Nikkei Asia: Việt Nam đề xuất quy định đánh thuế, các Big Tech nói gì?
Quy định đánh thuế mới với các tập đoàn công nghệ sẽ tạo ra sân chơi công bằng hơn. Đặc biệt, khi các cửa hàng trực tuyến đang gặp nhiều "vấn đề liên quan đến hàng giả", Việt Nam nên đưa ra các giải pháp như công cụ tìm kiếm để ngăn chặn kịp thời, Giám đốc của Access Ventures chia sẻ với Nikkei Asia.
- 06-04-2021PMI ASEAN tháng 3 đạt 50,8 điểm, với Việt Nam có mức tăng cao nhất
- 06-04-2021Năm kỷ lục ngành năng lượng tái tạo toàn cầu: Việt Nam đạt được những gì?
- 05-04-2021Giải mã meme: LG - Dòng điện thoại lớn đầu tiên rút khỏi thị trường
Theo Nikkei Asia, là một trong những thị trường kỹ thuật số phát triển nhanh nhất thế giới, Việt Nam đang đề xuất các quy định buộc các công ty công nghệ toàn cầu như Alibaba và Google nộp thuế tại đây.
Nhiều năm qua, quốc gia này đã cố gắng điều chỉnh quy định đối với các ông lớn công nghệ, đặc biệt là những doanh nghiệp có trụ sở tại nước ngoài. Dự kiến, khi quy định được thông qua, các ngân hàng sẽ khấu trừ thuế với tài khoản thanh toán được thực hiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đối với các dịch vụ thương mại điện tử và kỹ thuật số. Ví dụ, nếu một người dùng Việt Nam đăng ký Netflix, ngân hàng tại Việt Nam sẽ khấu trừ một phần thuế và chuyển phần còn lại cho công ty tại Hoa Kỳ.
Trong trường hợp doanh nghiệp không chọn cách thức này, doanh nghiệp nước ngoài có thể đăng kỳ với Chính phủ qua cổng thông tin điện tử và tự nộp thuế. Netflix thông tin với Nikkei Asia rằng các cuộc đàm phán với Việt Nam về vấn đề này vẫn "đang diễn ra".
Người phát ngôn Netflix cho biết: "Chính phủ Việt Nam sẽ quyết định về các quy tắc thuế. Netflix tôn trọng các quy định tại mỗi quốc gia chúng tôi hoạt động, đồng thời tuân thủ theo luật hiện hành. Chúng tôi đã gặp và tiếp tục trao đổi với cơ quan thuế Việt Nam về những vấn đề này".
Bên cạnh vấn đề thuế, đề xuất pháp lý khác tập trung vào các nền tảng thương mại điện tử, theo đó các nền tảng này sẽ tạo một chức năng tìm kiếm cho phép Chính phủ truy cập vào hồ sơ về bên thứ ba. Từ đó, các nhà chức trách có thể truy cập vào hồ sơ trong quá trình điều tra cáo buộc hàng giả và các hành vi vi phạm khác của bên bán hàng trực tuyến.
Amazon, Lazada của Alibaba và Shopee, thuộc sở hữu của tập đoàn Sea của Singapore, từ chối bình luận.
Trong khi một số doanh nghiệp cho rằng các biện pháp này khó khả thi, nhiều chuyên gia bày tỏ ủng hộ. Long Phạm, Giám đốc của Access Ventures nhận định, các cửa hàng trực tuyến hiện nay đang gặp rất nhiều "vấn đề liên quan đến hàng giả", vì vậy Việt Nam nên đưa ra các giải pháp như công cụ tìm kiếm để ngăn chặn trường hợp này.
Theo đại diện Access Ventures, quy định đánh thuế đối với các công ty này cũng rất công bằng, khi họ đang thu lợi nhuận từ thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Theo ông, đề xuất về thuế và công cụ tìm kiếm sẽ tạo ra sân chơi công bằng với cả các công ty nước ngoài và trong nước.
"Những củng cố mới về quy tắc chống hàng giả này sẽ giúp ích cho thương hiệu địa phương, cũng như luật thuế mới đang giúp công ty trong nước giành được thị trường tiêu dùng nội địa một cách công bằng hơn", ông Long chia sẻ với Nikkei Asia.