Nợ Chính phủ an toàn, năm 2025 cần vay hơn 815.000 tỷ
Nợ Chính phủ của Việt Nam được các tổ chức trên thế giới đánh giá là ổn định và thấp hơn nhiều so với các quốc gia có cùng xếp hạng. Chính phủ dự kiến đến cuối năm các chỉ tiêu nợ "nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn" đã được Quốc hội quyết định. Tổng nhu cầu vay của Chính phủ năm 2025 dự kiến ở mức hơn 815.000 tỷ đồng, tăng 20,6% so với kế hoạch vay năm nay.
Nợ Chính phủ có 76% nguồn vay trong nước
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa gửi báo cáo Quốc hội về tình hình nợ công năm 2024, dự kiến 2025.
Tình hình nợ công được đặt trong bối cảnh năm nay tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Dù vậy, kinh tế trong nước đã có sự phục hồi rõ nét, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát.
Trên cơ sở ước thực hiện vay, Chính phủ dự kiến đến cuối năm các chỉ tiêu nợ "nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn" đã được Quốc hội quyết định. Trong đó, nợ công trên GDP ước khoảng 36-37%, tương đương năm 2023 (mức trần bằng hoặc dưới 60%). Nợ Chính phủ 33-34% GDP . Trong khi đó, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 32-33% GDP, con số này thấp hơn nhiều so với mức trần 50% mà nghị quyết Quốc hội đặt ra.
Báo cáo cũng cho thấy, các khoản trả nợ nước ngoài năm 2024 chiếm khoảng 8 - 9% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Số này cũng nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (dưới 25%).
Về cơ cấu vay, Chính phủ cho biết, các khoản nợ Chính phủ có 76% từ nguồn vay trong nước, trong đó chủ yếu là trái phiếu Chính phủ.
Về nợ trong nước, đến hết tháng 6, khối công ty bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các quỹ đầu tư, công ty tài chính nắm 62,5% tổng dư nợ trái phiếu Chính phủ . Phần còn lại do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư...
Với nợ nước ngoài, các chủ nợ chủ yếu là đối tác phát triển đa phương và song phương như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong năm nay, Thủ tướng giao huy động 670.679 tỷ đồng vốn vay, chủ yếu để cân đối ngân sách Trung ương (659.934 tỷ đồng), còn lại là vay về cho vay lại (10.745 tỷ đồng).
Cơ cấu vay chủ yếu từ trong nước, chiếm 95% kế hoạch, tương đương 639.399 tỷ đồng, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Các khoản vay ODA , ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 31.280 tỷ.
Chính phủ khẳng định, quản lý nợ công bám sát nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo an toàn nợ. Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm nay cải thiện tích cực.
Nợ được Chính phủ bảo lãnh được quản lý chặt chẽ, tỷ trọng giảm từ mức 3,8% GDP năm 2021 xuống còn 2-3% GDP năm nay.
Vị thế nợ được cải thiện, giảm phụ thuộc
Tại báo cáo, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định việc trả nợ được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong dự toán đã duyệt. Chỉ tiêu nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ trên thu ngân sách khoảng 21-22%.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chiến lược quản lý nợ chủ động giúp làm giảm thiểu rủi ro thanh khoản của Chính phủ. Vị thế nợ được cải thiện, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn huy động bên ngoài.
Về tồn tại, hạn chế, Chính phủ cho hay, việc đàm phán, ký thỏa thuận vay nước ngoài chậm hơn. Chi phí vay nước ngoài đang cao hơn so với mức bình quân trong nước và tiềm ẩn các rủi ro về biến động tỷ giá.
Nguyên nhân là do các vướng mắc liên quan đến đầu tư công, đấu thầu vẫn chưa được xử lý triệt để; vướng mắc về pháp luật nên việc thực hiện thỏa thuận vay vốn không kịp tiến độ.
Bước sang năm 2025, Chính phủ dự báo, dư nợ công ở mức 36-37% GDP, nợ Chính phủ 34-35%, nợ nước ngoài 33-34%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 24%.
Tổng nhu cầu vay của Chính phủ năm 2025 dự kiến ở mức hơn 815.000 tỷ đồng, tăng 20,6% so với kế hoạch vay năm nay; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp khoảng 468.542 tỷ đồng.
Để quản lý chặt chẽ nợ công, giữ vững an ninh, an toàn nền tài chính quốc , Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện 5 giải pháp chủ yếu.
Trong đó, Chính phủ sẽ rà soát, tháo gỡ khó khăn về cơ chế để tăng giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời sử dụng linh hoạt các công cụ để hoàn thành mục tiêu huy động đủ nguồn vốn trong và ngoài nước.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật liên quan đến tài chính - ngân sách, đầu tư công, vay vốn ODA; tăng cường tiếp xúc, quảng bá với nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ trong và ngoài nước…
Tiền phong