Nợ bảo hiểm xã hội: Nỗi lo về già không lương hưu
Thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) gia tăng đã đẩy hàng trăm nghìn người lao động đứng trước nguy cơ về già không có thu nhập. Người lao động lo lắng và mong sao sẽ có chế tài xử lý thật mạnh tình trạng này để họ được đảm bảo an sinh khi về già.
- 11-02-2023Bắc Kạn nỗ lực ra khỏi danh sách địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp
- 11-02-2023Chậm sửa Thuế Thu nhập cá nhân: Chờ đến bao giờ?
- 11-02-2023Phê duyệt Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040
200.000 người lao động bị doanh nghiệp “nợ” BHXH
Đã nghỉ hưu hơn 3 tháng nay, thế nhưng ông Hoàng Văn Chiến (Chương Mỹ, Hà Nội) luôn cảm thấy lo lắng vì doanh nghiệp nợ BHXH, điều đó đồng nghĩa với việc, ông sẽ không có lương hưu, bởi đây được coi là nguồn thu nhập chính của hưu trí. Số tiền này không những giảm gánh nặng chi phí cho gia đình mà còn gián tiếp giảm gánh nặng cho xã hội khi một lực lượng lớn lao động ngừng làm việc có được nguồn thu nhập tự trang trải cuộc sống.
Ông Chiến cho hay, 2 năm trở lại đây, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp nơi ông làm việc bắt đầu làm ăn sa sút, lượng đơn hàng giảm mạnh, doanh thu thấp nên người lao động phải nghỉ luân phiên, doanh nghiệp nợ lương, nợ tiền BHXH của người lao động. Sau 4 tháng nghỉ hưu, cuộc sống khó khăn, không có tiền để trang trải hàng ngày, vợ chồng ông bàn nhau mở 1 quán trà đá và bán hàng ăn sáng gần nhà.
“Vợ chồng tôi đã cao tuổi rồi, tiền lương không có nên túc tắc bán hàng kiếm đồng ra đồng vào. Dịch bệnh khiến sản xuất đình trệ, mình cũng nên thông cảm một phần cho doanh nghiệp. Mong sao tới đây doanh nghiệp hồi phục, họ sẽ giải quyết bảo hiểm xã hội cho những người nghỉ hưu như chúng tôi”, ông Chiến nói.
Về hưu nhưng không có lương hưu vì doanh nghiệp nợ tiền BHXH đang là nỗi lo của nhiều người lao động hiện nay. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, tình trạng nợ tiền BHXH của người lao động gia tăng mạnh.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp: chế biến gỗ, dệt may, da giày bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Cụ thể, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng. Trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.
Sau làn sóng mất việc, giảm giờ làm, đã gia tăng tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác của người lao động; thậm chí nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình để thanh lọc, đẩy người lao động từ trên 35 tuổi ra khỏi doanh nghiệp để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn. Hiện có hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu.
Ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương với tổng số tiền nợ gần 14.600 tỷ đồng, chiếm 3,4% số phải thu. Cùng với đó là nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại khoản nợ lớn tiền lương của người lao động vẫn diễn ra nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
Trong đó, Giao thông vận tải và Xây dựng là hai ngành có số doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm nhiều nhất. Các tổng công ty ngành Giao thông vận tải nợ gần 205 tỷ đồng tiền lương và 750 tỷ đóng BHXH; doanh nghiệp xây dựng nợ 269 tỷ tiền lương và 435 tỷ đóng BHXH.
Theo ông Khang, nếu không sớm có biện pháp xử lý dứt điểm, những người này sẽ không được hưởng bất cứ chế độ nào, kể cả lương hưu.
Cần có chế tài mạnh để xử lý tình trạng nợ BHXH
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, khi doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội người lao động sẽ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn bởi họ không chốt được sổ bảo hiểm xã hội kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Điều này đồng nghĩa với việc, tất cả chế độ trước đó họ đáng được hưởng đều bằng 0.
Bộ luật Hình sự đã quy định về vấn đề trốn đóng, chậm đóng Bảo hiểm xã hội theo Điều 214, 215, 216. Đây là chế tài rất mạnh, nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn. Theo Bộ Công an, việc có đủ cơ sở khởi tố, truy tố các doanh nghiệp về tội trốn đóng, chậm đóng BHXH cho người lao động đang gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, quy định giao quyền cho tổ chức công đoàn được khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cũng không dễ thực hiện vì vướng các thủ tục… Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng chế tài đủ sức răn đe; Công tác thanh tra, kiểm tra cần phải được tăng cường, xử lý kịp thời.
Thống kê của ngành BHXH Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2018-2022, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng chưa vụ nào bị xử lý, trong đó, 186 vụ bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hơn 3.200 tỷ đồng nợ BHXH kéo dài nhiều năm khiến hơn 206.000 lao động ảnh hưởng quyền lợi song đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.
Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH, bảo vệ quyền lợi cho người lao động (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, theo đơn vị này, việc xử lý nợ BHXH đối với các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn là vấn đề rất phức tạp, mặc dù đã được nghiên cứu, báo cáo các cấp nhiều lần nhưng vẫn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý. Nguyên nhân là do chưa có cơ sở pháp lý về nguồn lực cho việc xử lý, chưa có số liệu chi tiết bảo đảm cho việc thực hiện xử lý khi có nguồn lực. Các cơ quan chức năng không thể thu hồi nợ là do các doanh nghiệp không còn ở địa điểm đăng ký; không có khả năng tài chính để trả nợ; việc xử lý đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay, điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như sau:
Đối với cá nhân phạm tội, khung 1, phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm đối với người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm: trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp
Khung 2: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Phạm tội 2 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động.
Khung 3: Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người lao động trở lên.
Người phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Theo Bộ LĐTB&XH, năm 2023, toàn quốc sẽ thanh tra toàn bộ đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng, chậm đóng BHXH và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với 100% đơn vị, doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực BHXH, sẽ tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật BHXH, BHYT tại cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện; thanh tra toàn bộ đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng, chậm đóng và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với 100% đơn vị, doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý.
VOV