MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ công Việt Nam dự báo có thể đạt đỉnh năm nay

Bộ Tài chính vừa đưa ra dự báo năm 2017 – 2018 sẽ là đỉnh của nợ công Việt Nam với mức nợ có thể tiến sát ngưỡng 65% GDP.

Mức nợ công tính đến cuối năm 2016 của Việt Nam là 63,7% GDP, trong đó, nợ Chính phủ là 52,6%. Tuy nhiên, đây không phải là mức cao nhất trong giai đoạn 2016 – 2020.

Mới đây, Bộ Tài chính đã dự báo rằng đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017 – 2018 và có thể giảm dần trong những năm sau đó. Cụ thể, với giả định rằng tăng trưởng GDP vào khoảng 6,7 – 7% thì nợ công năm 2017 sẽ lên đến 64,8% GDP. Năm 2018, nợ công vẫn duy trì ở mức cao, vào khoảng 64,7% GDP. Và phải đến 2020, nợ công mới có thể giảm điểm phần trăm, lùi về 63,7%.

Kịch bản nợ công Việt Nam

Kịch bản nợ công Việt Nam

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng đây chỉ là kết quả dựa trên giả định, còn mức cụ thể sẽ tuỳ tình hình kinh tế của từng năm mà có sự thay đổi. Bộ Tài chính cũng cho biết Bộ và Chính phủ sẽ có các biện pháp để tái cơ cấu ngân sách, nợ công nhằm đảm bảo nợ công ở tất cả các năm không vượt quá 65% GDP.

Trong phiên thảo luận tổ về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) chiều ngày 30/5, các cơ quan điều hành cũng đã thẳng thắn thừa nhận công tác quản lý nợ công đã bộc lộ một số bất cập. Theo đó, nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh, gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thực tế nợ công tăng rất nhanh trong khi đó, tăng trưởng kinh tế lại khó khăn. Năm ngoái, tổng sản phẩm nội địa tăng 6,21%, năm nay ước đạt 6,2%, thấp hơn kế hoạch đã đề ra là 6,7%.

Dù Luật Ngân sách Nhà nước đã quy định nếu thu không đạt dự toán thì phải giảm chi, nhưng Bộ trưởng Dũng “nói thật” rằng những năm qua Việt Nam đã không làm được điều đó, thậm chí còn tăng chi, nên gánh nặng dồn vào nợ công.

“Chúng ta không làm vẫn phải ăn”, Bộ trưởng nói. Ông cũng nói thêm rằng quyết tâm thì cao, nhưng tổ chức thực hiện thì thấp nên gánh nặng đổ dồn vào ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại khẳng định nếu Quốc hội không quyết liệt trong thời gian qua thì còn lâu Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mới tái cơ cấu được nợ công. Bên cạnh đó, bà cũng chỉ ra tồn tại lớn nhất của việc quản lý nợ công hiện nay là có tới 3 cơ quan chức năng cùng quản, gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước. Bởi lẽ, như bà nhận định thì “không có quốc gia nào làm giống chúng ta, một người đi vay, một người phân bổ, một người trả nợ”.

Ở các nước, Ngân hàng Nhà nước không phải là một thành viên của Chính phủ mà là ngân hàng trung ương của các ngân hàng. Bên đi vay, đàm phán là Bộ Tài chính và đây là cơ quan thuộc các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo lệ, Ngân hàng nhà nước lại được coi là cơ quan ngang bộ, là một thành viên Chính phủ nên được cử tham gia các tổ chức quốc tế. Tại các cuộc họp thường niên, trong khi các nước là Bộ trưởng Bộ Tài chính ngồi thì ở ta lại là Thống đốc Ngân hàng nhà nước. Còn về vay ODA lại thuộc trách nhiệm Bộ Kế hoạch đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh nếu lần này sửa được vấn đề này sẽ tạo ra cuộc cách mạng về quản lý nhà nước về nợ công, may ra mới chấn chỉnh được.

N.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên