MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Doanh nghiệp Việt tìm đường vượt khó khi TPP "chết yểu"

13-01-2017 - 09:13 AM | Tài chính quốc tế

Khi TPP dường như đã "chết" với chiến thắng của Donald Trump, các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng tìm ra những lộ trình mới để tiếp tục phát triển, Nikkei nhận định trong bài viết ngày 12/1.

Chuyển hướng thị trường châu Âu, Hàn Quốc

Không khí bên trong văn phòng của Công ty May 10 thay đổi một cách kỳ lạ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc công ty quốc doanh May 10, phá vỡ sự im lặng với bài phát biểu đầy nhiệt huyết. “Nếu TPP thất bại, chúng ta có thể hướng tới các thị trường khác như châu Âu hay Hàn Quốc. Chúng ta không thực hiện những cải tiến này chỉ vì TPP”, ông Việt nói với các lãnh đạo công ty.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là toàn diện, nơi 12 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, dễ dàng tiếp cận với một thị trường rộng lớn, chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chiến thắng của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, người kịch liệt phản đối các hiệp định thương mại tự do, đẩy TPP vào một "cái chết lâm sàng".

Tuy nhiên, điều đó không phải trở ngại cho chính sách công nghiệp của Việt Nam. Những công ty năng động đã có kế hoạch riêng để đảm bảo toàn cầu hóa tiếp tục được tiến hành.

May 10 là một ví dụ. Được ví như một biểu tượng của công nghiệp Việt Nam, trụ sở May 10 ở ngoại ô Hà Nội từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm trong thời điểm các công nhân vừa phải sản xuất, vừa phải chiến đấu chống kẻ thù trong những năm kháng chiến. May 10 chấp nhận sự thất bại của TPP một cách dễ dàng và tự tin công ty sẽ tiếp tục tiến lên.

Nhà máy sản xuất chính của May 10 là nơi làm việc của 400 công nhân. Năm 2010, công ty chọn 8 công nhân tay nghề cao và giao nhiệm vụ tìm ra cách thức chung để tăng năng suất toàn dây chuyền. Công ty cũng đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất và tăng cường tự động hóa, từ đó gia tăng năng suất cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Khi TPP không còn, May 10 hướng tới thị trường tiềm năng khác là Hàn Quốc. Tháng 12/2015, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp như May 10 tiếp cận thị trường. Ngoài ra, châu Âu cũng là thị trường mà công ty hướng tới trong bối cảnh Việt Nam và EU đang nỗ lực hoàn tất các hiệp định thương mại tự do, dự kiến được thông qua vào đầu năm 2018.

Hiện tại, Việt Nam ký FTA với 10 nền kinh tế, trong đó có Australia, Chile, cộng đồng kinh tế ASEAN. Do không chặt chẽ bằng TPP ở phần nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu nên những công ty như May 10 nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chungcó nhiều cơ hội cạnh tranh hơn. Việt Nam tiếp tục giữ được vị thế nhân công rẻ nhưng chất lượng sản phẩm đã được gia tăng.

Kể từ khi Đổi Mới trong những năm 1980, Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường còn non trẻ. Chính phủ đẩy mạnh củng cố quan hệ song phương với các quốc gia và thu hút nhiền vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tại, Tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc, một trong những công ty quy mô hàng đầu thế giới, đã đầu tư hàng loạt nhà máy ở Việt Nam. Hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên tạo ra 30% sản phẩm trong số 420 triệu điện thoại Samsung sản xuất trên toàn cầu trong năm 2015.

Với nhiều tồn tại về thị trường và ngành công nghiệp còn non yếu, Việt Nam luôn đề cao các FTA, yếu tố giúp các thế mạnh trong lĩnh vực điện tử và may mặc được phát huy. Tuy nhiên, May 10 không phải doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam tìm hướng đi mới khi TPP khó được thông qua. Việc mở rộng thị trường ra nước ngoài cũng là một trong những giải pháp.

Sẵn sàng cạnh tranh ở thị trường nước ngoài

Công ty sữa lớn nhất Việt Nam Vinamilk bắt đầu đầu tư sang Phnom Penh, Campuchia từ tháng 5/2016. Đây là thị trường tiềm năng vì phần lớn sữa ở Campuchia là mặt hàng nhập khẩu. Ngoài ra, Vinamilk còn có các phân nhánh ở Thái Lan, Myanmar và các thị trường khác trong khu vực liên kết với nhau bằng đường bộ.

Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 mở đường cho các động thái tương tự Vinamilk. Việc bãi bỏ thuế với sữa nguyên liệu là động lực lớn cho Vinamilk mở rộng thị trường. Ngoài ra, công ty này còn xuất khẩu sữa bột dành cho trẻ em sang các thị trường Trung Đông.


Dây chuyền sản xuất sữa của Vinamilk.

Dây chuyền sản xuất sữa của Vinamilk.

Ngoài các doanh nghiệp sản xuất, Tập đoàn công nghệ FPT cũng đang đẩy mạnh các hoạt động quốc tế hóa. Bên lề một cuộc hội thảo đầu tháng 12, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết tập đoàn đang làm ăn với những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và gia công phần mềm. Bản thân FPT ở Nhật Bản cũng đang hoạt động rất hiệu quả.

Ngành nông nghiệp cũng không đứng ngoài xu hướng toàn cầu hóa. Năm 2015, Starbucks bắt đầu bán cà phê Arabica được trồng tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đà Lạt là vị trí mà công ty Mỹ chọn để trồng và cung cấp cà phê tới 50 thị trường trên khắp thế giới. Tháng 7, Cao Thành Phát trở thành công ty Việt Nam đầu tiên bán quả thanh long ở Thái Lan. Việt Nam cũng xuất khẩu 4.608 tấn hoa quả tới các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia trong 6 tháng, chiếm tới 81% so với năm trước. Đây vốn là các thị trường khó tính, với những đòi hỏi khắt khe.

Nhiều công ty Việt Nam đã sẵn sàng cuộc chiến cạnh tranh trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam cũng cần vạch ra con đường mới cho sự tăng trưởng trong bối cảnh TPP dường như đã chết.

Linh Anh

Nikkei

Trở lên trên