lực nói.

Một trong những nguyên nhân khiến lượng người sử dụng các loại hình tài chính hiện đại như thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử… vẫn còn hạn chế là do niềm tin vào tiền mặt quá lớn. Ví dụ, không thanh toán trong lúc mua online mà chọn hình thức thanh toán khi nhận hàng.

Theo đại diện NHNN, tổng lượng thẻ lũy kế của toàn hệ thống NH phát hành hiện nay trên 111 triệu thẻ. Trong đó, 11 triệu là thẻ trả trước, gần 5 triệu thẻ tín dụng quốc tế và 85 triệu thẻ ATM.

Đề cập vấn đề an toàn bảo mật trong thanh toán thẻ, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Nghiêm Thanh Sơn khẳng định: “Theo số liệu thống kê các vụ việc liên quan đến gian lận thẻ cho thấy chỉ duy trì ở mức thấp. Giá trị giao dịch của các thẻ gian lận bị giả mạo trên tổng số giao dịch thẻ chỉ chiếm 0,058% về mặt giá trị và về số lượng chỉ chiếm 0,06%.

“Tỉ lệ gian lận thẻ ở Việt Nam thấp”

Ông Sơn cũng dẫn báo cáo mới đây của Tổ chức Thẻ quốc tế Visa cho thấy tỉ lệ gian lận trong thanh toán thẻ ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình của khu vực châu Á và bằng 1/5 tỉ lệ này ở Mỹ!

Tuy vậy, ông Sơn nhấn mạnh: Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nội dung trọng tâm trọng điểm của NHNN. Ví dụ, áp dụng tiêu chuẩn ISO/27001 cho hệ thống công nghệ thông tin, chuẩn PCI DSS cho hệ thống thanh toán thẻ và các công nghệ bảo mật đa nhân tố… nhằm giảm thiểu rủi ro trong thanh toán.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc khối sản phẩm tại Việt Nam, Lào, Campuchia thuộc Tập đoàn Visa, cũng cho biết để đảm bảo an toàn bảo mật cho thẻ thì cần khuyến khích, thậm chí bắt buộc các đơn vị tham gia lĩnh vực thanh toán thẻ phải thực hiện chuẩn mực bảo mật của tổ chức PCI DSS. Qua đó nhằm mã hóa dữ liệu nhạy cảm và có quy trình bảo vệ dữ liệu.

Bên cạnh đó, cần đưa việc quản lý thông tin khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp về trực tiếp cho khách hàng. Bởi hiện có các ứng dụng của NH cho phép khách hàng mở thẻ, khóa thẻ, quản lý các hạn mức giao dịch…

“Đây là những tiện ích rất quan trọng để giúp cho người dùng thuận tiện trong việc quản lý và khai thác dữ liệu một cách hiệu quả. Đặc biệt, tăng tính trải nghiệm của người dùng cũng như nhận biết được đâu là giao dịch tốt hay đâu là giao dịch có vấn đề” - ông Phúc nói.

Việt Nam có quá ít chi nhánh ngân hàng?

Nhiều ý kiến nhận định Việt Nam đã có quá nhiều NH, nhiều chi nhánh và nhiều phòng giao dịch nhưng TS Cấn Văn Lực lại cho rằng "thực tế hoàn toàn ngược lại". Bởi theo thống kê của NH Thế giới (World Bank), số lượng chi nhánh NH tính trên 100.000 người ở nước ta mới đạt 3,87. Tức là chỉ có gần bốn chi nhánh NH thương mại đáp ứng nhu cầu cho 100.000 người dân. Trong khi đó, với Trung Quốc con số này là 12 và Thái Lan là 16.

"Như vậy, Việt Nam còn nhiều dư địa để mở phòng giao dịch NH nhưng điều quan trọng là mở ở đâu. Hiện ở các khu vực thành phố, chi nhánh, phòng giao dịch NH thương mại đã quá nhiều. Ngược lại, ở miền núi, vùng nông thôn thì số lượng chi nhánh NH vẫn còn rất hạn chế" - ông Lực nói.

Theo Thùy Linh

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên