MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ BHXH ngày càng nghiêm trọng

17-11-2016 - 08:53 AM | Xã hội

BHXH Việt Nam cho biết đến hết tháng 10-2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước đã lên tới 14.237 tỉ đồng

Sáng 16-11, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH , BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Số nợ này chưa tính đến tiền nợ từ các đơn vị giải thể, phá sản, bỏ trốn đang trực tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của hàng chục ngàn người lao động.

Theo ông Đại, nguyên nhân nợ các loại bảo hiểm ngoài lý do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động kém thì còn có nguyên nhân từ cơ quan BHXH các cấp chưa quyết liệt trong công tác đôn đốc thu, thu hồi nợ… BHXH cũng chưa chủ động phối hợp với LĐLĐ để khởi kiện các doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH , BHYT, BHTN cũng như phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN mà chỉ cử người tham gia đoàn thanh tra khi có yêu cầu. Đơn cử như BHXH tỉnh An Giang từ tháng 1-2015 đến tháng 9-2016 chưa thu được tiền BHYT của hơn 60.000 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền là 66 tỉ đồng.

Tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH , BHYT, BHTN xảy ra hầu hết các địa phương trong cả nước. Thậm chí có tình trạng DN đã trích trừ tiền lương của người lao động nhưng chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác, không nộp vào quỹ. Nguyên nhân một phần là do mức lãi suất quy định cho các khoản nợ BHXH so với lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện có sự chênh lệch quá lớn khiến DN mặc nhiên chiếm dụng tiền BHXH làm vốn. Hơn nữa, chế tài xử phạt hành chính đối với các DN vi phạm BHXH chưa đủ sức răn đe. Về phía người lao động thì lại không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình vì sợ mất việc làm.

Đốc thúc việc khởi kiện

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết mặc dù từ ngày 1-1-2016, tổ chức Công đoàn (CĐ) có quyền khởi kiện DN nợ BHXH nhưng đến nay vẫn chưa có vụ kiện nào được đưa ra xét xử. Thậm chí, tính đến hết ngày 16-11, vẫn còn 16 tỉnh, thành phố chưa tổ chức ký quy chế phối hợp trong vấn đề đôn đốc thu nợ giữa cơ quan BHXH với tổ chức CĐ . Trước thực trạng trên, ông Chính yêu cầu các đơn vị thúc đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH chuyển cho tòa án. Theo ông Chính, từ nay đến hết năm 2017, mỗi địa phương phải có ít nhất từ 5-10 hồ sơ khởi kiện chuyển sang tòa án.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cũng yêu cầu giám đốc BHXH các địa phương xem lại trách nhiệm của mình trong việc đôn đốc các DN thanh toán nợ BHXH. Qua kiểm tra cho thấy một số giám đốc BHXH tỉnh chưa quyết liệt trong công tác đôn đốc thu, thu hồi nợ, chưa chủ động báo cáo và đề xuất UBND các cấp chỉ đạo, xử lý các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Ông Liệu cho biết trong thời gian tới, BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ thành lập các đoàn công tác để đốc thúc các đơn vị thực hiện việc khởi kiện, giải quyết những vướng mắc gặp phải khi tổ chức CĐ thực hiện quyền khởi kiện về nợ BHXH.

Thanh tra là phát hiện sai phạm

Theo BHXH Việt Nam, tính đến tháng 11-2016, BHXH Việt Nam đã tiến hành 5 cuộc thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT; trong đó phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra thí điểm tại 2 tỉnh, thành là Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Quá trình thanh tra đã phát hiện 616 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 157,7 tỉ đồng. Trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã tiến hành 8 cuộc kiểm tra và phối hợp thanh tra liên ngành, qua đó phát hiện 13.836 trường hợp thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia BHXH, BHTN, BHYT, đóng thiếu thời gian tham gia…

Theo Ngọc Dung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên