Nikkei: Nhật Bản dự kiến tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm vào tuần tới, chấm dứt lãi suất âm duy nhất trên thế giới
Ngân hàng trung ương Nhật Bản tiến tới bình thường hóa chính sách tiền tệ siêu nới lỏng khi đạt được mục tiêu lạm phát và tiền lương tăng.
- 15-03-2024Wi-Fi ì ạch, khuôn viên mới của Google ví như “tam giác quỷ Bermuda”
- 15-03-2024‘Chuyển động Nhật Bản’: Tiết lộ yếu tố quan trọng quyết định liệu BOJ có bắt đầu tăng lãi suất hay không, nhà đầu tư lo lắng, đồng Yên giảm trước thềm cuộc họp
- 15-03-2024Chiến lược gia tiết lộ thông tin quan trọng trước thềm cuộc họp chính sách của FED: Đây có thể là số đợt và thời điểm bắt đầu hạ lãi suất trong năm 2024
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dự kiến sẽ chấm dứt lãi suất âm khi hội đồng chính sách ngân hàng họp vào thứ Hai thứ Ba tuần tới, Nikkei Asia đưa tin.
Bước đi này sẽ đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 2/2007 và được coi là bước ngoặt đối với chính sách tiền tệ BOJ.
Ngân hàng trung ương nhận thấy cơ hội bình thường hóa chính sách tiền tệ khi mục tiêu lạm phát đang được duy trì ở mức 2% hoặc cao hơn. Một yếu tố quyết định khác đó là tăng tiền lương cũng ghi nhận diễn biến tích cực khi các tập đoàn lớn và liên đoàn lao động đồng ý nâng lương cho người lao động trong năm nay.
Theo Nikkei, BOJ đã bắt đầu điều phối cả trong và ngoài ngân hàng vào thứ Sáu về việc chấm dứt chính sách lãi suất âm. Kế hoạch hàng đầu là tăng lãi suất chính sách, hiện ở mức âm 0,1%, thêm hơn 0,1 điểm để đưu lãi suất ngắn hạn lên mức 0% -0,1%.
Theo chính sách lãi suất âm được áp dụng từ tháng 2/2016, BOJ tính lãi suất âm 0,1% đối với một số khoản tiền gửi nhất định của các tổ chức tài chính. BOJ hiện là ngân hàng trung ương duy nhất trên thế giới thực hiện lãi suất âm và được coi là biểu tượng của việc nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết các cuộc đàm phán tiền lương vào mùa xuân này sẽ là một “sự cân nhắc quan trọng” khi các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương tính đến việc chấm dứt lãi suất âm.
Liên đoàn Lao động Nhật Bản (Rengo) – tổ chức lao động lớn nhất quốc gia, cho biết hôm thứ Sáu rằng theo kết quả ban đầu từ cuộc đàm phán tiền lương hàng năm năm nay đã cho kết quả là các doanh nghiệp lớn đồng ý tăng lương trung bình 5,28%, mức cao nhất trong 33 năm. Đối với các công ty nhỏ hơn, mức tăng trung bình là 4,42%.
Với mức tăng lương cơ bản trung bình là 3,7%, BOJ cho rằng điều kiện kinh tế hiện có lợi cho việc duy trì lạm phát ổn định ở mức 2%.
BOJ đã tập trung vào xu hướng tiền lương vì mức lương cao hơn sẽ thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng và khiến lạm phát trở nên bền vững hơn.
Phát biểu tại Quốc hội hôm thứ Ba, Thống đốc Ueda cho biết đang theo dõi chặt chẽ chu kỳ tăng lương và lạm phát. Ông cũng ám chỉ rằng ngân hàng đang ở giai đoạn cuối để xác định xem có nên thoát khỏi lãi suất âm hay không.
Theo một nguồn tin của BOJ, mức tăng lương năm nay “ở mức độ mà ngay cả những người theo chủ nghĩa giảm lạm phát – những người thận trọng trong việc sửa đổi chính sách tiền tệ, cũng sẽ chấp nhận thay đổi chính sách”.
Khi kết thúc lãi suất âm, ngân hàng cũng dự kiến sẽ dừng kiểm soát đường cong lợi suất vốn đặt giới hạn tham chiếu khoảng 1% cho lãi suất dài hạn. Bên cạnh đó, việc mua mới các quỹ giao dịch trao đổi và quỹ tín thác đầu tư bất động sản có thể sẽ bị chấm dứt.
BOJ đã manh nha về việc chấm dứt lãi suất âm kể từ cuối năm ngoái. Phó Thống đốc Shinichi Uchida thừa nhận trong một bài phát biểu vào ngày 8/2 rằng ngay cả khi BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm, chính sách tiền tệ tổng thể sẽ vẫn mang tính hỗ trợ. Thành viên của hội đồng chính sách BOJ, Hajime Takata, cho biết vào ngày 29/2 rằng mục tiêu lạm phát 2% bền vững đang nằm trong tầm tay.
Các quan chức chính phủ ngày càng dễ chấp nhận việc thoát khỏi lãi suất âm vào tháng 3. Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính cho biết, việc này được thực hiện vào tháng 3 sẽ thích hợp hơn vì không cần phải đợi đến tháng 4.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra vào tháng 2/2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới – bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu – đã nhanh chóng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Nhưng Ngân hàng Nhật Bản đã mắc kẹt với việc nới lỏng tiền tệ kể từ lần tăng lãi suất cuối cùng vào tháng 2/2007. Việc BOJ chấm dứt lãi suất âm sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các công ty và hộ gia đình mà còn cả dòng tiền toàn cầu.
Theo Nikkei Asia
Nhịp Sống Thị Trường