MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Cô lập hoặc cách ly xã hội quy mô nhỏ sẽ là lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam lúc này

Phương án chống dịch mới của Việt Nam sẽ giúp giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế.

Đưa tin về phương án đối phó với dịch bệnh của Việt Nam, trang Nikkei Asian Review dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ ban ngành và chính quyền địa phương đều phải cô lập các khu vực có dịch và đồng thời nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội với quyết tâm đạt được mục tiêu kép: vừa dập dịch vừa duy trì phát triển kinh tế.

Khi Việt Nam đón đầu làn sóng virus thứ nhất có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẵn sàng hi sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ cuộc sống của người dân. Phản ứng nhanh chóng và quyết liệt đã giúp Việt Nam kiểm soát thành công làn sóng virus đầu tiên. Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng không hề rẻ.

GDP quý II tăng trưởng ở mức cực kỳ thấp (0,36%) so với mức 3,8% trong quý I. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam năm 2020 sẽ giảm xuống mức 2,7% trong khi năm 2019 đạt 7%.

Đối với làn sóng virus mới khởi phát tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam đã thay đổi phương án đối phó. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam sẽ không áp dụng cách ly xã hội trên quy mô toàn quốc nữa. Phó Thủ tướng nói: "Chúng tôi phải khoanh vùng và giới hạn khu vực cách ly xã hội, càng nhỏ càng tốt. Các địa phương nằm ngoài vùng cách ly phải điều chỉnh về trạng thái bình thường mới và tiếp tục phát triển kinh tế".

"Các địa phương không áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phải cố gắng đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến hôm Chủ nhật.

Trong làn sóng đầu tiên, Việt Nam đã sớm sử dụng phương án cách ly xã hội, dù biện pháp này đem lại hiệu quả về chống dịch nhưng gây tác động đến nền kinh tế, một chuyên gia phân tích trả lời phỏng vấn Nikkei Asian Review. Tuy nhiên, cũng nhờ đó, Chính phủ đã rút ra được bài học kinh nghiệm để kiểm soát và cô lập ổ dịch ở các địa điểm nhỏ hơn một cách hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế. "Việc cô lập hoặc cách ly xã hội quy mô nhỏ sẽ là lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam lúc này", chuyên gia này nói.

Theo cách tiếp cận hiện tại của Việt Nam, người dân được yêu cầu hợp tác toàn diện với chính quyền khi phát hiện ca nhiễm trong một khu vực cụ thể. Gần như tất cả người dân Việt Nam đều tự nguyện cung cấp thông tin cá nhân và lịch trình di chuyển cho cơ quan chức năng khi cần thiết.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang triển khai áp dụng công nghệ vào công tác chống dịch. Cụ thể, hơn 6 triệu người Việt Nam đã tải xuống Bluezone – một ứng dụng giúp phát hiện tiếp xúc với người lây nhiễm Covid-19 do công ty công nghệ BKAV phát triển.

Bộ Y tế Việt Nam cũng gửi tin nhắn đến hơn 120 triệu thuê bao điện thoại di động để liên tục cập nhật thông tin về đại dịch. "Mỗi người dân là một chiến sĩ. Mỗi ngôi nhà, thôn xóm, khu dân cư là một pháo đài trong cuộc chiến chống đại dịch", Nikkei dẫn khẩu hiểu chống dịch của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thư Thư

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên