Sôi động các đường bay thúc đẩy du lịch Việt Nam - Trung Quốc
Năm 2024 ghi nhận nhiều dấu ấn khởi sắc trong hợp tác du lịch Việt Nam – Trung Quốc. Nhiều hãng hàng không mở đường bay, nâng tần suất chuyến bay giữa các điểm đến của 2 nước. Hiện trung bình có khoảng 330 chuyến bay qua lại mỗi tuần giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đã đạt trên 2,7 triệu lượt sau 9 tháng năm 2024.
- 11-10-2024Thiếu trầm trọng nhân lực du lịch nhưng một ‘siêu trợ thủ’ sẽ đảo ngược tình thế, thậm chí hứa hẹn làm tăng lượng khách quốc tế quay lại Việt Nam
- 10-10-2024Du lịch lễ hội ngày càng tiềm năng
- 10-10-2024Đón đoàn khách 4.500 người của tỷ phú Ấn Độ, Ninh Bình báo toàn tin mừng về du lịch
Kết nối hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh mẽ, khi các hãng hàng không tiếp tục tăng tần suất bay, mở mới hoặc tái khởi động đường bay đã tạm ngưng trước đây, nhằm khai thác nhu cầu giao thương, du lịch của người dân hai nước. Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện trung bình có khoảng 330 chuyến bay qua lại mỗi tuần giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đang tăng nhanh, sau 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt trên 2,7 triệu lượt.
Đến quý 3/2024, hàng loạt chuyến bay thường lệ và thuê chuyến được khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc, kéo theo đó là hàng loạt tour du lịch mới, như đường bay charter từ Hải Phòng (Việt Nam) đến Lệ Giang (Trung Quốc), đường bay Hà Nội - Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc), đường bay Quý Dương - Hà Nội, hay hãng West Air (PN) khai thác đường bay mới Hà Nội - Trùng Khánh (Trung Quốc)... Đến tháng 8/2024, riêng hãng China Southern Airlines (CZ) đã khôi phục 7 đường bay từ Việt Nam đến Trung Quốc với khoảng 190 chuyến/tuần, sau khi tăng tần suất trên chặng Hà Nội - Quảng Châu và chặng TP.HCM - Thâm Quyến.
Trong quý 4/2024, dự kiến tiếp tục có những đường bay được bổ sung hoặc tăng chuyến giữa Việt Nam và Trung Quốc như Air China (CA) mở chặng bay Hà Nội - Thượng Hải và nâng tần suất chuyến bay Hà Nội - Bắc Kinh từ cuối tháng 10. Hãng Juneyao Airlines (HO) dự kiến khai thác đường bay Hà Nội - Thượng Hải, còn China Eastern Airlines (MU) cũng kế hoạch mở rộng mạng bay tới Hà Nội, từ nhiều thành phố của Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh, Tây An, Vũ Hán, Côn Minh...
Ngoài Hà Nội, thời gian tới một số chuyến bay thường lệ và thuê chuyến (charter) sẽ tăng thêm kết nối giữa các điểm đến Việt Nam và Trung Quốc, như chặng bay Quảng Châu - Phú Quốc, Hàng Châu - Đà Nẵng, Vũ Hán - TP.HCM... Nhờ đó, các tuyến du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng sôi động, sản phẩm liên tục được bổ sung với đa dạng điểm đến và mức giá phải chăng, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành quốc tế Toàn Cầu Việt Nam (VGI Travel), việc bổ sung chuyến bay giữa Hàng Châu - Đà Nẵng đang rất được quan tâm, do khu vực miền Trung hiện ít đường bay thẳng tới Trung Quốc.
"Chúng tôi mong sớm có các đường bay tương tự để khách du lịch ở miền Trung có thể bay thẳng đi Trung Quốc từ Đà Nẵng, không phải chuyển tiếp qua Hà Nội hay TP.HCM, vừa vất vả mà chi phí cũng tăng lên đáng kể. Mặt khác, thời gian qua khách Trung Quốc vào Đà Nẵng còn ít, ảnh hưởng lớn tới các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cho khách inbound. Nếu đường bay Hàng Châu - Đà Nẵng thành công, đó sẽ là động lực nối lại các đường bay khác từ Trung Quốc đến Đà Nẵng", bà Nguyễn Thị Hải Nam cho biết.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam hiện coi Trung Quốc là thị trường chủ đạo, vừa là nguồn khách quốc tế quan trọng, đồng thời là điểm đến đáp ứng nhu cầu du lịch nước ngoài của du khách Việt. Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Tràng An (Tràng An Travel) cho biết: "Năm 2024 đã ghi nhận sự khởi sắc trong trao đổi du lịch Việt Nam – Trung Quốc. Nhiều hãng hàng không đã khai thác đường bay thẳng tới các địa phương của 2 nước, đặc biệt các chuyến charter kết nối tour du lịch từ Hải Phòng – Lệ Giang, Hà Nội – Quý Dương, Hà Nội – Trùng Khánh... được đông đảo du khách Việt quan tâm, hào hứng trải nghiệm. Còn lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam du lịch trong năm nay cũng tăng trưởng tích cực và còn nhiều tiềm năng".
Theo ông Thanh, hiện nay nhiều công ty du lịch tại Việt Nam coi tour Trung Quốc là sản phẩm du lịch trọng tâm, đạt hiệu quả cao; vì vậy nhìn chung các doanh nghiệp đều kỳ vọng hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
"Thực tế, du khách Việt Nam rất quan tâm, thích thú khám phá những cảnh đẹp như mùa lá vàng lá đỏ, tuyết trắng hay các cổ trấn ở Trung Quốc. Trong khi đó, du lịch Việt Nam cũng tạo sức hút mạnh mẽ với du khách Trung Quốc bởi thiên đường biển - nghỉ dưỡng ấm áp để tránh đông, ẩm thực Việt Nam phong phú… Chính sách thị thực nhập cảnh đơn giản, kết nối giao thông về hạ tầng, phương tiện ngày càng thuận lợi sẽ giúp thúc đẩy trao đổi khách Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Thanh cho biết.
VOV