MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Tăng tuổi hưu có thật sự cần thiết khi mỗi năm vẫn có hàng trăm nghìn người Việt xuất khẩu lao động?

Thực tế là cả các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và người lao động đều chịu áp lực từ già hóa dân số.

Rosalind Tay đã về hưu khi bà đến tuổi nghỉ hưu ở Singapore, 62 tuổi. Nhưng bà chưa sẵn sàng chấm dứt sự nghiệp. "Tôi nghĩ tôi sẽ sống đến 90 tuổi, như bố mẹ tôi, nếu thế thì tiền tiết kiện của tôi chẳng đủ sống". Bà lo ngại rằng chi phí y tế thì đắt đỏ, bà cũng muốn đi du lịch nhiều hơn, cũng như lao động để tránh đãng trí và các bệnh mãn tính khác: "Tôi muốn làm việc miễn là sức khỏe cho phép".  

Singapore và nhiều quốc gia châu Á đang già hóa khác bắt đầu điều chỉnh hệ thống lao động của mình để phù hợp với những người như bà Rosalind Tay. Các chính phủ đã bắt đầu thảo luận về việc tăng tuổi hưu hoặc trì hoãn việc bắt đầu trả lương hưu. Nhưng khai thác tiềm năng của các công nhân cao cấp có thể sẽ mất nhiều hơn là chỉ thay đổi một con số. 

Tính đến tháng 6 năm 2018, công dân trên 65 tuổi chiếm 13,7% dân số Singapore, tăng từ 8,7% trong năm 2008, khiến quốc gia trở thành một trong những đất nước "già" nhất châu Á. Tuổi thọ trung bình của người Singapore vào năm 2040 dự kiến ​​là 85,4 năm, cao thứ ba sau Tây Ban Nha (85,8) và Nhật Bản (85,7), theo một nghiên cứu năm ngoái của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Hoa Kỳ.

Nikkei: Tăng tuổi hưu có thật sự cần thiết khi mỗi năm vẫn có hàng trăm nghìn người Việt xuất khẩu lao động? - Ảnh 1.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat đã đặt ra một câu hỏi quan trọng mà chính phủ của ông đang phải đối mặt: "Nếu người dân của chúng ta sống lâu hơn, làm thế nào chúng ta tạo ra cơ chế cho phép họ tiếp tục làm việc nếu họ muốn?" Ông nói rằng nhà nước thành phố cần phải đối phó với những thay đổi về nhân khẩu học để đạt được cái mà họ gọi là "tuổi thọ sản xuất".

Một thách thức là đảm bảo người cao niên có các kỹ năng họ cần. Bà Rosalind Tay được ghi danh vào một chương trình được cung cấp bởi Trung tâm Phi lợi nhuận dành cho người cao niên (Center For Seniors), nơi những người tham gia - chủ yếu ở độ tuổi 50 và 60 - có được một khóa bồi dưỡng để chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn việc làm và lời khuyên về việc duy trì động lực làm việc. "Tôi đã học được tầm quan trọng của việc cởi mở, tự tin và sẵn sàng học hỏi", bà nói sau hội thảo CFS. Trung bình mỗi năm có 3.000 người tham dự các chương trình CFS khác nhau.

Tăng số lượng người tuổi niên trong lực lượng lao động được coi là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ các nhóm lao động của các nước châu Á.

"Tăng tuổi nghỉ hưu là một vấn đề cấp bách để ngăn chặn tình trạng thiếu lao động do dân số già", ông Doãn Mậu Diệp, thứ trưởng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết. Việt Nam có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ, từ 60 và 55 hiện tại. 

Dân số trong độ tuổi lao động đang giảm và tỷ lệ phụ thuộc đang tăng lên. Thống kê chính thức cho thấy chỉ có 2 triệu người tham gia lực lượng lao động trong 5 năm tiếp theo tính từ 2018. Mười lăm năm trước, 1,2 triệu lao động tăng đều mỗi năm. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn chỉ là 2% trong năm 2018.  Đồng thời, tuổi thọ trung bình đã tăng lên 71,1 năm đối với nam và 81,3 tuổi đối với nữ. 

Thái Lan cũng đang vật lộn với các vấn đề tương tự. Ngân hàng trung ương của nước này cho biết dân số già có khả năng làm chậm tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước 1,5 điểm phần trăm trong thập kỷ tới.

"Trung bình, tăng trưởng GDP của Thái Lan là khoảng 5% một năm trong vòng 10 năm qua", Don Nakornthab, giám đốc cấp cao của bộ phận kinh tế và chính sách của Ngân hàng Thái Lan cho biết. "Khi xã hội già đi và lực lượng lao động thu hẹp, tăng trưởng GDP của Thái Lan có thể giảm xuống còn 3,5% hàng năm trong thập kỷ tới nếu vấn đề cơ cấu này vẫn chưa được giải quyết." Người cao tuổi năng động đang trở nên quan trọng như robot hay tự động hóa trong việc duy trì tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai của Đông Nam Á. 

Ngày 21 tháng 5, nội các chính phủ trước đây của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã phê chuẩn việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho các công chức lên 60 tuổi trong năm tài chính tiếp theo. Điều này đã gây ra một cuộc tranh luận dữ dội giữa các quan chức và trí thức. Văn phòng Ủy ban Dịch vụ Dân sự đã đề nghị tuổi nghỉ hưu mới là 63. Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan muốn nâng nó lên 65 trong cả khu vực công và tư nhân.

Nikkei: Tăng tuổi hưu có thật sự cần thiết khi mỗi năm vẫn có hàng trăm nghìn người Việt xuất khẩu lao động? - Ảnh 2.

Đối với Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 5/6/2019 đã tiết lộ một bản cập nhật dự thảo cho chiến lược tăng trưởng kinh tế của mình. Một trong những sáng kiến ​​mới là thúc đẩy các công ty cho phép nhân viên làm việc đến 70 tuổi. Chính phủ muốn các tập đoàn lớn lao động nhiều hơn giảm bớt gánh nặng từ xã hội già cỗi và chi trả lương hưu. 

Các công ty đang bắt đầu tin tưởng vào sáng kiến đó. Bốn nhà sản xuất thép lớn nhất của Nhật tuyên bố họ sẽ tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 vào năm 2021. Nippon Steel cho biết họ đang góp phần giúp Nhật Bản vượt qua cuộc khủng hoảng lương hưu và dân số già. Các giám đốc của công ty cũng lưu ý rằng, mặc dù nghề luyện thép hiện nay phần lớn được tự động hóa, nhưng nó vẫn đòi hỏi kỹ năng của con người và họ cần những người lao động lớn tuổi truyền đạt kiến ​​thức của họ. Ngành công nghiệp này chiếm khoảng 200.000 công nhân tại Nhật Bản và hành vi của họ có thể khiến các nhà sản xuất khác làm theo. 

Nhắc đến Trung Quốc - quốc gia với hơn 200 triệu người cao niên - nhiều chuyên gia đã kêu gọi tăng tuổi nghỉ hưu chính thức trên 60 tuổi và hoãn trả lương hưu. Tuy nhiên, trong khi các nhà hoạch định chính sách mong muốn có thêm nhiều người cao niên làm việc và một số công ty cũng đồng tình với điều đó, thì không phải tất cả nhân viên và nhà tuyển dụng đều hài lòng về việc hoãn quỹ hưu trí.

Nikkei: Tăng tuổi hưu có thật sự cần thiết khi mỗi năm vẫn có hàng trăm nghìn người Việt xuất khẩu lao động? - Ảnh 3.

Một công nhân 45 tuổi tại một công ty bánh kẹo ở Đồng Nai đã làm việc được 25 năm và cho rằng thêm 10 năm nữa là đủ: "Kéo dài tuổi lao động chỉ phù hợp với những người làm việc trong các lĩnh vực đặc biệt, chẳng hạn như giáo dục hoặc nghiên cứu. Tôi không nghĩ rằng tình trạng sức khỏe là đủ tốt để công nhân tại các nhà máy như tôi có thể tiếp tục làm việc". Việc thiếu hụt lao động có thực sự tồn tại hay không, khi mỗi năm có hàng trăm nghìn người Việt Nam xuất khẩu lao động?

Tương tự như vậy, một giám đốc một công ty mỹ phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết ông khá quan tâm đến việc tăng tuổi hưu. Công ty của ông cần những người lao động trẻ hơn, và sự thay đổi tuổi hưu sẽ làm tăng chi phí lao động. Nếu đề xuất được chấp thuận, ông lo ngại mình sẽ phải cơ cấu lại hệ thống lương và thưởng của công ty, cũng như giảm biên chế đối với nhiều nhân viên lớn tuổi. 

Sự khao khát của tuổi trẻ vẫn còn mạnh mẽ ở Nhật Bản. "Nhiều CEO cho rằng các công nhân lớn tuổi có xu hướng ít hòa đồng và khó làm việc hơn", Hideki Oe, cựu nhân viên ngân hàng Nomura và cố vấn về hưu nói. "Sự thật là các công ty luôn muốn thuê những người trẻ tuổi nếu có thể".

Hầu hết các công ty Nhật Bản tiếp tục cho phép nhân viên làm việc sau khi họ nghỉ hưu ở tuổi 60. Việc cho phép nhân viên là việc thêm có xu hướng tập trung vào các ngành thâm dụng lao động, như chăm sóc sức khỏe, nhà hàng, khách sạn, xây dựng và giao hàng. 

Về phần mình, Philippines đang vấp phải xu hướng trì hoãn nghỉ hưu. Hạ viện gần đây đã phê chuẩn một biện pháp cho phép nhân viên chính phủ nghỉ hưu ở tuổi 56 nếu họ chọn - thay vì 60 - và vẫn nhận được đầy đủ lợi ích. "Đối với những người không muốn phục vụ nữa, nhân viên chính phủ có thể nghỉ hưu sớm hơn", đại diện Antonio Tinio, người đề xuất chính, nói. "Nó sẽ tốt hơn cho tinh thần nói chung".

Nikkei: Tăng tuổi hưu có thật sự cần thiết khi mỗi năm vẫn có hàng trăm nghìn người Việt xuất khẩu lao động? - Ảnh 4.

Thực tế là cả các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và người lao động đều chịu áp lực phải điều chỉnh để thay đổi nhân khẩu học. Nếu mọi người làm việc lâu hơn, họ sẽ cần một loạt các hệ thống xã hội, từ giáo dục để theo kịp các công nghệ mới đến nâng cấp cơ sở hạ tầng - đặc biệt là ở các nước kém phát triển - đảm bảo an toàn và dễ dàng cho những người lớn tuổi đi làm. 

Ở nhiều nước châu Á, "người già không được tiếp cận nhiều với giáo dục [khi họ còn trẻ]", theo Thang Leng Leng, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore. Bà chỉ ra rằng giáo dục và đào tạo lại là rất quan trọng đối với các xã hội để đưa nhiều người cao tuổi vào lực lượng lao động và đảm bảo họ làm việc hiệu quả. Bà Thang cho biết các chính phủ cũng cần xem xét cân bằng cuộc sống và công việc của người cao niên nếu họ muốn họ nghỉ hưu. "Rất nhiều người không ngại làm việc, nhưng họ không muốn lúc nào cũng phải làm việc", bà nói. "Khi cố gắng khiến mọi người làm việc lâu hơn, thực sự cần phải cơ cấu lại công việc".

Hoàng An

Nikkei Asian Review

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên